4 điều khó lý giải về máy bay mất tích

11:05, 10/03/2014
|

(VnMedia) - Hơn 48 giờ đồng hồ đã trôi qua kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia biến mất một cách đầy bí ẩn. Đến thời điểm này, số phận của chiếc máy bay vẫn là “một dấu hỏi lớn không lời đáp”. Điều đó đã làm dấy lên đủ mọi lời đồn đoán và cả những lo sợ.
 

Ảnh minh họa

Gia đình của các hành khách đi trên máy bay của Malaysia đang rất lo lắng.


Sự “bặt vô âm tín” của một chiếc máy bay khổng lồ với 239 người trên đó mà không để lại bất kỳ dấu vết nào đã được các chuyên gia “mổ xẻ” kỹ lưỡng. Dưới con mắt của các chuyên gia, có 4 bí ẩn lớn nhất bao trùm vụ máy bay mất tích.
 
Máy bay đã mất liên lạc như thế nào?
 
Với câu hỏi trên, giới các nhà phân tích đưa ra 3 khả năng: Một là, máy bay có thể đã đâm nhầm vào một đám mây vũ tích. Mây vũ tích (tiếng Anh: Cumulonimbusc cloud, từ tiếng Latin cumulus nghĩa là mây đống và nimbus nghĩa là mây bão) là một loại mây dày đặc phát triển theo phương thẳng đứng rất cao liên quan đến giông và sự bất thường khí quyển, hình thành hơi nước mang các dòng khí mạnh từ dưới lên. Mây vũ tích có thể tự hình thành, trong các đám mây, hoặc cùng với các dòng gió mạnh frông lạnh. Loại mây này có khả năng sản sinh tia sét và các loại thời tiết nghiêm trọng khác như gió giật, mưa đá, và thỉnh thoảng có lốc xoáy.
 
Thứ hai, một số tai nạn nào đó đã xảy ra với phi công. Và thứ ba là hệ thống liên lạc giữa bầu trời với mặt đất đã bị cắt đứt đột ngột do sự cố kỹ thuật.
 
Mặt đất giám sát máy bay thông qua 3 cách: Cách chính là thông qua  hệ thống radar giám sát, sau đó là thông qua tín hiệu liên lạc điện đài và tiếp đến là hệ thống nối dữ liệu giữa mặt đất với bầu trời dựa trên công nghệ thông tin vệ tinh. Chỉ khi 3 phương tiện trên bị hỏng cùng một lúc thì một máy bay mới bị xác định là mất liên lạc.
 
Việc phi công không phát đi tín hiệu kêu cứu “cho thấy khả năng đã có một điều gì đó rất đột ngột và rất mạnh đã xảy ra”, ông William Waldock – người chuyên giảng dạy về điều tra tai nạn tại trường Đại học Embry-Riddle Aeronautical ở  Prescott, Ariz, đã phân tích như vậy với báo chí.
 
Theo ông Waldock, nếu có xảy ra một lỗi kỹ thuật nhỏ hoặc thậm chí là một sự cố nghiêm trọng hơn như việc cả hai động cơ của máy bay ngừng hoạt động thì các phi công vẫn có thể có thời gian để phát tín hiệu kêu cứu qua radio.
 
Báo chí cho rằng, có thể cuộc điều tra liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ phải mất nhiều năm.
 
Vụ tai nạn của chuyến bay 447 của hãng hàng không Air France hồi năm 2009 từng được tin là do sét đánh. Tuy nhiên, 3 năm sau, các nhà điều tra kết luận, tai nạn máy bay đó là do lỗi kỹ thuật và nhân tố con người gây ra.
 
Chuyện gì xảy ra với máy bay ở độ cao hành trình?
 
Sự biến mất của chiếc máy bay to lớn Boeing 777 đặc biệt bí ẩn bởi nó rõ ràng xảy ra khi máy bay đang ở độ cao hành trình, chứ không phải trong những giai đoạn nguy hiểm hơn là cất cánh hay hạ cánh.
 
Chỉ 9% tai nạn chết người xảy ra khi một chiếc máy bay đang bay ở độ cao hành trình, một báo cáo thống kê về các vụ tai nạn máy bay dân sự của hãng Boeing cung cấp đã cho biết như vậy.
 
Các chuyên gia dự đoán rằng, chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines có thể đã đột ngột vỡ tan tành trên bầu trời hoặc lao đầu thẳng đứng xuống biển ở tốc độ cao.
 
Sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở Mỹ, các máy bay trên thế giới đều đã lắp đặt các cánh cửa chống đạn và chống nhiễu cho buồng lái của phi công. Điều này giúp các phi công có đủ thời gian để có thể thông báo cho mặt đất nếu máy bay bị bọn khủng bố bắt cóc, các phi công dân sự cho biết.
 
Hơn nữa, một máy bay không thể biến mất khỏi màn hình radar nếu hệ thống tiếp sóng vẫn còn làm việc.
 
Dù điều gì xảy ra với chiếc máy bay mất tích, các chuyên gia nghĩ rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào.
 
Cơ hội sống sóng cho hành khách thế nào?
 
Có một câu nói phổ biến trong cộng đồng hàng không là: Thà đâm vào một quả đồi còn hơn là lao xuống nước. Nếu máy bay phát nổ trước khi lao xuống biển thì cơ hội sống sót của hành khách gần như bằng 0 và các mảnh vỡ của máy bay có thể rải khắp một khu vực rộng đến hơn 100km.
 
Nếu máy bay mất kiểm soát trước khi lao xuống biển (đây là trường hợp khá phổ biến) thì cơ hội sống sót cũng sẽ rất thấp.
 
Trường hợp máy bay hạ cánh có kiểm soát trên mặt nước là cực kỳ hiếm hoi đối với các máy bay thương mại chở khách thông thường bởi nó đòi hỏi khả năng và tâm lý rất cao đối với các phi công điều khiển máy bay.
 
Ông Yin Zhuo – một chuyên gia quân sự nổi tiếng của Trung Quốc, đã nói với báo giới rằng, cơ hội sống sót cho hành khách là rất hiếm nếu máy bay hạ cánh trên biển.
 
"Không có dù giải thoát trong ngành hàng không dân sự và máy bay sẽ vỡ tan sau khi đâm xuống nước do kết quả của lực tác động”, ông Yin nói.
 
"Cơ hội sống sót không lớn nhưng cũng không hoàn toàn bị loại bỏ", chuyên gia Yin nói thêm.
 
Dưới đây là một số trường hợp máy bay hạ cánh trên mặt nước an toàn:
 
Vào ngày 15/1/2009, chuyến bay 1549 của hãng hàng không U.S. Airways đã thành công khi hạ cánh ở sông Hudson giữa thành phố New York và New Jersey sau khi bị một loạt con chim lao vào. Tất cả 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều được giải cứu an toàn.
 
Hôm 13/4/2013, một chiếc máy bay của hãng hàng không Lion Air, Indonesia, đã lao xuống biển và bị tách làm đôi trong khi hạ cánh ở đảo Bali. Rất may, tất cả 101 hành khách trên máy bay và thành viên phi hành đoàn đều an toàn.
 
Tại sao lại khó định vị máy bay và thực hiện nhiệm vụ giải cứu?
 
Công việc tìm kiếm và giải cứu đã tiếp tục được đẩy mạnh trong suốt nhiều giờ đồng hồ qua ở khu vực biển nằm giữa Malaysia và Việt Nam – nơi chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không có dấu hiệu của mảnh vỡ được tìm thấy
 
Mảnh vỡ chính của máy bay Pháp AF447 mất tích năm 2009 chỉ được tìm thấy 2 năm sau ngày nó gặp tai nạn.
 
Ông Wang Xiaopeng – một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, theo thông tin chính thức, khu vực biển nơi được cho là tai nạn máy bay xảy ra là ở vùng nước thuộc Vịnh Thái Lan. Vùng biển nhiệt đới điển hình với đặc điểm là gió mạnh, sóng to, khiến cho công việc tìm kiếm và cứu hộ thêm phần khó khăn.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc