(VnMedia) - Báo chí phương Tây hôm nay (25/2) đưa tin, Nga được cho là đang triển khai một loạt tàu quân sự chở theo hàng trăm binh lính đến khu vực Crimea tự trị của Ukraine. Trong khi đó, chính phủ Nga cũng tuyên bố không công nhận chính quyền lâm thời ở Kiev.
Ảnh minh hoạ |
Nguồn tin từ tờ International Business Times UK (Thời báo Kinh doanh Quốc tế của Anh) cho rằng, Nga đã điều tàu đổ bộ cỡ lớn Nikolai Filchenkov chở theo ít nhất 200 binh lính đến căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, Crimea. Tàu Nikolai Filchenkov được cho là được hộ tống bởi ít nhất 4 tàu khác với một số lượng binh lính đặc nhiệm không xác định. Nhóm tàu này đã xuất phát từ cảng Anapa của Nga và hướng thẳng đến Sevastopol của Ukraine.
Ông Oleh Tyahnybok, một chính khách theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, cho biết, ông này có bằng chứng về việc Nga điều tàu quân sự và binh lính đến Crimea. Dẫn các nguồn tin an ninh ở Crimea, ông Tyahnybok nói: "Tôi có thể cho các bạn xem tin nhắn của tôi. Ngày hôm nay, lúc khoảng 12h, người ta đã thấy tàu Nikolai Filchenkov đến cảng Temryuk ở Sevastopol. Con tàu này mang theo khoảng 200 binh lính có vũ trang”.
Những thông tin trên xuất phát từ nguồn tin phương Tây và từ một chính khách thuộc thành phần chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine. Vì thế, độ xác thực của những thông tin kiểu này khó có thể được kiểm chứng. Người ta không loại trừ những thông tin này có thể là một hành động tuyên truyền khi mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) được cho là đang giành giật Ukraine với Nga. Người ta cáo buộc, Mỹ và EU đang vừa ngấm ngầm vừa công khai hậu thuẫn cho phe đối lập ở Ukraine.
Ngoài ra, nếu Nga thực sự triển khai tàu chiến và binh lính đến Ukraine thì đây cũng là một điều hết sức bình thường bởi Nga từng làm như vậy trong cuộc chiến ở Syria. Mục đích của Moscow chỉ là để chuẩn bị sẵn sàng cho việc bảo vệ các công dân hay tài sản của họ.
Nga hiện tại đang có sẵn khoảng 26.000 quân ở căn cứ Sevastopol thuộc khu vực Crimea của Ukraine. Khu vực Crimea nằm ở bờ biển phía bắc của Biển Đen. Phần lớn Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Sevastopol và 60% người dân ở khu vực này là người gốc Nga.
Trước đó, Moscow từng tuyên bố sẵn sàng tham chiến ở khu vực Crimea để bảo vệ phần lớn người Nga ở đây cũng như bảo vệ các cơ sở quân sự của họ.
"Nếu Ukraine tan vỡ, điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh. Họ sẽ mất Crimea đầu tiên bởi chúng tôi sẽ can thiệp vào và bảo vệ nơi đó, như chúng tôi đã làm ở Gruzia”, một quan chức Nga giấu tên cho hay.
Một số nhà phân tích thậm chí đã nghĩ đến khả năng tái diễn cuộc chiến tranh ngắn hồi năm 2008 ở Gruzia khi quân lính và xe tăng Nga thực hiện hiện một chiến dịch quân sự chống lại chính phủ Gruzia để bảo vệ người dân ở khu vực Nam Ossetia.
Mỹ mới đây cũng đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng Nga không được đưa quân vào Ukraine nhưng lời cảnh báo này đã bị Moscow bác bỏ.
Trong lúc này, người dân ở Crimea lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Nga. Những người biểu tình ở Crimea đã dựng lên những tấm biển ghi “Ông Putin là Tổng thống của chúng tôi” hay “Hỡi nước Nga, chúng tôi đã bị bỏ rơi, hãy đưa chúng tôi trở về!". Hôm Chủ nhật (23/2) vừa rồi, một người thậm chí còn gỡ lá cờ Ukraine ở tòa thị chính xuống và thay thế bằng lá cờ của Nga.
Một số người ở Crimea không đòi sáp nhập vào Nga nhưng lại đòi ly khai với Ukraine. Những người này cho rằng, Ukraine nên tách làm hai theo lập trường chính trị riêng, với một bên ủng hộ Nga và bên kia ủng hộ Châu Âu.
Tổng thống Putin họp về Ukraine
Trong khi báo chí phương Tây ra sức đưa những thông tin gây bất lợi cho Nga và có lợi cho phe đối lập Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin hôm nay (25/2) đã tổ chức một cuộc họp an ninh cấp cao với các quan chức hàng đầu của Nga. Cuộc họp này được triệu tập chỉ vài giờ sau khi báo chí phương Tây đưa tin về việc Moscow triển khai tàu chiến và binh lính đến khu vực Crimea của Ukraine.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho biết, vấn đề nổi cộm được bàn đến trong cuộc họp nói trên là tình hình ở Ukraine.
Ông chủ điện Kremlin cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ một phát biểu công khai nào về tình hình chính trị rối ren ở nước láng giềng Ukraine. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych hồi cuối tuần vừa rồi.
Các quan chức khác ở Nga cũng chỉ dừng lại ở mức lên án những diễn biến ở Ukraine, miêu tả đó là các hành động “cực đoan”, “khủng bố”. Nga cũng tuyên bố, họ không thể thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời hiện nay ở Ukraine.
Các quan chức tham dự cuộc họp an ninh do Tổng thống Putin chủ trì ngày hôm nay gồm có Thủ tướng Dmitry Medvedev; Ngoại trưởng Sergei Lavrov; Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu; Bộ trưởng Nội vụ Vladimir Kolokoltsev; Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện - Sergei Naryshkin và Valentina Matviyenko cùng với những người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa và nước ngoài - Alexander Bortnikov và Mikhail Fradkov.
Ảnh hưởng lớn của Nga đối với Ukraine được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Ukraine. Tuy nhiên, sau đó, phe đối lập đã đi xa hơn nữa bằng cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc