Tổng thống Putin khuất phục được đồng cấp Obama?

07:07, 31/03/2014
|

(VnMedia) - Một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin bất ngờ gọi điện cho người đồng cấp Barack Obama, báo chí đưa tin Nga và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn trong lập trường giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhiều người tự hỏi, phải chăng ông chủ điện Kremlin đã khuất phục được người đồng cấp Mỹ?
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Nga và Mỹ vừa có cuộc thảo luận về vấn đề Ukraine trong ngày hôm qua


Theo hãng tin ABC News, sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu ở Ukraine, có một số dấu hiệu cho thấy hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong vấn đề này. Cả hai nước đều đã công khai đưa ra các lập trường của mỗi bên, mặc dù họ vẫn còn khác biệt trong một số vấn đề.
 
“Chúng tôi đang đưa cách tiếp cận của mình lại gần nhau hơn”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga. Ông này nói thêm rằng, “một sáng kiến chung đang bắt đầu hình thành và sáng kiến này sẽ được đưa ra cho các đối tác Ukraine của chúng tôi”.  Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng tái khẳng định cam kết của Moscow rằng nước này “hoàn toàn không có ý định và cũng không thích thú gì với việc xâm phạm biên  giới Ukraine”.
 
Trong một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ ít nhất một tuần đàm phán lặng lẽ giữa Nga và Mỹ cuối cùng đã đem đến một kết quả nhất định, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 29/3 đã đổi hướng máy bay trên đường trở về nhà từ Ả-rập Xê-út để đến thủ đô Paris gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong ngày hôm qua (30/3). Trước đó, hôm 29/3, hai vị quan chức ngoại giao cấp cao này đã có một cuộc điện đàm.
 
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Obama tiết lộ, cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ tập trung vào vai trò của các giám sát viên quốc tế tại Ukraine, Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine và các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga với Ukraine “dưới sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”. Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh, “chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Ukraine” trong việc tháo gỡ tình hình căng thẳng ở nước này, trong đó có việc xúc tiến đề xuất ngoại giao nói trên.
 
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Moscow không chấp nhận một đề xuất của phương Tây về việc thiết lập “một nhóm liên lạc” quốc tế mà theo lời ông là để giám sát các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. “Đây sẽ là một cơ chế hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ không bàn đến điều đó”, ông Lavrov nhấn mạnh.
 
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Moscow muốn các khu vực ở Ukraine có quyền tự trị lớn hơn, bởi điều đó cho phép các khu vực ủng hộ Nga ở phía đông có thể tự chủ và có thể tạo khoảng cách với chính phủ thân phương Tây ở thủ đô Kiev. Ông Lavrov cho biết, Mỹ và các nước đồng minh đang để ngỏ khả năng này.
 
“Tôi có thể nói rằng, từ ‘liên bang’ không còn là một từ cấm kỵ trong các cuộc đàm phán của chúng tôi”, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết.
 
Nga cũng muốn Ukraine đảm bảo trong hiến pháp đang được soạn thảo rằng, nước này sẽ không bao giờ gia nhập vào NATO hay bất kỳ liên minh nào khác. “Chúng tôi tin tưởng rằng, một hiến pháp mới của Ukraine nên nói rõ về vị thế không liên minh của nước này”, ông Lavrov cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình.
 
Trong khi đó, Mỹ dường như đã từ bỏ ý định can thiệp vào vấn đề Crimea mà đang tỏ ra lo lắng về cái mà họ gọi là mối đe dọa của hàng nghìn quân Nga đóng tại khu vực biên giới với Ukraine.
 
Một tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra vào dịp cuối tuần vừa rồi tiết lộ, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin chỉ nói về việc bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine mà không đề cập gì đến Crimea - bán đảo mới được sáp nhập vào Nga.
 
Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ liên tục cáo buộc Nga dồn quân về biên giới với Ukraine để chuẩn bị “xâm lược” quốc gia Đông Âu này. Giới chức ở Moscow liên tục bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định họ không hề có ý định cũng chẳng thích thú gì với viễn cảnh một cuộc xâm lược vào nước láng giềng. Điều này cũng đã được nói rất rõ trong bài phát biểu mang tính lịch sử của Tổng thống Putin hôm 18/3.
 
Về phía mình, điện Kremlin không cảm thấy yên tâm trước viễn cảnh Ukraine gia nhập vào NATO. Rõ ràng, Nga không thể không lo lắng trước việc một ngày nào đó, quân NATO có thể đóng sát ngay biên giới của họ. Hồi đầu tuần trước, Tổng thống Obama đã tìm cách trấn an nỗi quan ngại của điện Kremlin, khẳng định với các phóng viên rằng, “cả Ukraine lẫn Gruzia hiện giờ đều không đang ở trong tiến trình gia nhập vào liên minh NATO. NATO cũng chưa có kế hoạch mở rộng tiếp liên minh này”.
 
Tuy nhiên, những lời phát biểu trên của ông Obama chưa thể làm an lòng các nhà lãnh đạo của Nga. “Mọi việc ở đây cần phải rõ ràng, không có bất kỳ sự mập mờ nào. Có quá nhiều những từ như ‘cho đến nay’ và ‘không có ý định’. Ý định sẽ thay đổi trong khi các sự kiện đang được tạo ra trên thực tế”, ông Lavrov hôm 29/3 cho biết.
 
Theo tin mới nhất, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry đã có cuộc gặp mặt trực tiếp ở thủ đô Paris trong ngày hôm qua. Hai vị quan chức ngoại giao này đã nhất trí với nhau về sự cần thiết phải thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho tình hình ở Ukraine.
 
Ông Kerry nhấn mạnh, Ukraine sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông này cũng tiếp tục bày tỏ lo ngại về cái mà Mỹ cáo buộc là hoạt động triển khai quân rầm rộ ở khu vực biên giới với Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov đã bác bỏ những nghi ngờ về hoạt động triển khai quân nói trên đồng thời nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc