(VnMedia) - Cùng với mối quan hệ ngày một xấu đi với một loạt nước láng giềng Châu Á vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, Trung Quốc cũng đang mất dần những bạn bè thân thiết nhất trong khu vực.
Tổng thống Obama (bên phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Myanmar tại Nhà Trắng. |
Kể từ khi Trung Quốc mạnh lên, nước này cũng bắt đầu thực thi một chính sách cứng rắn và quyết liệt trong các cuộc tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Cũng vì thế, mối quan hệ giữa cường quốc số 1 châu Á với các nước xung quanh liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng.
Trong bối cảnh không thuận lợi đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với một thách thức khác lớn hơn khi ảnh hưởng của họ với các nước bạn bè thân thiết nhất trong khu vực đang ngày càng suy giảm. Điều này được thấy rõ nhất qua mối quan hệ giữa Trung Quốc với Myanmar và Triều Tiên.
Myanmar giờ đây đã không còn duy trì mối quan hệ gắn bó sâu sắc với Trung Quốc mà bắt đầu mở rộng sự lựa chọn của họ khi mà Mỹ bắt đầu chìa tay ra với quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un cũng bắt đầu tách dần ra khỏi đồng minh lớn nhất và duy nhất của họ, thể hiện một sự độc lập ngày càng lớn hơn.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Mỹ và các cường quốc khác có tận dụng xu hướng trên để tạo thêm lợi thế cho họ và tiếp tục bao vây, kiềm chế Trung Quốc?
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Myanmar bắt đầu xấu đi vào cuối năm 2011 khi Myanmar quyết định tạm dừng dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất của nước này được Trung Quốc tài trợ. Đó là dự án xây đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD. Con đập này nếu được xây dựng sẽ nằm ở thượng nguồn của Sông Irrawaddy. Quyết định trên đã khiến Trung Quốc bị sốc nặng.
Quyết định táo bạo của giới chức Myanmar trong việc huỷ dự án xây đập mà Trung Quốc đầu tư đã gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước này, nhưng nó lại là một bước đi đầy tích cực trong mối quan hệ của Myamar với phần còn lại của thế giới. Thực tế, sau khi Myanmar có hành động phũ phàng với Trung Quốc, quốc gia Đông Nam Á này cũng thực hiện một bước chuyển biến lớn về mặt chính trị, giúp nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào họ cũng như chấm dứt nhiều thập kỷ bị cô lập trên trường quốc tế.
Những lệnh trừng phạt đã đẩy Myanmar lại gần với Trung Quốc nhưng một khi tháo bỏ các biện pháp trừng phạt đó, Myanmar chắc chắn không ngại ngần tìm đến với các nước phương Tây để tối đa hóa lợi ích của họ. Tiến trình này diễn ra vô cùng thuận lợi khi mà Mỹ sẵn sàng chìa tay ra với Myanmar. Mỹ trong nhiều năm trời thường cố tình gọi tên quốc gia có 60 triệu dân là Burma để thể hiện lập trường không công nhận các chính phủ quân sự ở Myanmar. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Nhà Trắng thừa nhận, họ bắt đầu sử dụng cái tên Myanmar nhiều hơn.
Đặc biệt, hồi cuối năm 2012, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn Myanmar là một trong những chặng dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông này tái đắc cử nhiệm kỳ mới. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm Myanmar. Điều này đủ thấy ông chủ Nhà Trắng coi trọng mối quan hệ với Myanmar như thế nào. Trước đó, Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu, Nhật Bản đã dần nới lỏng hầu như tất cả các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Myanmar trong nhiều thập kỷ qua.
Trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Myanmar trong thời gian nước này phải chịu sự trừng phạt của các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, Mỹ bắt đầu quay sang cải thiện quan hệ với Myanmar. Động thái này không thể không khiến Bắc Kinh “giật mình” lo ngại. Trung Quốc rõ ràng đang phải đối mặt với nguy cơ mất dần ảnh hưởng đối với nước láng giềng sát nách và có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với cường quốc số 1 Châu Á này.
Triều Tiên cũng đang ngày càng tách khỏi Trung Quốc
Kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền hồi cuối năm 2011, Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã có xu hướng theo đuổi một chính sách độc lập hơn với Trung Quốc cũng như không nể nang đồng minh lớn của họ.
Người ta tin rằng, vụ xử tử ông Jang Song Thaek - chủ rể của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un, hồi cuối năm ngoái phản ánh rõ nhất mối quan hệ không còn gắn bó mật thiết như trước kia giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Ông Jang Song Thaek vốn là nhân vật quyền lực số 2 Triều Tiên và cũng là người bạn được Trung Quốc quý trọng nhất. Thế nhưng, ông Jang đã bị xử tử một cách nhanh chóng vì một loạt tội danh, trong đó có tội danh liên quan đến việc bán các nguồn lực như than, đất và kim loại quý hiếm cho Trung Quốc với giá rẻ. Đây rõ ràng là một cú giáng choáng váng mà Bình Nhưỡng nhằm vào nước đồng minh lớn nhất và duy nhất của họ.
Trong một động thái thể hiện sự thách thức khác của Bình Nhưỡng trước Bắc Kinh, Triều Tiên đã không ngần ngại bắt giữ 3 tàu cùng 29 thủy thủ Trung Quốc và giam giữ suốt 13 ngày để đòi tiền chuộc. Trước đó, Triều Tiên cũng “chẳng nể mặt” Trung Quốc khi ngang nhiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba khiến cả thế giới choáng váng bất chấp Bắc Kinh đã tìm cách thuyết phục và răn đe nước này.
Rõ ràng, qua các sự việc trên, Triều Tiên đã khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt thực sự. Trong khi các nước tin rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn đến Bình Nhưỡng thì các hành động của Triều Tiên gần đây lại chứng minh điều ngược lại. Triều Tiên ngày càng phớt lờ người bạn lớn của mình và tự quyết mọi hành động của mình. Triều Tiên đã cho thấy, Trung Quốc không hề có ảnh hưởng gì đối với họ.
Mặc dù tức giận và ngày càng mất kiên nhẫn với Triều Tiên nhưng Bắc Kinh vẫn rất thận trọng trong cách đối xử với người bạn láng giềng của mình. Sở dĩ Bắc Kinh có thái độ như trên là vì Bắc Kinh e ngại nếu quá mạnh tay sẽ dẫn đến sự sụp đổ của CHDCND Triều Tiên. Và điều này hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc. Một sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ dẫn đến tình trạng hàng triệu người dân nước này chạy sang tị nạn ở Trung Quốc, làm tăng sức mạnh cho người thiểu số Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề thất nghiệp trong nước.
Quan trọng hơn, Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến sự bất ổn ở Triều Tiên, bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực sát nách Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi một vùng đệm an toàn.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc