(VnMedia) - Mỹ và EU hôm qua (17/3) đã đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức cấp cao của Nga và Ukraine theo sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 ở nước cộng hòa tự trị Crimea, ủng hộ việc khu vực này tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
Những người bị liệt vào trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU sẽ bị cấm thị thực vào Mỹ và các nước thành viên EU, tài khoản của họ cũng sẽ bị phong tỏa.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào 7 quan chức cấp cao của Nga, là những nhân vật chủ chốt trong chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin như cố vấn tổng thống Vladislav Surkov, Chủ tịch Thượng viên Valentina Matviyenko, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin.
Ngoài ra, Mỹ còn áp đặt lệnh trừng phạt lên Tổng thống bị phế truất của Ukraine Viktor Yanukovych, và 3 người Ukraine khác bao gồm Thủ tướng Crimea – Sergei Aksyonov.
Tổng thống Putin không nằm trong danh sách các đối tượng bị Mỹ và EU công bố cấm vận lần này bởi theo một quan chức cấp cao của Nhà Trắng, việc "áp lệnh trừng phạt lên nguyên thủ quốc gia là cực kì bất thường".
Tuy nhiên, khi được hỏi khả năng ông Putin trờ thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, các biện pháp cấm vận của Mỹ không loại trừ bất kỳ cá nhân nào.
Theo hãng tin Reuters, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố các biện pháp trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt đối với các quan chức Nga đã thể hiện rõ rằng "có những hậu quả cho hành động của họ" tại Crimea và đe dọa sẽ tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới với Nga.
Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, Chính phủ Mỹ có quyền nhắm tới các quan chức trong lĩnh vực vũ khí của Nga và những đối tượng ủng hộ nước này nếu Moscow không theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Obama tuyên bố: “Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, chúng tôi sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới”.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, vẫn còn cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng nếu Nga rút quân khỏi Crimea và đồng ý đàm phán với Ukraine. Ông cảnh báo: “Những hành vi khiêu khích mới sẽ càng khiến Nga bị cô lập trên trường quốc tế”.
Phản ứng trước diễn biến trên, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao của Nga – Sergei Ryabkov cho rằng đây là hành động phản ánh sự “không muốn chấp nhận thực tế và lòng tham muốn áp đặt chính sách phi hợp lý, thiếu cân bằng và thiển cận của mình lên tất cả mọi người” của Washington.
Trong khi đó cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cũng lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào 11 quan chức Ukraine và Nga, trong đó có bà, là hành động "tống tiền chính trị" và "chưa từng có tiền lệ kể cả trong thời Chiến tranh Lạnh".
Theo chân Mỹ, EU cũng gây sức ép với Nga
Trong một diễn biến liên quan khác, cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tuyên bố phong tỏa tài sản và cấm thị thực đối với 21 quan chức Nga và Ukraine, bao gồm Phó đô đốc Alexander Vitkor - Chỉ huy Hạm đội biển Đen Nga. EU cũng lên tiếng cảnh báo Nga sẽ phải hứng chịu “hậu quả nặng nề” nếu chấp nhận đơn xin sáp nhập của Crimea.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Lithunia – ông Linan Linkevicius cho biết, EU đã thông qua lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm đi lại, phong tỏa tài sản đối với 21 quan chức của Nga và Ukraine.
Ông nói thêm rằng, các biện pháp bổ sung sẽ được áp đặt trong vài ngày tới sau cuộc họp thượng đỉnh các lãnh đạo của EU ở Brussels, Bỉ. Theo đó, EU dự định sẽ mở rộng danh sách đen, có thể bao gồm các quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bên cạnh đó, một văn bản dự thảo ngoại giao của Hội đồng Ngoại trưởng các nước EU cũng kêu gọi Liên bang Nga không được chấp nhận yêu cầu sáp nhập của Crimea, coi đó là một cách vi phạm luật pháp quốc tế.
Dự thảo trên đe dọa EU sẽ có những biện pháp trừng phạt thương mại và kinh tế dài hạn đối với Nga, giống như các biện pháp mà cộng động quốc tế từng áp đặt lên Iran, khiến nền kinh tế nước này trở nên suy yếu. Ngoài ra, EU còn cảnh báo Nga sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tranh lạnh mới cùng với sự phong tỏa kinh tế "sâu rộng" nếu ông Putin chấp thuận đơn xin sáp nhập của Crimea.
Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố đã áp đặt trừng phạt với 7 quan chức Nga và 3 quan chức cấp cao Crimea mà Ottawa cho là "chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng" tại Ukraine. Các mục tiêu trừng phạt bao gồm một cố vấn và một trợ lý của Tổng thống Putin, phó thủ tướng Rogozin, Thủ tướng Crimea Serhiy Aksyonov, và Chủ tịch Quốc hội Crimea Viktor Medvedchuk.
Loạt lệnh trừng phạt trên của Mỹ và EU được đưa ra ngay sau khi nước cộng hòa tự trị Crimea tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, đa số người dân Crimea (96,77%) ủng hộ việc Crimea “trở về với đất mẹ”. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên đã khiến chính phủ lâm thời của Ukraine, Mỹ và phương Tây “sục sôi” và đang ra sức gây sức ép để Crimea từ bỏ mong muốn trở về Nga cũng như “ép” Nga không được chấp thuận nguyện vọng của Crimea.
Ý kiến bạn đọc