Đến lượt Anh "tung đòn" quân sự với Nga

09:20, 19/03/2014
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Anh – William Hague hôm qua (18/3) vừa tuyên bố nước này đã ngừng hợp tác quân sự với Nga trước động thái Crimea sáp nhập vào Nga, gọi đây hành động “chiếm đọa đất đai”.
 
“Chúng tôi đã hủy cuộc tập trận hải quân giữa Nga, Pháp, Anh và Mỹ, đồng thời cũng hoãn chuyên thăm của tàu chiến Hải quân Hoàng gia tới Nga”, ông Hague tuyên bố.

Ảnh minh họa
Ngoại trưởng Anh William Hague

Trước đó, bán đảo nằm ở Biển Đen với đa số người dân Nga sinh sống đã ký một hiệp ước tái hợp lịch sử với Moscow sau khi cuộc trưng cầu dân ý cho kết quả 96,7% người dân Crimea ủng hộ việc Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
  
“Thật đáng tiếc khi Tổng thống Putin hôm nay đã chọn con đường của sự cô lập, từ chối lắng nghe công dân của chính đất nước ông ấy, và cả của Crimea, từ chối mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế cũng như cơ hội trở thành thành viên đầy đủ của hàng loạt tổ chức quốc tế”, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.
 
Nhà ngoại giao cấp cao của Anh này mô tả cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là “một sự nhạo báng cho nền dân chủ”.
  
Ông cũng cho gọi cuộc khủng  hoảng chính trị ở Ukraine “là một phép thử mạnh mẽ nhất cho an ninh của châu Âu trong thế kỷ 21”.
 
Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp – Laurent Fabius cũng cho biết, Paris đang cân nhắc khả năng hủy bỏ thỏa thuận bán 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral trị giá 1,4 tỉ euro cho Hải quân Nga sau khi Moscow có thêm hành động leo thang ở Ukraine. 
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 của Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã bác bỏ tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga hôm Chủ nhật (16/3) vừa rồi. Ông Fabius kêu gọi Moscow có những biện pháp khẩn cấp để tránh sự leo thang “nguy hiểm và không cần thiết” ở Ukraine.
 
Ngoại trưởng Pháp tuyên bố: "Nếu Tổng thống Putin tiếp tục hành động ở Crimea như hiện nay, chúng tôi sẽ cân nhắc khả năng hủy bỏ hợp đồng này”.
 
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận tổn thất từ việc hủy hợp đồng bán tàu chiến cho Nga có thể sẽ gây hậu quả tiêu cực đến nền kinh tế Pháp.
 
Chiếc tàu tấn công đổ bộ đầu tiên lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga có tên là Vladivostok. Con tàu này có khả năng triển khai các trực thăng và xe tăng. Dự kiến, Pháp sẽ giao tàu chiến Vladivostok cho Nga vào cuối năm nay theo hợp đồng mà hai nước đã ký kết vào tháng 6 năm 2011. 
 
Chiếc tàu chiến lớp Mistral thứ hai có tên là Sevastopol dự kiến sẽ được chuyển giao cho Nga vào năm 2015 và nó sẽ gia nhập vào biên chế của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea.


Đan Khanh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc