Phó Thủ tướng Nga chế giễu Obama về lệnh trừng phạt

13:08, 18/03/2014
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin hôm qua (17/3) đã công khai lên tiếng mỉa mai, chế giễu cái mà Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố là lệnh trừng phạt mạnh tay nhất của phương Tây nhằm vào Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Obama


Sau khi Crimea tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine và đệ đơn xin gia nhập vào Nga , Washington cùng với các đồng minh Châu Âu đã “sôi lên sùng sục” vì tức giận. Mỹ và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã ngay lập tức tuyên bố trả đũa Moscow bằng một loạt biện pháp trừng phạt gồm lệnh phong tỏa tài sản và lệnh cấm đi lại đối với 21 quan chức cấp cao của Nga. Ông chủ Nhà Trắng còn thề sẽ “khiến Moscow phải trả giá thêm” nếu không lùi bước trong vấn đề Crimea .

 

Tuy nhiên, một trong những quan chức hàng đầu của Nga trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã công khai lên tiếng mỉa mai và chế giễu Tổng thống Obama, nói rằng cái gọi là biện pháp trừng phạt “cứng rắn” của Tổng thống Mỹ giống như “một trò đùa”.

 

“Đồng chí Obama, những người không có tài khoản hay tài sản ở nước ngoài nên phải làm gì với lệnh trừng phạt của ông? Ông chắc đã không nghĩ về điều đó? Tôi cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Mỹ được viết ra bởi một kẻ thích trêu đùa nào đó”, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã phát biểu đầy mỉa mai như vậy.

 

Xáo trộn ở Ukraine đã trở thành cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất Châu Âu trong nhiều năm trở lại đây và căng thẳng mỗi lúc một leo thang kể từ khi quân Nga bị cáo buộc giành quyền kiểm soát ở Crimea – một bán đảo chiến lược ở Biển Đen. Hiện giờ, Crimea đã chính thức đệ đơn xin sáp nhập vào Nga. Các binh lính Nga được cho là cũng dồn về tập trung ở gần biên giới với khu vực phía đông Ukraine .

 

Tổng thống tạm quyền của Ukraine đã khiến căng thẳng leo lên một nấc thang mới bằng cách triệu tập khoảng 20.000 quân dự bị và tình nguyện viên đồng thời huy động thêm 20.000 binh lính khác trong lực lượng bảo vệ quốc gia vừa được thành lập.

 

Ở thủ phủ Simferopol của Crimea, người gốc Nga đang ăn mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, theo đó gần 97% người dân ở bán đảo này lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga.

 

Moscow xem cuộc bỏ phiếu trên là hợp pháp trong khi Mỹ, EU và chính quyền lâm thời mới ở Kiev không thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea .

 

Nhật , Canada “tung” đòn trừng phạt Nga

 

Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, Nhật Bản hôm nay (18/3) đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga về vấn đề Crimea, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

 

Trong tuyên bố được phát đi bởi Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Fumio Kishida cho hay, chính phủ Nhật Bản không công nhận cuộc trưng cầu dân ý của bán đảo tự trị Crimea về việc sáp nhập khu vực này vào Nga.

 

Ông Kishida tuyên bố, Nhật sẽ tạm ngừng đàm phán với Nga về việc nới lỏng quy định visa cũng như tiến trình đàm phán về các thỏa thuận liên quan đến hoạt động đầu tư, vũ trụ và ngăn chặn phong trào quân sự nguy hiểm.

 

Trong khi đó, ở Ottawa , Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng tuyên bố, Canada sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea .

 

“Tôi tin chắc rằng, chúng ta phải duy trì áp lực và chúng ta phải tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt, duy trì những bước đi cứng rắn, mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi đó. Những gì mà chính quyền của Tổng thống Putin làm là không thể dung thứ và không bao giờ được chấp nhận”, Thủ tướng Harper đã phát biểu gay gắt như vậy.

 

Theo lời ông Harper, chính phủ của ông sẽ thông báo thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế cũng như các giới hạn đi lại đối với “giới chức cấp cao” ở Nga và Ukraine, “cụ thể là Crimea”. Phát biểu của Thủ tướng Harper được đưa ra trước cuộc gặp của ông này với Đại sứ Ukraine tại Canada - Vadym Prystaiko. Thủ tướng Harper được cho sẽ bay tới Kiev vào cuối tuần này để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền lâm thời mới ở Ukraine .

 

Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng đã thông báo ngừng mọi mối quan hệ quân sự với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Trong khi đó, ở Kiev , Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov thề rằng Ukraine sẽ không từ bỏ Crimea . “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sáp nhập phần đất của chúng tôi vào Nga”, ông Turchynov nhấn mạnh.

 

“Chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để tránh chiến tranh và tránh đổ máu. Chúng tôi cũng sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết cuộc xung đột thông qua các phương tiện ngoại giao. Tuy nhiên, mối đe dọa quân sự đối với đất nước chúng tôi là có thật”, Tổng thống tạm quyền Ukraine nói thêm.

 

Ngược lại, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea lại đang khuyến khích cho phong trào và tình cảm ủng hộ Nga ở khắp khu vực phía đông Ukraine, khiến sự chia rẽ ở quốc gia Đông Âu có 46 triệu dân này thêm sâu sắc.

 

Một phái đoàn nghị sĩ của Crimea đã đến Moscow ngày hôm qua để bàn bạc về cách thức tiến hành thủ tục sáp nhập. Về phía mình, các nghị sĩ Nga khẳng định, việc sáp nhập Crimea vào nước này là gần như chắc chắn.

 

“Chúng tôi đã trở về đất mẹ Nga. Chúng tôi đã trở về. Nga là ngôi nhà của chúng tôi”, ông Nikolay Drozdenko – một người dân ở Sevastopol , vui mừng cho biết. Sevastopol là một cảng quan trọng của Crimea và cũng là nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay được xem là một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và phương Tây ở quốc gia Đông Âu. Moscow kiên quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời mới ở Kiev sau khi phe đối lập lên chiếm quyền bằng cách xé bỏ thỏa thuận hòa bình và lật đổ Tổng thống Yanukovych. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây nhanh chóng công nhận chính quyền này. Phương Tây tố cáo Nga “xâm lược” Crimea trong khi Moscow cáo buộc Mỹ và các đồng minh chơi trò “hai mặt”, áp dụng tiêu chuẩn kép và “đạo đức giả” trong vấn đề Ukraine.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc