(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (14/2) đã lớn tiếng yêu cầu Mỹ giữ lập trường trung lập, tránh xa cuộc tranh chấp giữa nước này với Philippines ở Biển Đông. Đây được xem là phản ứng của Bắc Kinh đối với cam kết của Đô đốc Hải quân Mỹ về việc sẽ bảo vệ Manila trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công xâm lược nào từ phía Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines đang ngày càng trở thành vấn đề giữa Bắc Kinh và Washington – nước có hiệp ước phòng thủ chung với Manila.
Trung Quốc ngày hôm qua đã chỉ trích gay gắt những phát biểu gần đây của một quan chức hải quân Mỹ liên quan đến vấn đề Biển Đông đồng thời yêu cầu Mỹ phải giữ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp giữa họ với Philippines.
Tại một cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã nói: "Tôi muốn chỉ ra rằng, Mỹ không phải là một bên trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Vì thế, Mỹ nên tôn trọng cam kết đứng trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nên thận trọng trong lời nói, hành động cũng như đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực thay vì làm điều ngược lại”.
Bà Hua khẳng định, Trung Quốc luôn giữ lập trường vững chắc trong các cuộc tranh chấp và kiên quyết theo đuổi giải quyết vấn đề thông qua đàm phán trực tiếp song phương với từng nước. “Một thỏa thuận song phương – quan hệ liên minh Mỹ-Philippines không nên làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói như vậy.
Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở đàm phán song phương, với từng nước một. Thực tế, với tư cách là nước lớn, Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước nhỏ để dễ bề gây sức ép, giành thế thượng phong.
Trước đó, hôm 13/2, Đô đốc Jonathan Greenert – Chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ, đã lên tiếng bảo đảm rằng, nước ông sẽ đến giúp đỡ Philippines trong trường hợp có bất kỳ cuộc xung đột nào nổ ra giữa quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc trong những năm gần đây ngày càng tỏ ra hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á xung quanh. Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Với việc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, Bắc Kinh có tham vọng độc chiếm khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên này.
Trung Quốc liên tiếp tăng cường sức mạnh hải quân, mua sắm và đóng thêm tàu chiến, tàu ngầm mới và một tàu sân bay. Cùng với sức mạnh gia tăng, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm tranh giành, xác lập chủ quyền ở các vùng tranh chấp.
Phản ứng trước những bước đi ngày một lấn tới của Trung Quốc ở Biển Đông, giới chức Mỹ gần đây đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, công khai hơn về những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở khu vực.
Washington luôn khẳng định sự trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đồng thời phản đối bất kỳ biện pháp dùng vũ lực nào nhằm giải quyết tranh chấp. Mặc dù vẫn lên tiếng chỉ trích và lên án những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông nhưng Mỹ chưa bao giờ lên tiếng phản đối đường lưỡi bò phi lý mà Bắc Kinh đưa ra nhằm đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Thái Bình Dương và Đông Á – ông Daniel Russel hồi tuần trước đã chính thức phá bỏ lớp vỏ mập mờ, nước đôi của Washington trong vấn đề Biển Đông khi ông này có cuộc điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Thứ trưởng Russel tuyên bố, theo luật quốc tế, chủ quyền hàng hải ở Biển Đông “phải được đưa ra dựa trên những đặc điểm trên đất liền" và rằng bất kỳ đường 9 đoạn nào của Trung Quốc nhằm đòi chủ quyền hàng hải mà không dựa trên các đặc điểm trên đất liền “đều không phù hợp với luật quốc tế”.
Phát biểu của Thứ trưởng Russel và Ngoại trưởng Kerry ở trên đã phản ánh một thực tế là Mỹ ngày càng trở nên quan ngại trước những bước đi tranh giành chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Philippines, Nhật Bản cũng muốn siêu cường số 1 thế giới thể hiện lập trường rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Nhà Trắng mới đây thông báo, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Manila vào tháng 4 tới và Philippines tin rằng, đó là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ dành cho họ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, một cuộc thăm dò dư luận gần đây đã cho kết quả, có tới 93% người dân Philippines tin rằng chính phủ của họ nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Hơn 70% người dân ở quốc gia Đông Nam Á cũng ủng hộ việc Manila tìm kiếm sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt là Mỹ, trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc