Cựu nghị sĩ Mỹ: Crimea không phải chuyện của Mỹ

16:04, 20/03/2014
|

(VnMedia) - Ông Ron Paul - cựu nghị sĩ Đảng Cộng hoà và từng là cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, hôm 17/3 lại một lần nữa lên tiếng về tình hình Crimea . Lần này, ông Paul tiếp tục lên án giới chức ở Washington về việc quá ám ảnh đối với vấn đề ly khai của Crimea trong khi chuyện này chẳng liên quan gì đến Mỹ. Trước đó, ông Paul từng thẳng thừng tuyên bố, bàn tay Mỹ “chẳng sạch sẽ” gì trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

 

Ảnh minh họa

 Ông Ron Paul - cựu nghị sĩ Đảng Cộng hoà và cũng là người từng 3 lần là ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ .


Cựu nghị sĩ Đảng Cộng hoà đại diện cho bang Texas trước đó hồi đầu tháng từng nói với hãng tin RT rằng, ông không nghĩ là Mỹ có bất kỳ liên quan gì trong việc can thiệp vào các công việc ở bên ngoài và rằng tình hình căng thẳng ngày càng nghiêm trọng ở Ukraine chỉ nên được giải quyết bởi những bên có liên quan trực tiếp. Các công dân của Crimea giờ đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định ly khai khỏi Ukraine nhưng cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đều đổ xô vào đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số quan chức của Nga và Crimea.

 

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ USA Today hôm 17/3, cựu nghị sĩ Mỹ đã nói: “Có chuyện gì ghê gớm ở đây? Những người phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea chỉ nhăm nhăm nói đến tính bất hợp pháp của cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, quyền tự quyết là trọng tâm của luật quốc tế”.

 

"Điều khoản I trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đã nói rất rõ ràng rằng, mục đích của Liên Hợp Quốc là ‘phát triển mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc’. Tại sao Mỹ lại phải quan tâm đến việc lá cờ nào sẽ được kéo lên ở một mảnh đất nhỏ ở cách xa Mỹ hàng ngàn km”, ông Paul phát biểu.

 

“Những người này (những người phản đối cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea) ở đâu khi người ta gọi cuộc bầu cử được tổ chức ở đất nước Iraq bị quân Mỹ chiếm đóng là ‘một chiến thắng của nền dân chủ’?” ông Paul thẳng thừng đặt câu hỏi.

 

Những chỉ trích gay gắt trên được cựu nghị sĩ Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và phát đi một tuyên bố từ Tổng thống Barack Obama trong đó ông này cảnh báo sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt nữa “nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine”.

 

Tuy nhiên, theo ông Paul, chính phủ Mỹ hầu như phớt lờ những nỗ lực gần đây của người Scotland, Catalonia và Venice về việc ly khai, và thay vào đó chỉ nhăm nhăm tập trung vào cuộc xung đột ở Crimea. Kết quả là sự quan tâm của Mỹ “đã đẩy NATO đến gần một cuộc xung đột với Nga hơn kể từ thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh”.

 

“Có lẽ các quan chức Mỹ ủng hộ cuộc lật đổ chính phủ Ukraine một cách vi hiến nên quay lại dồn năng lượng vào việc học lại hiến pháp của chính chúng ta. Theo đó, Hiến pháp Mỹ không cho phép lật đổ chính phủ nước ngoài hay gửi 1 tỉ USD đến trợ giúp cho Ukraine”, cựu nghị sĩ Mỹ cho biết.

 

Nói chuyện với hãng tin RT chỉ một vài tuần trước đây, ông Paul nhấn mạnh, “ý tưởng cứu trợ cho Ukraine hoàn toàn vớ vẩn” và rằng “toàn bộ chuyện này không có bất kỳ ý nghĩa gì từ quan điểm kinh tế hay quan điểm chính trị”. Mỹ đang tăng cường giúp đỡ chính phủ lâm thời mới ở Kiev cùng lúc với việc tìm cách trừng phạt Moscow . Theo cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, “cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) chẳng thể đưa ra được các biện pháp trừng phạt thực sự có đủ ảnh hưởng đối với Nga”.

 

“Thương mại toàn cầu đem lại quá nhiều lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Thực tế, các thị trường quốc tế đã phục hồi trở lại trước thông tin những biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng tối thiểu. Người ta đều hiểu, hợp tác kinh tế và thương mại là con đường chắc chắn nhất để bảo đảm hoà bình và sự thịnh vượng. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng các chính phủ sẽ đi theo con đường này”, cựu nghị sĩ Mỹ cho biết.

 

Trước đó, ông Paul cũng đã từng kịch liệt lên án cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn ở Ukraine và cho rằng lệnh cấm vận Nga là “lời tuyên chiến”. Ông này cho rằng việc Mỹ viện trợ kinh tế cho Ukraine chẳng khác nào việc hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria. V iện trợ này cuối cùng cũng sẽ rơi vào tay tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda.

 

Ông Paul là người luôn hoài nghi về chính sách can thiệp của Mỹ vào các quốc gia khác. Cựu ứng cử viên Mỹ cho rằng mặc dù Washington không trực tiếp can dự vào việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych bằng bạo lực nhưng  Washington đã kích động, xúi giục các phần tử đối lập muốn lật đổ ông này. “Một bằng chứng khá rõ ràng là các tổ chức phi chính phủ (NGO) do chính phủ chúng ta tài trợ đã dùng hàng tỷ USD để kích động vụ lật đổ, tìm mọi cách khiến chính quyền của ông Yanukovych thay đổi. Bàn tay của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine thực chất chẳng sạch sẽ gì”, ông Paul cáo buộc.

 

Quan điểm trên của ông Paul, người 3 lần là ứng viên tổng thống Mỹ, gần như đối lập hoàn toàn quan điểm của con trai ông, ứng cử viên tiềm năng của chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Rand Paul. Con trai ông Paul kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Nga. Ứng cử viên tiềm năng của chức tổng thống Mỹ sắp tới thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố: “Nếu được bầu làm Tổng thống, tôi sẽ không để Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘thoát’ dễ dàng như vậy”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc