Thực hư cáo buộc Nga xâm lược vũ trang Ukraine

16:24, 28/02/2014
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine hôm nay (28/2) cáo buộc binh lính Nga phong tỏa một sân bay ở thành phố Sevastopol thuộc khu tự trị Crimea, miêu tả đó là hành động xâm lược vũ trang. Thông tin này được đăng tải trên hãng tin RIA Novosti của Nga.
 

Ảnh minh họa

 Khu vực sân bay ở Crimea


Trong tuyên bố vừa được phát đi ngày hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ tạm thời của Ukraine - ông Arsen Avakov cho biết, khoảng hơn 100 tay súng được ông này miêu tả là người Cô-dắc đêm qua đã tràn vào chiếm đóng sân bay Belbek ở Simferopol, cách Sevastopol về phía đông bắc khoảng 80km, nhưng đã bị đánh bật trở lại.

Trong khi đó, nguồn tin từ hãng tin Interfax đưa tin, khoảng 50 tay súng vũ trang mang theo cờ của Hải quân Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực sân bay Belbek trong đêm qua (27/2) sau khi tiến vào đây bằng một loạt chiếc xe tải. Các nhân chứng cho biết, hàng chục tay súng trên mặc trang phục giống hệt như nhóm người đã chiếm trụ sở chính quyền ở Simferopol một ngày trước đó.

“Khu vực trong sân bay đã không còn bóng người Cô-dắc. Họ đã lên những chiếc xe tải Kamaz và rời đi”, ông Avakov nói. Theo lời ông này, 119 binh lính có vũ trang rõ ràng thuộc Lực lượng Vũ trang Nga và họ đã ập đến sân bay lúc khoảng 1h30 rạng sáng nay và cố thủ trong một nhà hàng ở sân bay.
 
Các tay súng đã từ chối câu hỏi được giới sĩ quan Bộ Nội vụ Ukraine đưa ra về việc họ có phải là binh lính hay không và liệu họ có được phép vào sân bay hay không.
 
“Tôi cho rằng những gì đang xảy ra là một cuộc xâm lược và chiếm đóng vũ trang. Đó là hành động vi phạm các thỏa thuận và tiêu chuẩn quốc tế. Đó là sự khiêu khích trực tiếp một cuộc đổ máu có vũ trang trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền”, ông Avakov cáo buộc.
 
Trong khi nhấn mạnh không có vụ đụng độ bạo lực trực tiếp nào xảy ra, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine Arsen Avakov cho biết, vấn đề này sẽ được giải quyết trên cấp độ ngoại giao trước khi có bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào nổ ra.
 
Bộ trưởng Avakov cho biết trên trang Facebook rằng, các binh lính đến từ Hạm đội Biển Đen đóng tại thành phố Sevastopol có thể được nhìn thấy bên ngoài sân bay Belbek mặc dù bên trong khu vực sân bay đang nằm trong sự kiểm soát của quân đội Ukraine.
 
“Sân bay không hoạt động. Ở bên vùng ngoài của sân bay, có các chốt chặn an ninh của Bộ Nội vụ Ukraine. Không có những cuộc xung đột vũ trang xảy ra ở đây”, Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine cho biết.
 
Cáo buộc về sự hiện diện của binh lính thuộc Hạm đội Biển Đen ở khu vực sân bay ở Crimea được đưa ra sau khi giới cầm quyền tạm thời của Ukrainian vừa đưa ra cảnh báo quân lính Nga không được rời khỏi khu vực cư trú của họ nằm trong căn cứ của Nga ở Crimea.
 
Tình hình ở bán đảo tự trị Crimea bắt đầu nóng lên sau khi phe đối lập Ukraine phá bỏ thỏa thuận ký với Tổng thống Yanukovych, chiếm thủ đô Kiev và lật đổ chính quyền của ông này. Crimea là nơi có đa số dân là người gốc Nga. Ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Yanukovych đổ vỡ, hàng nghìn người ủng hộ Nga đã tràn ra các đường phố ở Crimea để tiến hành biểu tình, phản đối phe đối lập Ukraine. Những người này còn kêu gọi Nga đến giúp đỡ họ. Ngày hôm qua, một nhóm tay súng ủng hộ Nga đã tràn vào hai trụ sở của chính quyền Ukraine ở Crimea, chiếm đóng những nơi này và kéo cờ Nga lên. Một số cuộc đụng độ đã xảy ra giữa những những người chống đối chính quyền lâm thời ở Ukraine và những người ủng hộ chính quyền mới này.
 
Giới phân tích dự đoán Crimea sẽ là nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa một bên là các thành phần thân phương Tây và một bên là lực lượng thân Nga.
 
Trong khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine diễn ra ngày một nghiêm trọng, Nga vẫn tuyên bố rằng họ sẽ không can thiệp vào tình hình nội bộ của nước láng giềng. Tuy nhiên, Moscow bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước sự phân biệt của chính quyền lâm thời mới ở Ukraine với những người gốc Nga ở Crimea. Nga đang thuê một căn cứ hải quân của Ukraine ở Sevastopol thuộc Crimea và đây là nơi đóng quân của hàng nghìn binh lính Nga cùng Hạm đội Biển Đen hùng hậu của Nga.
 
Những lời cáo buộc trên của giới chức tạm quyền ở Ukraine chưa thể được xác nhận trong bối cảnh chính quyền này có xu hướng nghiêng về phương Tây và quay lưng lại với Nga.
 
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
 
Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng công nhận chính quyền mới ở Ukraine trong khi Nga bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp pháp của một chính quyền được dựng lên sau một cuộc chính biến. Việc Mỹ và phương Tây dễ dàng công nhận chính quyền lâm thời ở Ukraine là điều dễ hiểu khi mà chính quyền này ngay lập tức tuyên bố hướng về phương Tây.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc