Pháp nhăm nhe tung đòn quân sự với Nga

19:43, 18/03/2014
|

(VnMedia) - Paris đang cân nhắc khả năng hủy bỏ thỏa thuận bán 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral trị giá 1,4 tỉ euro cho Hải quân Nga sau khi Moscow có thêm hành động leo thang ở Ukraine, Ngoại trưởng Pháp hôm nay (18/3) cho biết.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 của Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã bác bỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga hôm Chủ nhật (16/3) vừa rồi. Ông Fabius kêu gọi Moscow có những biện pháp khẩn cấp để tránh sự leo thang “nguy hiểm và không cần thiết” ở Ukraine .

 

Chiếc tàu tấn công đổ bộ đầu tiên lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga có tên là Vladivostok . Con tàu này có khả năng triển khai các trực thăng và xe tăng. Dự kiến, Pháp sẽ giao tàu chiến Vladivostok cho Nga vào cuối năm nay theo hợp đồng mà hai nước đã ký kết vào tháng 6 năm 2011.

 

Chiếc tàu chiến lớp Mistral thứ hai có tên là Sevastopol dự kiến sẽ được chuyển giao cho Nga vào năm 2015 và nó sẽ gia nhập vào biên chế của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea.

 

"Nếu Tổng thống Putin tiếp tục tiến lên ở Crimea như hiện nay, chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng hủy bỏ hợp đồng này”, Ngoại trưởng Fabius hôm qua (17/3) đã tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận tổn thất từ việc hủy hợp đồng bán tàu chiến cho Nga có thể sẽ gây hậu quả tiêu cực đến nền kinh tế Pháp.

 

Ngoại trưởng Pháp cho biết, một động thái mạnh mẽ như vậy sẽ là một phần của “giai đoạn 3” trong tiến trình trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow. “Hiện tại, chúng tôi đang ở giai đoạn 2”, ông Fabius nói thêm.

 

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt cần phải gây ảnh hưởng được đến tất cả mọi người vì vì thế, ông này kêu gọi Vương quốc Anh “cũng làm một điều gì đó tương đương với tài sản của các nhà tài phiệt Nga ở thủ đô London ”.

 

Những phát biểu gay gắt và cứng rắn trên được nhà ngoại giao hàng đầu nước Pháp đưa ra sau khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) hôm qua đều đồng loạt thông báo về một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng chục quan chức cấp cao của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. 21 quan chức có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU bị cấm đi vào các nước này và tài sản của họ cũng sẽ bị phong tỏa.

 

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chẳng làm Nga nao núng và chùn bước. Thậm chí, mới đây, một quan chức hàng đầu của Nga trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã lên tiếng mỉa mai, chế giễu những biện pháp trừng phạt đó. Phó Thủ tướng Nga đã gọi các lệnh trừng phạt của phương Tây là “một trò đùa” không hơn không kém.

 

Trước đó, giới chức Nga nhiều lần cảnh báo, những biện pháp trừng phạt nhằm vào họ sẽ gây tổn thất chung cho cả hai bên bởi hiện tại, mọi thứ trên thế giới này đều có liên quan đến nhau và mọi người đều phụ thuộc vào nhau. Moscow tin rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU là “con dao hai lưỡi”, “gậy ông đập lưng ông” và phản tác dụng.

 

Moscow lên án “trò hai mặt” của quan chức Liên Hợp Quốc

 

Trong khi Mỹ và EU liên tiếp tung ra những lời chỉ trích, cảnh báo về hành động của Nga ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã lên án “trò hai mặt, tiêu chuẩn kép và bất công” của một quan chức Liên Hợp Quốc.

 

Bộ Ngoại giao Nga miêu tả những phát biểu về tình hình Ukraine của trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về quyền con người – ông Ivan Simonovic là “bất công” và cáo buộc quan chức này áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề Ukraine. Tiêu chuẩn kép thực chất là trò hai mặt mà ở đó một nước có hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau trong cùng một vấn đề.

 

"Chúng tôi thực sự bối rối và cảm thấy khó hiểu trước những đánh giá mang đầy tính định kiến, thiếu công bằng và thiếu khách quan của ông Simonovic về tình hình nhân quyền ở Ukraine ”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua.

 

Các nhà ngoại giao cảm thấy phẫn nộ trước thực tế là trợ lý của Liên Hợp Quốc “chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở một nhóm nhỏ các chính khách ở Kiev về tội nhóm lên lòng thù hận” trong khi cùng lúc đó lại thể hiện một mối quan ngại sâu sắc hơn rất nhiều về tình hình nhân quyền ở Crimea.

 

“Vị quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc không thích chú ý đến những vụ giết chóc, trả thù hàng loạt, bắt cóc, tấn công phóng viên và các nhà hoạt động nhân quyền, thực hiện các vụ bắt giữ vì động cơ chính trị, tuôn ra vô số những phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc, trong đó có những lời lẽ chống Nga, bài Do Thái. Những điều này đagn diễn ra hoặc theo lệnh hoặc là với sự đồng ý ngầm của những người mới lên chiếm quyền ở thủ đô Kiev ”, Bộ Ngoại giao Nga công khai chỉ trích.

 

Trước đó, hồi cuối tuần trước, ông Simonovic đã thông báo về việc triển khai ngay lập tức một nhóm giám sát của Liên Hợp Quốc đến đất nước khủng hoảng Ukraine để đánh giá tình hình vi phạm nhân quyền ở nơi đây, trong đó có Crimea. Đánh giá tình hình trên bán đảo Crimea, trợ lý của Liên Hợp Quốc nói rằng, nhóm của ông ta đã “tiếp cận được những nguồn tin đáng tin cậy và đã thảo luận trực tiếp với từng cá nhân ở trong hay đến từ Crimea”.

 

“Tôi thực sự quan ngại về tình hình ở Crimea – nơi dường như không còn pháp quyền và vì thế, việc bảo vệ nhân quyền ở đây đang yếu đi cũng như nỗi sợ và cảm giác thiếu an toàn đang lan tràn vì thông tin sai lệch hoặc thông tin bị phong tỏa. Người ta cảm thấy bất ổn vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông Simonovic đã nói như vậy.

 

Moscow đã miêu tả những nhận xét trên của ông Simonovic là sai lệch. “Chúng tôi muốn nhắc ông Mr. Simonovic nhớ đến không chỉ những lời bảo đảm mà giới chức Crimea đang và sẽ đưa ra trong tương lai cho người thiểu số Tatar ở Crimea mà còn về thực tế rằng Crimea hiện tại có thể là nơi duy nhất ở Ukraine còn duy trì luật pháp và trật tự”.

 

Bộ Ngoại giao Nga tin rằng, ông Simonovic đang làm mất uy tín của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc, gây ra sự hoài nghi về bản chất trung lập, độc lập và có lương tri của cơ quan này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc