Kẻ đánh cắp hộ chiếu mang bom lên máy bay?

10:37, 11/03/2014
|

(VnMedia) - Một quan chức cảnh sát cấp cao của Malaysia hôm qua (10/3) đã tiết lộ với hãng tin Reuters rằng từng có một số kẻ mang giấy tờ giả và chất nổ tìm cách lên máy bay ở thủ đô Kuala Lumpur. Vì thế, các cuộc điều tra hiện nay đang tập trung vào hai vị hành khách mang theo hộ chiếu đánh cắp lên máy bay mất tích Boeing 777.
 

Ảnh minh họa

Cục Hàng không Dân sự Malaysia tổ chức họp báo ngày hôm qua để thông báo thông tin.


"Chúng tôi từng chặn được những kẻ mang giấy tờ, hộ chiếu giả đem theo chất nổ tìm cách đi qua khu vực an ninh sân bay để lên máy bay bay ra khỏi thủ đô Kuala Lumpur. Đã có khoảng 2 đến 3 vụ như vậy nhưng chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin chi tiết”, vị quan chức cảnh sát Malaysia cho biết.
 
Trước đó, hôm 9/3, Interpol đã lên tiếng xác nhận ít nhất hai hành khách đi trên chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airline dùng hộ chiếu đánh cắp và hiện tại Interpol đang tiếp tục kiểm tra xem liệu còn hành khách nào đi trên chiếc máy bay Boeing 777 bằng hộ chiếu giả nữa không.
 
Phía Malaysia hiện giờ cho biết, họ không loại trừ khả năng máy bay Boeing của mình đã bị không tặc bắt cóc. Theo ông Azharuddin Abdul Rahman – người đứng đầu Cục Hàng không Dân sự Malaysia, hai người đàn ông mang hộ chiếu đánh cắp không giống người Châu Á nhưng ông này không thể cung cấp thêm thông tin gì. Các máy quay an ninh ở sân bay cho thấy, hai hành khách mang hộ chiếu đánh cắp nói trên đã hoàn thành mọi thủ tục an ninh cần thiết trước khi lên máy bay.
 
"Chúng tôi đang điều tra khả năng có hẳn một nhóm mang hộ chiếu đánh cắp đi trên máy bay”, ông Rahman nói.
 
Một nữ phát ngôn viên của Interpol tiết lộ, sau khi kiểm tra tất cả giấy tờ được hành khách sử dụng để lên chuyến bay MH370, cơ quan này cũng phát hiện thêm nhiều “hộ chiếu đáng nghi” và họ đang tiến hành điều tra.
 
"Mặc dù còn quá sớm để phỏng đoán về bất kỳ mối liên hệ nào giữa những hộ chiếu bị đánh cắp với chiếc máy bay mất tích nhưng rõ ràng, người ta thực sự rất quan ngại về bất kỳ hành khách nào có thể lên máy bay mà sử dụng một hộ chiếu bị đánh cắp đã được liệt kê trong danh sách cơ sở dữ liệu của Interpol”, Tổng thư ký Interpol - ông Ronald Noble cho biết.
 
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao Châu Âu ở Kuala Lumpur thận trọng cho biết, thủ đô của Malaysia từ lâu đã là một trung tâm nhập cư trái phép của người Châu Á. Nhiều trong số họ đã sử dụng giấy tờ giả và nhiều tuyến đường khác nhau thông qua Bắc Kinh hay Tây Phi để đến được điểm đến cuối cùng là Châu Âu.
 
"Vì thế, các bạn không nên tự động nghĩ rằng, có hai người lên máy bay bằng hộ chiếu giả thì có liên quan đến việc chiếc máy bay biến mất”, vị quan chức ngoại giao trên nhắc nhở.
 
Trong lúc này, công tác tìm kiếm, cứu hộ đang được 10 quốc gia phối hợp tích cực triển khai. Hy vọng đã dấy lên trong ngày hôm qua (10/3) khi Việt Nam phái trực thăng đi tìm hiểu về một vật màu vàng trôi nổi trên biển giống như một chiếc bè cứu sinh. Tuy nhiên, Cục Hàng không Dân sự Việt Nam sau đó khẳng định trên website rằng, vật thể đó không phải là một chiếc bè cứu sinh.
 
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline đã biến mất khỏi màn hình radar vào rạng sáng ngày 8/3, chỉ một giờ sau khi vừa cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur và sau khi nó đã lên tới độ cao hành trình là khoảng 10.000 mét.
 
Mỹ đã huy động một chiếc máy tối tân P-3 của Hải quân Mỹ để tham gia công tác tìm kiếm. Chiếc máy bay này có khả năng rà soát một khu vực rộng 1.500 dặm vuông (tức khoảng gầ 2.500km vuông) mỗi giờ. Dù đã lùng sục khắp khu vực phía bắc Eo biển Malacca nhưng máy bay của Mỹ vẫn không thể phát hiện bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích.
 
Người thân của các hành khách tuyệt vọng chờ đợi
 
Trong khi hàng chục tàu thuyền, máy bay đang rà soát, lùng sục mọi ngõ ngách với hy vọng tìm thấy được bất kỳ dấu vết nào đó của chiếc máy bay mất tích bí ẩn thì gia đình của những hành khách đi trên chiếc máy bay này đang từng giờ cầu nguyện trong sự lo sợ và tuyệt vọng.
 
Gia đinh của một hành khách có tên là Muktesh Mukherjee cho biết, họ đang cầu nguyện rằng thảm hoạ sẽ không rơi xuống đầu họ hai lần. Ông của vị hành khách 42 tuổi này – một cựu Bộ trưởng trong chính phủ Ấn Độ, từng thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay ở ngoại ô thủ đô New Delhi năm 1973.
 
"Điều kỳ diệu có thể xảy ra. Chúng tôi cầu nguyện nó sẽ xảy ra lần này và Muktesh sẽ trở về trong vòng tay của chúng tôi", anh trai của Muktesh cho biết ở thành phố Kolkata của Ấn Độ.
 
Muktesh – một người Canada gốc Ấn, đang làm việc cho công ty XCoal của Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh. Ông này đang trở về nhà trên chuyến bay MH370 với người vợ Trung Quốc Xiaomo Bai.
 
Chỉ cách đây vài ngày, bà Xiaomo còn đưa lên Facebook hình ảnh một khu nghỉ yên bình, nên thơ ở Việt Nam – nơi cặp vợ chồng này đã đi nghỉ với nhau. Những bước ảnh khách ghi lại khoảng khắc hai con trai nhỏ của họ đang cười đùa nghịch với tuyết ở Bắc Kinh.
 
Anh của Muktesh cho biết, các thành viên trong gia đình của ông đã bay từ Ấn Độ đến Bắc Kinh dể chăm sóc cho hai cậu bé.
 
Gia đình Mukherjees nằm trong số hàng chục gia đình trên khắp thế giới đang mòn mỏi, tuyệt vọng chờ đợi thông tin về chiếc máy bay chở theo những người thân của họ mất tích suốt hơn 3 ngày qua.
 
Hành khách lớn tuổi nhất là một cụ ông 79 tuổi trong khi người trẻ nhất là một em bé mới 2 tuổi. Gần 2/3 hành khách đi trên máy bay Boeing 777 của Malaysia là người Trung Quốc. Phần còn lại đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trải dài từ Canada đến New Zealand và từ Mỹ đến Ukraine.
 
Các hành khách đi trên chuyến bay đến thủ đô Bắc Kinh để học, làm việc và cả đi du lịch. Trong số này có 20 công nhân Châu Á đến từ cùng một công ty bán dẫn của Mỹ, 3 sinh viên cao học người Pháp, một nhóm hoạ sĩ Trung Quốc vừa từ Malaysia trở về sau một cuộc triển lãm tranh và một số người đi nghỉ sau khi về hưu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc