Obama: “Sẽ bắt Nga trả giá nếu không lui quân”

09:08, 13/03/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua (12/3) đã có cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng và cả hai đã có những phát biểu đầy mạnh mẽ nhằm vào Nga. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Moscow sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu không lui quân khỏi Crimea. Trong khi đó, Kiev tuyên bố sẽ “không bao giờ đầu hàng".
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama (bên phải) và Thủ tướng tạm quyền của Ukraine


"Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh với chính phủ Nga rằng, nếu họ tiếp tục theo đuổi con đường đó thì không chỉ chúng tôi mà cả cộng đồng quốc tế sẽ buộc phải khiến họ trả giá vì vi phạm luật quốc tế. Không còn còn đường nào khác và chúng tôi hy vọng Tổng thống Vladimir Putin sẽ nhanh chóng nắm lấy con đường đó”, Tổng thống Obama đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh như vậy trước cánh phóng viên ở Nhà Trắng.
 
Tiếp lời Tổng thống Obama, Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk – người lên nắm quyền sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, tuyên bố, Ukraine đang đấu tranh cho tự do.
 
"Chúng tôi đang chiến đấu cho chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”, ông Yatsenyuk nói. Sau đó, ông này phát biểu thêm, ông muốn khẳng định rõ ràng rằng Ukraine “đã và sẽ là một phần của thế giới phương Tây” những cũng sẽ là “một người bạn tốt và là một đối tác của Nga”.
 
Tại cuộc họp của một tổ chức cố vấn quốc tế có tên gọi là Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk đã giải thích thêm. "Chúng tôi vẫn muốn là một đối tác ngang bằng và tự do với Nga. Và các bạn không thể làm điều đó bằng một cuộc xâm nhập quân sự. Chúng tôi không xem lựa chọn quân sự là lựa chọn tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này", ông Yatsenyuk nói.
 
Trong chuyến thăm đến Mỹ chiều ngày hôm qua, ông Yatsenyuk đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trước khi vào Nhà Trắng gặp Tổng thống Obama.
 
Thủ tướng tạm quyền của Ukraine sẽ đến New York trong ngày hôm nay (13/3) để có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Phái đoàn Ukraine cũng sẽ có cuộc gặp với Quốc hội Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk diễn ra trong bối cảnh Crimea đang tích cực thực hiện các bước chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào cuối tuần này để quyết định xem liệu bán đảo tự trị của Ukraine có ly khai và sáp nhập vào Nga hay không.
 
Những chuyến bay đến Crimea từ Kiev, Istanbul và nhiều thành phố khác đã được tạm dừng trong dịp cuối tuần và chỉ những máy bay xuất phát từ Moscow mới được hạ cánh ở bán đảo tự trị này.
 
Người Crimea sẽ được lựa chọn hai con đường: Một là, tái sáp nhập Crimea vào Nga, trở thành một tỉnh của Liên bang Nga; hai là, ủng hộ khôi phục lại Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa Tự trị Crimea và vị thế của Crimea như là một phần của Ukraine. Theo Hiến pháp 1992, Crimea thực sự là một quốc gia độc lập.
 
Ủy ban Bầu cử Crimea đang phát phiếu trưng cầu dân ý đến các chính quyền khu vực. Chính quyền mới ở Crimea cho biết, nếu các cử tri lựa chọn sáp nhập vào Nga, bước đầu tiên mà họ sẽ làm là tuyên bố Crimea là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Sau đó, họ sẽ nộp đơn xin gia nhập vào Liên bang Nga.
 
Áp lực ngoại giao
 
Trước những diễn biến diễn ra ở Crimea vừa qua, nhiều nước phương Tây đang liên tục gây sức ép với Crimea và cả Nga đồng thời cảnh báo rằng, họ sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Phương Tây cáo buộc Nga đang đưa quân vào kiểm soát bán đảo tự trị Crimea dù giới chức ở Moscow liên tục phủ nhận. Tuy nhiên, Nga khẳng định sẽ tôn trọng quyền quyết định của người dân ở Crimea và sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ những người gốc Nga đang sinh sống đông đảo ở bán đảo tự trị của Ukraine.
 
Những nỗ lực nhằm gây áp lực hơn nữa lên Nga đã tiếp tục được đẩy mạnh trong ngày hôm qua dù không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ lùi bước. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, ông này sẽ có cuộc gặp ở thủ đô London với người đồng cấp Nga vào ngày thứ Sáu (15/3) để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine.
 
Song song với các hành động dương oai diễu võ ở ngay cửa ngõ Nga, Quốc hội Mỹ hôm qua đã bỏ phiếu phê chuẩn một nghị quyết không có tính ràng buộc về việc lên án các hành động của Nga ở Ukraine và kêu gọi Nhà Trắng loại Nga ra khỏi nhóm G8 cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước này.
 
Các nghị sĩ Mỹ còn kêu gọi Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu cử giám sát viên đến Crimea và các khu vực khác của Ukraine đồng thời kêu gọi NATO ngừng hợp tác quân sự với Nga, trong đó có việc cung cấp thiết bị quân sự.
 
Nghị quyết của Quốc hội Mỹ kêu gọi chính quyền của ông Obama “bắt tay với các đồng minh Châu Âu và các nước khác để áp đặt những biện pháp trừng phạt” lên Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ sẽ là “con dao hai lưỡi”.
 
Cùng với Mỹ, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã nói với ông Putin trong một cuộc điện đàm rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea “không có cơ sở pháp lý".
 
Ông Hollande kêu gọi Tổng thống Putin “làm tất cả những gì có thể để ngăn không cho Crimea sáp nhập vào Nga”, nói rằng một động thái như vậy là không thể chấp nhận với cộng đồng quốc tế.
 
Trước những lời chỉ trích, lên án của các nước phương Tây, giới chức Nga nhiều lần vạch rõ “trò hai mặt”, áp dụng “tiêu chuẩn kép” và “đạo đức giả” của phương Tây đối với tình hình Ukraine. Các quan chức Nga so sánh việc Crimea tìm cách tách ra khỏi Ukraine giống như sự kiện Kosovo ly khai khỏi Serbia sau nhiều năm diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu. Các chính phủ phương Tây đã nhanh chóng thừa nhận việc Kosovo ly khai khỏi Serbia trong sự phản đối gay gắt của Serbia và cả Nga. Viện dẫn tiền lệ từ Kosovo, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, việc Crimea bỏ phiếu quyết định tách ra khỏi Ukraine là “hoàn toàn hợp pháp”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc