(VnMedia) - Một chiến hạm hải quân của Ukraine – tàu khu trục Hetman Sahaidachny được cho là đã khước từ mệnh lệnh từ phía chính quyền mới của Kiev và đứng về phía Nga. Điều đáng nói hơn nữa là con tàu đang trở về cảng sau khi tham gia một chiến dịch của NATO ở Vịnh Aden với hiệu kỳ của hải quân Nga tung bay phất phời trên nóc tàu.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau xung quanh vị trí hiện tại của con tàu, tuy nhiên, một thượng nghị sỹ Nga đã xác nhận với tờ nhật báo Izvestia rằng, con tàu này đã “đào tẩu” về phía Nga.
“Khinh hạm của Hải quân Ukraine – Heman Sahaidachny đã hướng về phe chúng tôi trong hôm nay. Nó cũng đã treo cờ của St.Andrew”,Thượng nghị sỹ Igor Morozov, một thành viên của Hội đồng quốc tế cho hay.
Ông cũng cho biết, chiến hạm này hiện đang trên đường trở về Biển Đen sau cuộc tập trận chống hải tặc cùng NATO trên Địa Trung Hải. “Thủy thủ đoàn đã hoàn tất chỉ thị của Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine – Viktor Yanukovich”, ông nhấn mạnh.
Động thái trên diễn ra sau khi Tư lệnh Hải quân Ukraine xin từ chức hôm thứ Sáu (28/2).
Theo một tuyên bố được đăng tải trên trang web riêng của mình hôm qua (1/3), Tổng thống lâm thời của Ukraine – Aleksandr Turchinov đã bổ nhiệm Chuẩn Đô đốc Denis Berezovsky làm Tổng Tư lệnh Hải quân mới của chính phủ lâm thời.
Theo tờ Thời báo Kiev, Thủ tướng Ukraine – Arseniy Yatsenyuk đã đề nghị người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan không cho khinh hạm Hetman Sahaidachny của nước này đi qua eo biển Bosporus để vào Biển Đen.
Nguyên nhân được cho là do thuyền trưởng của con tàu, đồng thời là người chỉ huy lực lượng Ukraine trong cuộc tập trận – Chuẩn Đô đốc Andrey Tarasov đã không tuân theo mệnh lệnh từ chính phủ mới của Kiev.
Chiến hạm Hetman Sahaidachny đang trên đường trở về Sevastopol thuộc Bán đảo Crimea sau khi tham gia một cuộc tập trận chống hải tặc với NATO và EU ở ngoài khơi Vùng vịnh Châu Phi.
Được biết, hôm 26/2, sau khi đi qua Kênh đào Suez, con tàu đã tiến vào Biển Địa Trung Hải và dự kiến sẽ trở về Sevastopol vào đầu tháng 3 này.
Quân đội Ukraine đặt trong tình trạng báo động cao
Trong một diễn biến liên quan khác, Ukraine đã đặt lực lượng vũ trang của nước này vào tình trạng báo động chiến đấu cao nhất sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin giành được sự phê chuẩn từ thượng viện trong việc sử dụng vũ lực với Ukraine. Kiev cũng cảnh báo Moscow về một cuộc chiến nếu Nga can thiệp quân sự vào nước này.
Quyền Tổng thống Ukraine – ông Oleksander Turchinov đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các động thái của Nga, tuyên bố rằng, bất cứ sự can thiệp quân sự nào của Nga “sẽ khai hỏa cho một cuộc chiến và cắt đứt mọi quan hệ”.
Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov nói: "Đất nước Ukraine sẽ bảo vệ tất cả các công dân của mình, dù họ sống ở vùng nào, dù họ sử dụng ngôn ngữ gì và đi nhà thờ nào”.
Thông cáo của nhà lãnh đạo này được phát trên truyền hình quốc gia cùng với sự xuất hiện của Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk.
Trong chương trình, Thủ tướng Ukraine Areny Yatsenyuk cũng tuyên bố "cuộc xâm lược" của Nga vào Ukraine sẽ đánh dấu sự cắt đứt mọi quan hệ giữa hai nước.
Ông Yatsenyuk cũng chỉ rõ trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, ông đã hối thúc Nga rút quân đội trở về căn cứ tại khu vực tự trị Crimea và kêu gọi đàm phán.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết, mặc dù hiện Tổng thống Putin đã có đầy đủ "cơ chế" để hành động nhưng ông chưa quyết định sử dụng quyền hạn mới của mình.
Tổng thống Turchynov cũng cho biết giới chức nước này đã tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở hạt nhân, sân bay và các “cơ sở chiến lược” khác, lệnh tổng động viên tham gia quân đội Ukraine cũng được ban bố.
Theo quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine, việc động viên diễn ra trên toàn quốc. Hội đồng đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho tình huống bị xâm lược trực tiếp.
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine, ông Andrei Paruby, cho biết, lệnh tổng động viên ở Ukraine được ban bố lúc 8h sáng nay (giờ Kiev).
Ngoại trưởng Ukraine Andrei Deshchytsa cùng ngày kêu gọi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tìm “mọi cơ chế” có thể để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, người dân và các cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine.
Trước đó, Thượng viện Nga đã thông qua đề xuất của Tổng thống Nga Putin về việc sử dụng quân sự trên đất Ukraine "nhằm bảo vệ công dân Nga và Hạm đội Biển Đen" ở Crimea.
Ngay sau đó, trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo việc Nga đưa quân vào Ukraine là hành động “vi phạm luật pháp quốc tế”. Ông Obama dọa Mỹ và đồng minh sẽ có hành động đáp trả, trong đó có "cô lập về kinh tế, chính trị và “hơn thế nữa”.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin cho rằng Nga có quyền “bảo vệ những lợi ích của nước này và các cộng đồng người dân nói tiếng Nga” tại Ukraine. Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych của Ukraine, người vẫn được Nga công nhận là hợp pháp, cũng đã kêu gọi Crimea nhờ Nga giúp đỡ.
Ý kiến bạn đọc