Nga "vuốt ve" Ukraine, cho phép thanh sát không phận

18:47, 13/03/2014
|

(VnMedia) - Nga sẽ cho phép các thanh sát viên quân sự Ukraine tiến hành một chuyến bay thanh sát khẩn cấp trên lãnh thổ Nga nhằm hồi đáp lại những cáo buộc cho rằng các hành động quân sự sát biên giới Ukraine gần đây của Nga đe dọa tới an ninh quốc gia này.

 

“Mặc dù chúng tôi không có bất cứ trách nhiệm nào đối với phía Ukraine , nhưng chúng tôi quyết định sẽ cho phép thực hiện chuyến bay thanh sát này”, Phó Thủ tướng Nga – Anatoly Antonov hôm qua (13/3) cho biết.

 

“Chúng tôi hy vọng rằng láng giềng của chúng tôi sẽ thấy tận mắt các lực lượng vũ trang Nga không hề liên quan đến bất cứ hoạt động quân sự nào dọc biên giới với Ukraine mà có thể đe dọa tới an ninh Ukraine ”, ông Antonov nhấn mạnh.


Ảnh minh họa

 

Ông nói thêm rằng, quân khu miền Tây và miền Trung của Nga gần đây đã tổ chức các cuộc tập trận đột xuất nhằm kiếm tra tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng, nhưng các cuộc tập trận này đã kết thúc từ ngày 3/3 và tất cả các đơn vị quân đội đã trở về căn cư hôm 7/3.

 

Chính quyền lâm thời của Kiev đã đề nghị tiến hành chuyến bay thanh sát khẩn cấp trên một số khu vực của Nga giáp ranh với Ukraine với cáo buộc Nga đang chuẩn bị để “xâm lược” quốc gia láng giềng này.

 

Cáo buộc trên được đưa ra giữa cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, vốn dẫn tới một cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây về số phận Crimea, khu vực tự trị ở miền nam Ukraine với đa số dân là người gốc Nga đang .

 

Giới chức Crimea đã từ chối thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền trung ương mới ở Kiev , vốn được thiết lập sau vụ lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hồi cuối tháng 2.

 

Hồi tuần trước, giới chức Crimea thông báo họ có ý định đưa bán đảo ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này sẽ được tổ chức vào ngày 16/3. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời tại Kiev và các lãnh đạo quốc tế đã lên án cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là bất hợp pháp.


Belarus yêu cầu Nga triển khai thêm chiến đấu cơ để "ứng cứu"
 
 

Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 12/3, Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko cho biết, nước này sẽ yêu cầu Nga triển khai thêm 15 chiến đấu cơ trên lãnh thổ nước này để đối phó với hoạt động quân sự ngày càng tăng của NATO dọc biên giới của họ.

 

Trước đó, NATO đã khai hỏa các cuộc diễn tập quân sự ở Ba Lan gần đường biên giới với Belarus và Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị hiện đang diễn ra giữa Nga và phương Tây về số phận của khu tự trị Crimea của Ukraine.

 

Không lực Mỹ cũng đã triển khai ít nhất 12 chiến đấu cơ F-16 từ căn cứ không quân ở Italia đến tham gia vào các cuộc diễn tập này, trong khi hai chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) của NATO đã bắt đầu tiến hành các chuyến bay trinh sát trên bầu trời Ba Lan và Romania để giám sát cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

 

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Belarus , ông Lukashenko cho rằng: "Thực tế là tình hình đang leo thang ở gần biên giới của Belarus và chúng tôi sẽ đối phó với tình hình này một cách phù hợp".

 

Ông cũng đưa ra đề xuất, yêu cầu phía Nga triển khai thêm khoảng 12-15 chiến đấu cơ để tăng viện cho 4 chiến đấu cơ Su-27 Flanker Nga đang triển khai tại căn cứ không quân Baranovichi ở nước này.

 

Nga và Belarus đã ký kết một thỏa thuận về việc bảo vệ chung không phận của Liên bang và thành lập một mạng lưới phòng không khu vực tích hợp hồi tháng 2/2009.  Mạng lưới này được cho là bao gồm 5 đơn vị không quân, 10 đơn vị phòng không, 5 đơn vị dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật cùng một đơn vị tác chiến điện tử. Mạng lưới này nằm trong mạng lưới phòng không tích hợp của Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), bào gồm 9 quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng vừa công bố kế hoạch triển khai một trung đoàn máy bay chiến đấu tại Belarus vào năm 2015. Phần lớn số máy bay này sẽ được triển khai tại một căn cứ không tương lai của Nga ở Lida, một thị trấn ở phía tây bắc Belarus, gần biên giới với Ba Lan và Litva.

 

Nước cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, nơi sinh sống của chủ yếu là người dân tộc Nga (60%) hiện đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại đất nước này.


Khu vực tự trị này đang quay lưng lại với chính phủ lâm thời mới ở Kiev sau khi chính phủ này lên cầm quyền bằng một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych và có những chính sách phân biệt đối xử nhằm vào những người gốc Nga.


Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .


Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc