(VnMedia) - Năm 2013, cộng đồng thế giới không ít lần “nghẹt thở” vì những màn chĩa vũ khí vào nhau đầy nguy hiểm của các cường quốc ở những điểm nóng của thế giới, đặc biệt là Châu Á. Những vụ việc như này nhiều lần đẩy các nước đến sát bờ vực của một cuộc chiến tranh.
Ảnh minh họa |
Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu chiến Nhật
Ngay trong tháng đầu tiên của năm ngoái, khu vực Châu Á đã “sôi lên sùng sục” vì sự kiện tàu chiến Trung Quốc chĩa radar tên lửa nhằm thẳng vào các mục tiêu quân sự của Nhật Bản, khiến hai cường quốc hàng đầu Châu Á suýt rơi vào một tình huống đối đầu vũ trang hết sức nguy hiểm. Sự kiện diễn ra vào ngày 30/1 này đánh dấu một bước leo thang đầy nguy cơ trong cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Tokyo và Bắc Kinh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Theo tố cáo của phía giới chức quân sự ở thủ đô Tokyo, một tàu khu trục Trung Quốc đã chĩa radar kiểm soát tên lửa về phía tàu khu trục Yuudachi của Nhật. Chưa dừng lại ở đó, tàu Trung Quốc còn có hành động tương tự với một chiếc trực thăng được đặt trên tàu chiến của Nhật Bản.
Radar của Trung Quốc được cho là dùng để thu thập thông tin về vị trí của một tàu hộ tống Nhật Bản và một chiếc trực thăng. Loại radar được sử dụng có thể được dùng để cung cấp những dữ liệu cần thiết cho việc hướng dẫn tên lửa bắn vào thiết bị của Nhật Bản.
"Đó là một hành động cực kỳ bất thường. Một bước đi sai lầm có thể đẩy mọi thứ vào tình huống nguy hiểm”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản vào thời điểm đó đã chỉ trích như vậy.
Sự kiện tàu chiến Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu khu trục và trực thăng Nhật Bản cho thấy, hai cường quốc Châu Á đang tiến gần hơn bao giờ hết tới một cuộc “đọ súng” mà nhiều người từ lâu đã lo sợ. Giới quan chức và các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, chỉ cần một sự việc vô tình cũng có thể đẩy cuộc tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Tuy nhiên, có vẻ như giới chức ở Tokyo và Bắc Kinh đang để cho cảm xúc của họ vượt quá tầm kiểm soát.
Mỹ mang máy bay ném bom B-2 ra dọa Kim Jong Un
Sau sự kiện tàu chiến Trung Quốc chĩa radar tên lửa vào tàu khu trục Nhật Bản, Mỹ cũng đã khiến khu vực Châu Á “nghẹt thở” khi dùng máy bay ném bom thiện chiến B-2 để phát đi lời cảnh báo ớn lạnh đến Triều Tiên.
Cụ thể, hôm 28/3, Mỹ đã ra lệnh cho hai chiếc máy bay ném bom B-2 Spirit cất cánh từ Căn cứ Không quân Whiteman ở bang Missouri và bay tới bán đảo Triều Tiên. Tại đây, hai chiếc B-2 đã rải một loạt đạn xuống một bãi thử nằm trên quần đảo Jikdo ngoài khơi bờ biển phía tây Hàn Quốc trước khi quay trở lại lục địa Mỹ trong một chuyến bay liên tục..
Việc triển khai một trong những thứ vũ khí đáng sợ hàng đầu của Mỹ đến gần Triều Tiên khi đó được xem là lời cảnh báo sắc lạnh gửi đến CHDCND Triều Tiên, sau khi nước này vừa tung ra lời đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu vào cường quốc số 1 thế giới, cũng như nước láng giềng Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hành động phô diễn sức mạnh bằng máy bay ném bom tàng hình B-2 là điều “hết sức bất thường và chưa từng có trong tiền lệ” nước Mỹ trước đây.
Một trong những lý do khiến người ta thấy “phát đạn cảnh cáo” mà Mỹ nhằm vào Triều Tiên nói trên hoàn toàn “không bình thường” là do Mỹ hiếm khi thông báo về vị trí của những chiếc máy ném bom B-2 – thứ vũ khí được xem là tối mật hàng đầu của cường quốc số 1 thế giới. Lý do thứ hai cho thấy sự bất thường trong hành động của Mỹ là chi phí cắt cổ của việc đưa máy bay ném bom B-2 ra khỏi căn cứ ở Missouri để đi đe dọa, uy hiếp một chính quyền nhỏ bé ở bên kia địa cầu.
Sự bất thường trong hành động của Mỹ khiến nhiều người không khỏi lo ngại về khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên.
Tàu chiến Nhật xông vào giữa cuộc tập trận của Trung Quốc?
Trong năm 2013, Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến cộng đồng thế giới “nín thở” không chỉ một lần. Hồi tháng 10 vừa rồi từng xảy ra vụ việc Trung Quốc tố cáo tàu chiến Nhật Bản xông vào giữa cuộc tập trận của họ, gây ra một “hành động khiêu khích nguy hiểm”.
Theo cáo buộc của phía Trung Quốc, một tàu chiến và một máy bay quân sự của Nhật Bản đã làm gián đoạn cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra hồi cuối năm ngoái. Bắc Kinh còn tin rằng, các tàu và máy bay của Nhật Bản đã tìm cách thu thập thông tin về cuộc tập trận của họ.
Hôm 23/10, Trung Quốc đã phát đi một cảnh báo thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế về việc Hải quân nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở một khu vực nhất định thuộc Tây Thái Bình Dương trong thời gian từ ngày 24/10 đến 1/11. Tàu thuyền và máy bay các nước khác đã được khuyến cáo tránh xa khu vực tập trận.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, tàu Số 107 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã phớt lờ những yêu cầu liên tiếp của phía Trung Quốc, cố tình xâm phạm vào vùng tập trận lúc khoảng 10h41 sáng ngày 25/10. Tàu chiến của Nhật Bản đã ở trong vùng tập trận cho đến 7h32 sáng ngày 28/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tố cáo như vậy. Ông này còn tố thêm rằng, các tàu chiến và máy bay của Nhật Bản liên tục ra vào vùng tập trận của phía Trung Quốc để tiến hành những hoạt động do thám, giám sát ở cường độ cao.
Bắc Kinh miêu tả hành động trên của Nhật Bản “mang tính khiêu khích cực kỳ nguy hiểm” và vụ việc này đã một lần nữa phơi bày cuộc đối đầu tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
B-52 của Mỹ trêu ngươi Trung Quốc
Tiếp đó, vào tháng 11 năm ngoái, Mỹ cũng khiến người dân Châu Á “thót tim” vì lo sợ khi cho hai chiếc máy bay ném bom B-52 của họ nghễu nghện bay qua vùng phòng không mà Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập ở biển Hoa Đông để thách thức trực diện Bắc Kinh.
Chuyến bay của máy bay ném bom Mỹ diễn ra đúng thời điểm khu vực biển Hoa Đông đang “nổi sóng dữ” sau khi Bắc Kinh đột ngột đơn phương tuyên bố lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm lên những khu vực tranh chấp với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hành động của Mỹ được cho là nhằm để vừa trêu ngươi vừa thử thách xem phản ứng của Trung Quốc thế nào nhưng nó đã gây ra một tình huống hết sức nguy hiểm.
Tàu chiến Trung Quốc suýt đâm tàu tên lửa Mỹ
Vào những ngày cuối cùng của năm ngoái, Mỹ và Trung Quốc còn gây ra thêm một vụ việc thót tim khác. Đó là vụ tàu hải quân của Trung Quốc suýt đâm nhau với một tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, chiến hạm mang tên lửa dẫn đường USS Cowpens của họ “đang hoạt động một cách hợp pháp” ở vùng lãnh hải quốc tế thuộc Biển Đông thì bị buộc phải thay đổi hướng đi để tránh một chiếc tàu hải quân của Trung Quốc tìm cách chặn đường họ.
Giới chuyên gia nhận định, vụ hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc suýt đâm nhau là vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra giữa hai nước này ở khu vực Biển Đông đầy sóng gió kể từ năm 2009 đến giờ.
Sau vụ tàu chiến hai nước Mỹ và Trung Quốc suýt đâm nhau ở Biển Đông, người ta lo ngại sẽ có nhiều cuộc đối đầu nguy hiểm như thế xảy ra trong thời gian tới và điều đó có nguy cơ trở thành diễn biến chủ đạo ở Châu Á, đẩy khu vực vốn đã nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp vào tình trạng luôn ngấp nghé ở bờ vực xung đột.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc