(VnMedia) - Nga và Trung Quốc đang ra sức ngăn chặn nỗ lực của các cường quốc phương Tây trong việc tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt chính quyền Syria nếu chính quyền này không mở cửa vô giới hạn cho hoạt động viện trợ nhân đạo.
Hàng trăm người dân Syria đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến nóng bỏng ở Homs |
Đại sứ Liên Hợp Quốc tại Nga - ông Vitaly Churkin đã thề sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ biện pháp được phương Tây đề xuất nếu thấy cần thiết. Cả ông Churkin và Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đều không xuất hiện tại cuộc họp ngày hôm qua (10/2) để thảo luận về nghị quyết được phương Tây và Ả-rập ủng hộ.
Đại sứ Churkin bác bỏ nghị quyết trên, miêu tả đó là một phương tiện “chính trị” được đưa ra nhằm “khích động thêm căng thẳng xung quanh Syria”.
"Chúng tôi cảm thấy rằng, nội dung của nghị quyết là không thể chấp nhận được. Nội dung này không đem lại ảnh hưởng tích cực gì cho tình hình. Nếu có thì nó chỉ làm cản trở, phá vỡ các nỗ lực viện trợ nhân đạo”, ông Churkin đã nói như vậy để giải thích cho lý do tại sao Nga không đến dự cuộc họp ngày hôm qua.
Nga và Trung Quốc lâu nay vẫn dành sự ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nước này từng 3 lần dùng quyền phủ quyết để bác bỏ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc do phương Tây phác thảo ra nhằm gây áp lực với ông Assad.
Một Hội đồng Bảo an chia rẽ đã tìm được tiếng nói chung với nhau hồi tháng 10 năm ngoái trong một bản tuyên bố, trong đó kêu gọi mở cửa ngay lập tức cho các chuyến hàng viện trợ nhân đạo được đưa vào Syria. Các nước phương Tây và Ả-rập muốn tiến xa hơn một bước bằng một nghị quyết mang tính ràng buộc về pháp lý nhưng sự phản đối của Nga và Trung Quốc đã ngăn cản nỗ lực trên.
Đại sứ Churkin khẳng định rõ ràng rằng, Nga sẽ phủ quyết nghị quyết mới nếu nó được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. "Nội dung của nghị quyết đó sẽ không được phê chuẩn, tôi có thể nói với các bạn như vậy”, ông Churkin cho biết.
Nga "đang nói về những thứ mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể làm để giúp ích cho việc cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria. Nếu chúng ta đưa ra một thứ gì, nó phải có ích thực sự và nó sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Tôi hy vọng, thứ đó sẽ được thông qua", ông Churkin nói.
Theo Đại sứ Nga, sẽ cần rất nhiều bước đi thực tế để giải quyết các vấn đề nhân đạo “to lớn” ở Syria. Ông Churkin cũng nói đến những diễn biến tích cực cho phép các nhân viên nhân đạo sơ tán hàng trăm dân thường cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo cho các khu vực ở thành phố Homs đang nằm trong sự kiểm soát của phe nổi dậy Syria.
Người phụ trách nhân đạo của Liên Hợp Quốc - Valerie Amos đã hoan nghênh việc kéo dài thêm thời hạn 3 ngày đối với lệnh ngừng bắn 3 ngày ban đầu ở Homs. Theo bà Amos, giới chức địa phương và đại diện của tất cả các bên đã nỗ lực làm việc trong “tình hình cực kỳ nguy hiểm” để sơ tán được hơn 800 người dân ra khỏi Homs và cung cấp lương thực, thuốc men cho người dân ở đây.
Tuy nhiên, bà Amos cũng nói, việc các nhân viên của Liên Hợp Quốc và Hội chữ thập đỏ Syria bị trở thành mục tiêu là “điều hoàn toàn và tuyệt đối không thể chấp nhận được”. 11 người đã mất đi mạng sống một cách vô ích bởi các bên trong cuộc nội chiến ở Syria không duy trì lệnh ngừng bắn trong thời hạn 3 ngày ban đầu.
Bản nghị quyết mà phương Tây trình lên Liên Hợp Quốc đổ phần lớn lỗi cho chính phủ Syria về cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Nếu yêu cầu đòi mở cửa không giới hạn cho viện trợ nhân đạo không được đáp ứng trong vòng 15 ngày nữa, bản nghị quyết trên đã thể hiện ý định của Hội đồng Bảo an trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt phi quân sự đối với một số cá nhân và thực thể chịu trách nhiệm gây ra sự cản trở đối với hoạt động nhân đạo.
Bản phác thảo nghị quyết của phương Tây cũng bày tỏ “sự phẫn nộ trước mức độ bạo lực leo thang không thể chấp nhận được cũng như số người thiệt mạng ở Syria lên tới hơn 136.000 người, trong đó có hơn 11.000 trẻ em".
Tiếp tục tranh cãi về số phận Tổng thống Assad
Trong lúc này, đại diện của chính quyền Tổng thống Assad và phe nổi dậy Syria vừa quay trở lại bàn đối thoại, bắt đầu vòng đàm phán thứ hai trong khuôn khổ hội nghị hòa bình Geneva II được khởi động từ hồi tháng 1.
Tuy nhiên, triển vọng của vòng đàm phán mới không khả quan khi mà cả chính quyền Syria lẫn phe nổi dậy đều cương quyết giữ nguyên lập trường và mục đích ban đầu. Các nhà ngoại giao của chính quyền Syria đã thẳng thừng bác bỏ khả năng thảo luận về việc Tổng thống Assad có nên từ chức hay không. Trong khi đó, phe nổi dậy tuyên bố, nếu không đạt được tiến bộ gì trong vòng đàm phán này, họ sẽ rút khỏi tiến trình do Nga và Mỹ làm trung gian này.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ không thảo luận về sự tự chức của Tổng thống Assad. Vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự và không bao giờ là như vậy. Hãy nói với tất cả mọi người muốn nhìn thấy ông ấy ra đi là họ chỉ tốn thời gian vô ích”, Thứ trưởng Ngoại giao Syria – ông Faisal Miqdad đã thẳng thừng tuyên bố như vậy.
Chính phủ Syria và phe đối lập đã bắt đầu vòng đàm phán thứ hai ngày hôm qua (10/2) sau 10 ngày tạm nghỉ. Hai phái đoàn đối địch này ở các khu vực khác nhau và chỉ liên hệ với nhau thông qua đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria – ông Lakhdar Brahimi.
Một cuộc họp ba bên giữa các nhà ngoại giao đến từ Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức bên lề vòng đàm phán thứ hai này vào cuối tuần. Ông Brakhimi trước đó miêu tả vòng đàm phán đầu tiên kết thúc ngày 31/1 là “khó khăn” và hầu như không đạt được tiến bộ gì.
Cả chính quyền và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng bế tắc hiện nay, với phe đối lập cáo buộc chính phủ không sẵn sàng đàm phán về một chính phủ chuyển tiếp trong khi đại diện của ông Assad muốn phái đoàn của phe đối lập có nhiều thành phần ôn hòa hơn.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc