Ukraine triển khai quân, Crimea cầu cứu ông Putin

20:27, 01/03/2014
|

(VnMedia) - Những binh lính có vũ trang được Kiev phái đến khu vực tự trị Crimea, phía nam Ukraine, tối qua (28/2) đã tìm cách xông vào trụ sở của Bộ Nội vụ địa phương, Bộ Ngoại giao Nga hôm nay (1/3) cho biết. Trước tình hình này, người đứng đầu khu vực tự trị Crimea đã lên tiếng cầu cứu Tổng thống Vladimir Putin.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Theo Bộ Ngoại giao Nga, Kiev đã ra lệnh cho các binh lính tìm cách tiến vào Crimea . “Kết quả của hành động lừa dối và khiêu khích này là nhiều người đã bị thương”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố. “Điều đó đã xác nhận thực tế rằng, giới chính khách ở Kiev đang tìm cách gây bất ổn cho tình hình ở Crimea . Chúng tôi kêu gọi những người đưa ra lệnh trên từ Kiev hãy thể hiện sự kiềm chế”, Bộ Ngoại giao Nga nói thêm.

 

Lời cáo buộc trên được đưa ra trong bối cảnh báo chí phương Tây đang rộ lên tin về các hoạt động di chuyển, điều động quân sự rầm rộ, quy mô lớn của Nga, trong đó có xe tăng, trực thăng và binh lính, ở Crimea.

 

Thủ tướng Crimea – ông Sergei Aksyonov hôm nay cũng vừa lên tiếng xác nhận, binh lính Nga đang hoạt động trên bán đảo của họ và đích thân ông này đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin giang tay giúp đỡ trong tình hình bất ổn hiện nay.

 

Điện Kremlin sau đó đã khẳng định trong một tuyên bố rằng, họ sẽ không phớt lờ lời cầu cứu từ ông Aksyonov. Ông Aksyonov là người vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng của khu tự trị Crimea sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội của khu vực này hôm 27/2. Ông này cho biết, thỏa thuận mà họ ký kết với Hạm đội Biển Đen cho phép binh lính của Nga bảo vệ những địa điểm chiến lược ở Crimea.

 

“Chúng tôi đã thiết lập sự hợp tác với Hạm đội Biển Đen để họ giúp bảo vệ những địa điểm quan trọng có tính sống còn”, ông Aksyonov cho biết trong một cuộc họp nội các diễn ra ngày hôm nay.

 

Trước đó, đáp trả những thông tin rộ lên về các hoạt động quân sự đáng chú ý của Nga ở Crimea trong những ngày gần đây, Nga tuyên bố, tất cả các hoạt động điều động, di chuyển quân sự của họ đều được phép trong khuôn khổ của thỏa thuận mà Nga ký với Ukraine năm 1997 về việc sử dụng các căn cứ hải quân.

 

“Tôi đã quay sang đề nghị Tổng thống Vladimir Putin giúp đỡ trong việc bảo vệ hòa bình và sự yên ổn” ở Crimea , Thủ tướng khu vực tự trị - ông Aksyonov cho biết. Ông này cũng là lãnh đạo của Đảng Thống nhất Nga ở Ukraine .

 

Thủ tướng Aksyonov cũng thông báo, sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý về vị thế của Crimea trong Ukraine . Hiện tại, các lực lượng an ninh ở Crimea , trong đó có cảnh sát và quân đội, đã nằm trong quyền kiểm soát của ông Aksyonov. Trước đó, các lực lượng này chịu sự chỉ huy từ Kiev .

 

Những diễn biến ở Crimea dường như đang tiến gần hơn tới một sự chia cắt với Ukraine trong bối cảnh chính phủ lâm thời mới ở quốc gia Đông Âu đang phải vật lộn tìm cách kiểm soát đất nước sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi tuần trước.

 

Tổng thống Putin chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng phía tây kể từ khi phe đối lập bất ngờ lên chiếm quyền sau những cuộc biểu tình bạo lực khiến gần 100 người thiệt mạng.

 

Các binh lính được vũ trang, đội mũ len trùm đầu đã chiếm trụ sở các cơ quan quan trọng ở Crimea trong những ngày gần đây và lực lượng này dường như cũng đã chiếm quyền kiểm soát hai sân bay chính của khu vực tự trị này. Quốc hội Crimea cũng đã bị chiếm giữ bởi các binh lính có vũ trang hôm 27/2 và họ đã kéo cờ Nga lên ở đây.

 

Một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Ukraine hôm qua cho biết, các đường dây điện thoại và Internet nối giữa Crimea và phần còn lại của đất nước đều đã bị cắt đứt.

 

Giới chức cầm quyền lâm thời ở Kiev đang sôi sục tức giận, miêu tả các diễn biến ở Crimea là một cuộc xâm lược. Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov hôm qua đã nói với giới phóng viên rằng, Nga đang tìm cách kích động một cuộc xung đột.

 

Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine Arseny Yatsenyuk hôm nay kêu gọi, Nga nên triệu tập ngay lập tức các binh lính của họ trở về căn cứ như trước đây. “Nếu không, trách nhiệm về một cuộc xung đột vũ trang do những phần tử cực đoan gây ra dưới sự hậu thuẫn của quân đội Nga sẽ nằm cả ở giới lãnh đạo Nga”, ông Yatsenyuk tuyên bố.

 

Trong đó, giới lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Nga đưa quân vào Crimea . Tổng thống Obama hôm qua còn lên tiếng cảnh báo Nga về việc nước này sẽ đối mặt với sự lên án của quốc tế và sẽ phải trả giá nếu can thiệp quân sự vào Ukraine .

 

Nga gần đây đã điều động thêm khoảng 6.000 quân vào Crimea, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm nay cho biết.

 

Phản ứng trước những cáo buộc và chỉ trích trên, Nga liên tục khẳng định các hoạt động quân sự của họ đều phù hợp và tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận cũng như luật quốc tế. Moscow cũng nhấn mạnh, nước này sẽ không can thiệp vào tình hình nội bộ Ukraine nhưng sẽ hành động để bảo vệ những người gốc Nga ở Crimea .

 

Crimea được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954. Khu vực này đã được hưởng một chế độ tự trị tương đối lớn ở trong đất nước Ukraine . Crimea có Thủ tướng riêng. Khoảng 60% dân số ở Crimea là người gốc Nga và phần còn lại là người gốc Ukraine và Tatar.


Vân Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc