(VnMedia) - Trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ về vấn đề Ukraine mỗi lúc một nóng bỏng hơn, Bộ Quốc phòng Nga đang cân nhắc chuẩn bị tung ra đòn trả đũa đầu tiên nhằm vào Mỹ. Cụ thể, Nga sẽ ngừng các cuộc thanh sát quốc tế của Mỹ đối với vũ khí hạt nhân của nước này nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây vừa áp dụng với họ.
Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga |
“Những lời đe dọa vô căn cứ nhằm vào chính sách của Nga đối với Ukraine từ phía Mỹ và NATO được coi là những cử chỉ thiếu thân thiện”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố được phát đi trên các hãng truyền thông, báo chí của Nga.
Những lời đe dọa đó đã tạo ra tình hình mới, tạo cho Nga quyền được rút ra khỏi những cuộc thanh sát nằm trong khuôn khổ của hiệp ước START mới đã ký với Mỹ cũng như một thỏa thuận riêng rẽ khác với Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Một nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ Quốc phòng Nga hông qua (8/3) đã tiết lộ với hãng tin ITAR-TASS rằng, cơ quan này sẽ ngừng đón các thanh sát viên nước ngoài vào trong nước theo hiệp ước START mới và thỏa thuận Vienna năm 2011.
“Chúng tôi sẵn sàng áp dụng bước đi này để đáp trả lại tuyên bố của Lầu Năm Góc về việc ngừng hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ”, nguồn tin trên cho biết.
Cũng theo vị quan chức giấu tên trên, “vì những cuộc thanh sát quốc tế là biện pháp xây dựng lòng tin và như vậy sẽ không thể có các cuộc tiếp xúc định kỳ thông thường theo hiệp ước START mới một khi Mỹ đã cơ bản thông báo ‘lệnh trừng phạt’.
“Chúng tôi coi những lời đe dọa thiếu cơ sở của Mỹ và NATO nhằm vào chính sách của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine là cử chỉ thiếu thân thiện và điều đó cho phép chúng tôi tuyên bố hành động trả đũa bất khả kháng”, vị quan chức Nga cho hay.
Hiệp ước START mới có hiệu lực từ ngày 5/2/ 2011. Hiệp ước này cho phép mỗi nước được sở hữu 1.500 đầu đạn hạt nhân và 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng máy bay ném bom và tên lửa đạn đạn được phóng đi từ biển. START mới được ký kết giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev ở Prague hôm 8/4/2011. Hiệp ước START trước đó hết hạn vào ngày 5/12/2009.
Công cụ chính để kiểm soát vũ khí hạt nhân theo hiệp ước START chính là các cuộc thanh sát. Theo đó, các thanh sát viên phải xác minh số lượng được thông báo về vũ khí hạt nhân của mỗi bên.
Văn bản Vienna về Các biện pháp xây dựng an ninh và lòng tin và Giải trừ vũ khí hạt nhân ở Châu Âu đã được thông qua bởi Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hồi tháng 11 năm 2011. Văn bản này kêu gọi tiến hành các cuộc thanh sát ở những khu vực và đơn vị cụ thể nhằm giám sát các hoạt động quân sự và thực hiện các bản báo cáo, đánh giá thường niên về thông tin do mỗi bên cung cấp. Mỹ là thành viên của OSCE từ năm 1973 trong khi Nga tham gia năm 1992.
Nga và Mỹ đang rơi vào một cuộc đối đầu nóng bỏng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh được châm ngòi từ cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Ukraine.
Hồi đầu tuần này, Washington đã tuyên bố áp dụng một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow vì vấn đề Ukraine. Cụ thể, Mỹ tuyên bố ngừng tất cả các cuộc đàm phán thương mại với Nga đồng thời cắt đứt quan hệ quân sự giữa hai bên. Tổng thống Mỹ Barack Obama còn ký lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những quan chức Nga có liên quan trực tiếp đến tình hình Ukraine, trong đó có lệnh cấm cấp visa. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục áp dụng những bước đi trừng phạt hơn nữa nhằm vào Nga.
Mỹ tăng cường sức ép lên Nga
Mỹ được cho là đang tăng cường sức ép lên Nga sau khi Moscow có những bước đi sẵn sàng đón nhận khu tự trị Crimea sáp nhập vào nước này.
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nga không được có bất kỳ động thái nào nhằm sáp nhập Crimea vào nước này. Trong cuộc điện đàm ngày hôm qua với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởn Johh Kerry đã nói rằng Crimea là một phần của Ukraine và Moscow nên tránh làm leo thang quân sự.
"Ông Kerry đã làm rõ rằng, các hành động khiêu khích và leo thang quân sự ở Crimea hay ở những nơi khác trên lãnh thổ Ukraine cùng với những bước đi sáp nhập Crimea vào Nga sẽ đóng mọi cánh cửa ngoại giao lại và vì thế, ông này kêu gọi các bên kiềm chế tối đa”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cấp tập thảo luận về tình hình Ukraine với 6 nhà lãnh đạo của các nước, Nhà Trắng cho hay.
Tổng thống Obama đã có cuộc đối thoại riêng rẽ với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi về diễn biến ở Ukraine, một tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết.
Ông Obama đã hoan nghênh lập trường “thống nhất và mạnh mẽ” của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đối với các hành động của Nga ở Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng cũng đã có cuộc họp qua điện thoại với Tổng thống của 3 nước Lithuania, Latvia và Estonia. Ông Obama đã tái khẳng định “cam kết không thay đổi của Mỹ” đối với an ninh và phòng thủ tập thể của các thành viên trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ có cuộc nói chuyện với lãnh đạo của 3 nước Baltic về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 3 nước này là thành viên của NATO nhưng lại có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc