Quốc hội Nga bật đèn xanh cho ông Putin điều quân vào Ukraine

21:27, 01/03/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nga hôm nay (1/3) đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin làm mọi điều có thể để ổn định tình hình Crimea và bảo vệ công dân Nga ở khu tự trị của Ukraine .

 

Ảnh minh họa

 Một cuộc đối đầu giữa lực lượng thân Nga và phe thân phương Tây ở Ukraine


Lãnh đạo Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) - bà Valentina Matviyenko tuyên bố, việc sử dụng sức mạnh quân sự ở Ukraine là điều có thể sau khi phe đối lập phá vỡ thỏa thuận ký kết với Tổng thống Yanukovych và lên chiếm quyền ở Kiev hồi cuối tuần trước.

 

“Trong tình hình này, việc đưa một số lượng quân hạn chế vào Crimea để bảo đảm an ninh là điều có thể dựa trên cơ sở từ chính lời đề nghị của chính quyền Crimea ”, bà Matviyenko cho biết.

 

Sau Thượng viện, đến Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự trong ngày hôm nay, trong đó nói rằng Tổng thống Putin phải đưa tình hình Ukraine trở lại vòng kiểm soát. “Tất cả mọi phương tiện sẵn có” đều có thể được sử dụng để bảo vệ các công dân Nga, ông Sergei Naryshkin – Chủ tịch Hạ viện Nga, cho biết.

 

Theo lời ông Naryshkin nói với cánh phóng viên, Hội đồng Duma đã gửi kiến nghị cho Tổng thống Putin. “Các nghị sĩ kêu gọi Tổng thống hãy sử dụng mọi nguồn lực có thể để bảo vệ người dân Crimea khỏi tình trạng bạo lực và vô trật tự”.

 

Những phát biểu trên của Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Nga được đưa ra sau khi Thủ tướng Crimea Sergey Aksenov lên tiếng cầu cứu Tổng thống Putin hãy giúp đỡ khu vực tự trị này trong công việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định.

 

Chủ tịch Hạ viện Naryshkin cho biết, Quốc hội Nga đã thông qua một tuyên bố bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc về cách thức tình hình chính trị, xã hội đang diễn biến ở Ukraine hiện nay và về tình trạng leo thang trong cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này”. Tuyên bố kêu gọi đưa tình hình ở Ukraine trở lại đúng khuôn khổ luật pháp.

 

"Do kết quả hành động của các lực lượng cực đoan, tất cả các cơ quan của chính phủ Ukraine đều bị tước đi cơ hội đưa ra những quyết định hợp pháp”, tuyên bố của Duma cho hay.

 

Tuyên bố của Quốc hội Nga được cho là hành động bật đèn xanh để Tổng thống Putin điều quân đến Crimea . Quyết định cuối cùng của việc triển khai quân đến Crimea giờ đây chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào Tổng thống Putin cũng là Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội Nga, Chủ tịch Thượng viện Matvienko cho biết.

 

Chính phủ Nga cho đến nay vẫn tỏ ra rất thận trọng trong cách nhìn nhận và đánh giá về chính phủ lâm thời tự xưng ở Ukraine sau khi phe đối lập lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych. Bà Matvienko cho biết, lý do giải thích lập trường thận trọng của Nga xuất phát từ việc Moscow trông chờ vào các đối tác phương Tây. Các đối tác này đã cam kết bảo đảm việc thực hiện thỏa thuận được ký kết hôm 21/2 giữa Tổng thống Yanukovich và phe đối lập. Theo thỏa thuận đó, ông Yanukovych hứa sẽ tiến hành một cuộc bầu cử sớm đồng thời đồng ý hạn chế quyền lực của tổng thống.

 

“Nga đã không can thiệp vào tình hình ở Ukraine trong một thời gian dài và đã thể hiện sự kiềm chế vì nghĩ rằng các quốc gia phương Tây – những nước đứng ra làm trung gian và ủng hộ thỏa thuận giữa phe đối lập và ông Yanukovych, sẽ bảo đảm thỏa thuận đó được thực thi nghiêm túc”, bà Matvienko nói.

 

Tuy nhiên, sau “cuộc nổi dậy bạo lực” ở Ukraine, các cường quốc phương Tây lại không đưa ra được “bất kỳ biện pháp hay phản ứng hợp lý nào”, Chủ tịch Thượng viện Nga chỉ trích.

 

Ngược lại, Nga trong một thời gian dài đã kêu gọi giải quyết tình hình ở Ukraine bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi các bên lắng nghe những tiếng nói chống đảo chính ở Crimea và các khu vực phía đông Ukraine, bà Matvienko nói thêm.

 

Crimea hiện giờ đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine . Quốc gia Đông Âu đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là lực lượng thân Nga và một bên là phe ủng hộ phương Tây. Những diễn biến ở Ukraine vừa qua thực chất xuất phát từ mâu thuẫn nói trên. Người ta tin rằng, Ukraine đang trở thành “đấu trường” của một cuộc đua tranh, giành giật giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

 

Crimea ngày càng có xu hướng muốn tách khỏi Ukraine sau khi xảy ra cuộc chính biến vừa rồi. Khoảng 60% người dân ở Crimea là người gốc Nga và những người này ủng hộ Nga, phản đối cuộc đảo chính của phe đối lập.

 

Biểu tình rầm rộ đòi sáp nhập Crimea vào Nga

 

Liên quan đến vấn đề ly khai của Crimea, hôm nay, hơn 10.000 người mang theo cờ Nga đã tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ ở thành phố phía đông Donetsk – nơi được xem là thành trì ủng hộ cho Tổng thống vừa bị truất quyền Viktor Yanukovych.

 

Những người biểu tình tuyên bố, họ ủng hộ “nguyện vọng của khu vực tự trị Crimea muốn quay trở lại sáp nhập vào Nga".

 

"Nước Nga! Nước Nga!", những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu như vậy đồng thời phân phát và rải tờ rơi kêu gọi người dân “không tuân theo chỉ đạo của giới chức ở Kiev ”.

 

"Chúng tôi kinh sợ những gì đang xảy ra ở Kiev . Chúng tôi sẽ không để những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc bước vào thành phố của chúng tôi”, ông Oleksandr - một người biểu tình 40 tuổi, cho biết.

 

Những người dân Ukraine ủng hộ Nga ở phía đông và nam đất nước đang chứng kiến các diễn biến xảy ra ở thủ đô Kiev với một sự quan ngại. Ở bán đảo Crimea , chính quyền địa phương đã kiểm soát các địa điểm then chốt và các lực lượng an ninh. Crimea cũng đang hướng tới Nga để xin sự giúp đỡ trong khi chính phủ lâm thời ở Kiev cáo buộc Nga “xâm lược vũ trang” khi có các hành động quân sự ở Crimea.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc