(VnMedia) - Phó Thủ tướng phụ trách về quốc phòng của Nga - Dmitry Rogozin hôm qua (19/3) cho biết, Pháp hoặc là phải hoàn tất hợp đồng tàu chiến ký kết hồi tháng 6/2011 với Nga hoặc hoàn tiền nếu hủy hợp đồng trên với Nga.
Trước đó, hôm thứ Hai (17/3), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lên tiếng đe dọa Paris sẽ xem xét việc hủy hợp đồng bán 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral trị giá 1,2 tỷ euro cho Nga nếu Moscow có hành động leo thang ở Ukraine.
Tàu đổ bộ lớp Mistral
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp được đưa ra ngay sau khi Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt lên một số quan chức cấp cao của Nga theo sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cho thấy 96,77 % người dân ở đây ủng hộ việc đưa Crimea “trở về Đất Mẹ” – Nga.
“Một là các bạn tuân thủ chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng và giao tàu chiến đúng hạn, hai là hoàn tiền và các bộ phận của vỏ tàu được lắp đặt tại Baltiysky Zavod (xưởng đóng tàu”, ông Dmitry Rogozin khẳng định.
Một nguồn tin giấu tên trong Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, Pháp cũng sẽ phải trả những khoản bồi thường “khổng lồ” nếu chọn con đường đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo hợp đồng ký kết hồi tháng 6/2011 giữa Nga và Pháp, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp đóng cho Nga có tên Vladivostok sẽ được bàn giao cho Moscow trước cuối năm nay, còn chiếc tàu cùng lớp thứ hai – Sevastopol dự kiến sẽ được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea trong năm 2015. Tàu tấn công đổ bộ lớp này có khả năng chở 16 trực thăng, 70 xe bọc thép và 450 binh lính.
Trong một động thái khác nhằm phản đối việc Crimea sáp nhập lại với Nga, Ngoại trưởng Anh – William Hague hôm qua (18/3) vừa tuyên bố nước này đã ngừng hợp tác quân sự với Nga.
“Chúng tôi đã hủy cuộc tập trận hải quân giữa Nga, Pháp, Anh và Mỹ, đồng thời cũng hoãn chuyên thăm của tàu chiến Hải quân Hoàng gia tới Nga”, ông Hague tuyên bố.
“Thật đáng tiếc khi Tổng thống Putin hôm nay đã chọn con đường của sự cô lập, từ chối lắng nghe công dân của chính đất nước ông ấy, và cả của Crimea, từ chối mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế cũng như cơ hội trở thành thành viên đầy đủ của hàng loạt tổ chức quốc tế”, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao cấp cao của Anh này mô tả cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là “một sự nhạo báng cho nền dân chủ”. Ông cũng cho gọi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine “là một phép thử mạnh mẽ nhất cho an ninh của châu Âu trong thế kỷ 21”.
Ý kiến bạn đọc