Một loạt nước công nhận Crimea sáp nhập vào Nga

10:20, 24/03/2014
|

(VnMedia) - Belarus trên thực tế đã thừa nhận nước Cộng hòa Crimea là một phần của lãnh thổ Nga trong khi Afghanstan tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của Crimea . Ngoài ra, một số nước khác đã lần lượt công nhận Crimea sáp nhập vào Nga.

 

 Ảnh minh họa

 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko


Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm qua (23/3) tuyên bố, nước ông trên thực tế đã thừa nhận Crimea là một phần của lãnh thổ Nga.

 

" Crimea thực sự đã trở thành một phần của nước Nga. Đây là tình hình diễn ra trên thực tế và chúng tôi sẽ ủng hộ Nga", ông Lukashenko cho biết đồng thời nói thêm rằng, Belarus sẽ sớm đưa ra sự công nhận về pháp lý đối với việc Crimea sáp nhập vào Nga.

 

Trước đó, Tổng thống Afghanistan cũng đã nói với một phái đoàn nghị sĩ Mỹ rằng, ông này tôn trọng quyết định của người dân Crimea về việc tái hợp với nước Nga. Những phát biểu trên được Tổng thống Karzai đưa ra sau khi Crimea tiến hành cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 với kết quả là có tới gần 97% người dân ủng hộ đưa bán đảo của họ sáp nhập trở lại Liên bang Nga.

 

Các sự kiện ở Crimea và Ukraine là một trong một loạt vấn đề được đưa ra thảo luận tại cuộc họp ở Kabul giữa Tổng thống Karzai với nhóm các nghị sĩ đến từ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Mỹ. Phái đoàn lưỡng đảng này được dẫn dầu bởi Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte.

 

Tại cuộc gặp trên, ông Karzai đã khẳng định rõ ràng rằng, Afghanistan tôn trọng ý chí tự do của người dân Crimea và Sevastopol trong việc quyết định tương lai riêng của họ, văn phòng Tổng thống Afghanistan cho biết.

 

Bất chấp việc phương Tây tuyên bố rằng, sự sáp nhập Crimea vào Nga sẽ không bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận, nhiều nước đã bắt đầu thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của người dân ở bán đảo Crimea.

 

Hôm 21/3, Ukraine đã tức giận triệu hồi Đại sứ của nước này ở Armenia về nước sau khi Tổng thống Armenia – ông Serzh Sargsyan nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là “một mô hình của việc thực hiện quyền tự quyết”.

 

Belarus , Kazakhstan , Kyrgyzstan , Syria , Venezuela và Triều Tiên cũng đã lần lượt thể hiện sự ủng hộ đối với quyền tự quyết của người dân ở Crimea .

 

Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Trước đó, các nghị sĩ Nga đã thông qua hiệp ước quốc tế với Crimea và thành phố Sevastopol . Hiệp ước này được hai bên ký kết tại điện Kremlin hôm 18/3.

 

Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich được bầu lên một cách dân chủ đã bị lật đổ. Cuộc nổi dậy của bán đảo Crimea – nơi phần đông người gốc Nga sinh sống, được châm ngòi từ sự kiện chính quyền lâm thời mới ở Kiev thông qua một dự luật cấm sử dụng ngôn ngữ Nga.

 

Sau khi hoàn tất các thủ tục về pháp lý trong vấn đề sáp nhập, Crimea bắt đầu triển khai các hoạt động trên thực tế để đưa khu vực này chính thức trở thành một phần của nước Nga. Chưa đầy 2.000 binh lính Ukraine phục vụ ở Crimea quyết định rời bán đảo để về Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/3 cho biết.

 

"Tính đến ngày 21/3, chưa đầy 2.000 trong số 18.000 binh lính Ukraine đóng tại Crimea quyết định rời nơi đây để đến Ukraine”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cho một tuyên bố. Những người lựa chọn con đường tiếp tục phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ được cung cấp phương tiện đi lại để đưa gia đình và tài sản của họ về lãnh thổ Ukraine .

 

Hiện giờ đã có tới 190 đơn vị quân sự ở Cirmea kéo cờ Nga thay bằng cờ Ukraine và nộp đơn xin gia nhập Lực lượng Vũ trang Nga. "Cờ Thánh Andrew của Hải quân Nga đã được kéo lên trên 54 trong số 67 tàu thuyền của Lực lượng Hải quân Ukraine, trong đó có 8 tàu chiến và một tàu ngầm”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

 

Chiếc tàu ngầm duy nhất của Ukraine - Zaporizhzhia đã gia nhập vào Hạm đội Biển Đen của Nga hôm thứ Bảy (22/3) và sẽ sớm được chuyển đến địa điểm đóng quân mới. Trong khi đó, cờ Nga cũng tung bay trên chiếc tàu chỉ huy của Hải quân Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc