(VnMedia) - Chính quyền Crimea hôm qua (9/3) đã bác bỏ khả năng đàm phán với chính quyền trung ương lâm thời của Ukraine, cho rằng chính phủ này là bất hợp pháp.
“Chính quyền lâm thời hoàn toàn bất hợp pháp, họ lên nắm quyền nhờ súng, dao kiếm và bạo lực. Khi họ còn cầm quyền thì sẽ không có đối thoại không chỉ với họ mà còn cả với phần còn lại của đất nước”, Chủ tịch Thượng viện Crimea – Vladimir Konstantinov tuyên bố trong một cuộc phóng vấn với đài truyền hình địa phương.
“Họ nên đưa ra lời giải thích với người dân, tước vũ khí của các băng nhóm, tổ chức cuộc bầu cử công khai và công bằng. Khi đó, nước cộng hòa tự trị Crimea sẽ tham gia đàm phán với chính phủ hợp pháp của Ukraine”, ông khẳng định.
Chính quyền Crimea, nơi đồn chú của một căn cứ hải quân lớn của Nga đã nhiều lần lên tiếng không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời Kiev, do phe nổi dậy thành lập sau khi lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich hồi tháng trước.
Trước đó, hôm 6/3, thượng viện Crimea đã quyết định sẽ ly khai khỏi Ukraine và đề nghị sáp nhập vào Nga. Nước cộng hòa tự trị này dự kiến sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này vào ngày 16/3 tới.
Ông Konstantinov cho biết, nếu quyết định sáp nhập vào Nga được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, thì tiến trình sát nhập sẽ được hoàn tất “trong khoảng 1 tháng”.
Crimea hiện đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị nóng bỏng ở Ukraine. Khu vực tự trị này đang quay lưng lại với chính phủ lâm thời mới ở Kiev sau khi chính phủ này lên cầm quyền bằng một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych và có những chính sách phân biệt đối xử nhằm vào những người gốc Nga. Chính sách gây bức xúc nhất đối với người dân ở Crimea đó là việc chính phủ lâm thời Ukraine cấm sử dụng ngôn ngữ tiếng Nga ở nước cộng hòa tự trị, nơi sinh sống của 60% người gốc Nga này.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Ý kiến bạn đọc