(VnMedia) - Đầu hàng trước quyết tâm không thể lay chuyển được của Nga trong việc sáp nhập Crimea, binh lính Ukraine ngày hôm qua (19/3) đã ồ ạt rút quân khỏi bán đảo này để nhường chỗ cho các lực lượng phòng vệ Crimea.
Binh lính Ukraine đang rút khỏi trụ sở của hải quân ở Crimea |
Lực lượng phòng vệ Crimea đã xông vào chiếm trụ sở của Hải quân Ukraine ở thành phố Sevastopol, bên bờ Biển Đen, mà không vấp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Diễn biến này diễn ra đúng một ngày sau khi giới chức Crimea chính thức đặt bút ký vào hiệp ước tái hợp lịch sử với Tổng thống Nga Vladimir Putin để đưa bán đảo xinh đẹp này quay trở về “mái nhà Nga”.
Một phóng viên AP chứng kiến hàng trăm thành viên thuộc lực lượng phòng vệ Crimea dỡ bỏ chiếc cổng của trụ sở hải quân Ukraine và tiến thẳng vào khuôn viên của trụ sở này. Sau đó, họ hạ lá cờ Ukraine và kéo lá cờ Nga lên thay thế ở giữa khu vực sân của trụ sở.
Các binh lính không vũ trang của lực lượng phòng vệ Crimea đã chờ đợi khoảng một giờ đồng hồ ở khu vực sân trước khi tiến thẳng vào trụ sở của hải quân Ukraine. Sau khi chỉ huy Hạm đội Biển Đen Nga xuất hiện, lính Crimea chính thức tiếp quản quyền kiểm soát tòa nhà trong khi binh lính Ukraine không có bất kỳ sự kháng cự nào.
Phóng viên AP được phép đi vào trụ sở của hải quân Ukraine và đã nhìn thấy lực lượng phòng vệ Crimea đi lại trong trụ sở trong khi binh lính Ukraine đang gói ghém đồ đạc để chuẩn bị rời đi.
Đại diện của lực lượng phòng vệ Crimea sau khi chiếm đóng trụ sở của hải quân Ukraine đã tổ chức một cuộc rút quân êm ả và có trật tự cho binh lính Ukraine. Người ta thấy từng hàng binh lính Ukraine mang theo túi quần áo và các vật dụng cá nhân lặng lẽ rời trụ sở hải quân. Không rõ bao nhiêu trong số những binh lính này coi đó là một hành động đầu hàng về quân sự nhưng nhiều binh lính Ukraine trước đó đã chạy sang phía Nga.
Chỉ huy Lực lượng Biển Đen Nga – Phó Đô đốc Alexander Vitko, đã đích thân đến đàm phán với đối tác Ukraine nhưng không thể tìm thấy Đô đốc Sergei Hayduk. Các công tố viên địa phương cho biết, ông Hayduk đã bị bắt giữ để thẩm vấn, hãng tin Kryminform cho hay.
Giới chức Ukraine cho biết, họ đã sẵn sàng di chuyển và sắp xếp nơi đóng quân cũng như nơi ở cho khoảng 25.000 binh lính cùng gia đình của họ ở trong đất nước Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/3 đã ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 cho thấy, có gần 97% người dân Crimea muốn quay trở về với Nga.
Người dân trên khắp nước Nga và người dân Crimea đã đổ ra đường phố ăn mừng sự kiện trên trong khi chính quyền lâm thời mới ở thủ đô Kiev gọi Tổng thống Putin là mối đe dọa “đối với thế giới văn minh và an ninh quốc tế”. Mỹ và Châu Âu đe dọa sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Moscow.
Các hãng tin Nga hôm qua dẫn lời ông Valery Zorkin – người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Nga, cho biết, họ vừa ra quyết định công nhận hiệp ước tái hợp Nga-Crimea có giá trị, gỡ bỏ thêm một rào cản nữa cho việc đưa Crimea sáp nhập vào Nga. Hiệp ước này sẽ chỉ còn cần sự phê chuẩn của Quốc hội Nga trước khi chính thức có hiệu lực.
Ukraine triển khai thêm quân đến biên giới với Nga
Sau khi rút quân khỏi Crimea, người đứng đầu cơ quan cố vấn an ninh của Ukraine cho biết, nước này sẽ triển khai thêm nhiều binh lính ở dọc biên giới với Nga và sẽ tiến hành thủ tục cấp visa cho người Nga nhằm “tăng cường an ninh biên giới”.
Moscow và Kiev đang trên bờ vực của một cuộc xung đột sau khi phe đối lập hồi tháng trước xông vào chiếm thủ đô, lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych và chiếm quyền. Chính phủ lâm thời mới ở Kiev tiếp đó đã có những chính sách phân biệt đối xử với người gốc Nga ở Ukraine và gây ra một cuộc tranh cãi về số phận của bán đảo Crimea – nơi có đa số người dân Nga sinh sống
Ngày hôm qua, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine – ông Andriy Parubiy, cho biết, hội đồng này đã chỉ đạo các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đặt lực lượng vũ trang của họ vào tình trạng báo động chiến đấu ở mức cao nhất.
Ông Parubiy chũng cho biết, nước ông cũng sẽ đưa ra chế độ cấp visa cho công dân Nga sau cuộc tranh cãi ở Crimea. Trước đó, người dân Nga muốn vào Ukraine chỉ cần có thẻ căn cước là đủ.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho biết, Moscow chưa hề nhận được thông báo chính thức về thủ tục visa mà Ukraine tuyên bố áp dụng cho công dân Nga.
"Thông thường, các vấn đề liên quốc gia như vậy phải được thông báo chính thức. Một quyết định được đưa ra chỉ trong nội bộ như vậy là không đủ. Chúng tôi sẽ đợi”, vị quan chức ngoại giao Nga cho hay.
Khi được hỏi về khả năng áp dụng thủ tục cấp visa đối với các công dân Ukraine như một biện pháp trả đũa, nhà ngoại giao Nga khẳng định, bất kỳ quyết định nào cũng sẽ chỉ được đưa ra sau khi Moscow chính thức được thông báo về quyết định của Kiev thông qua các kênh ngoại giao.
Trong một diễn biến khác nhằm thể hiện sự thách thức trước Nga, giới chức lâm thời mới ở Kiev tuyên bố, Ukraine sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ và Anh.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc