Phe đối lập chiếm thủ đô, Tổng thống Ukraine tháo chạy

18:13, 22/02/2014
|

(VnMedia) - Những người biểu tình ở Ukraine hôm nay (22/2) tuyên bố, họ đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kiev sau khi ký kết với chính phủ một thỏa thuận hòa bình do phương Tây làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ba tháng qua. Tổng thống đang gặp khó khăn của Ukraine – ông Viktor Yanukovych được cho là đã tháo chạy khỏi thủ đô.

 

Ảnh minh họa


Phe đối lập Ukraine chiếm thủ đô Kiev


Lực lượng cảnh sát đã bỏ trống các chốt chặn an ninh mà họ dựng lên xung quanh thủ đô và những người biểu tình đã tràn vào chiếm một loạt chốt chặn xung quanh văn phòng và khu dinh thự riêng của Tổng thống.

 

Lãnh đạo phe đối lập Ukraine – ông Vitali Klitschko cho Quốc hội biết: “Tổng thống đã rời thủ đô”. Ông Klitschko kêu gọi Quốc hội Ukraine thông qua một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Yanukovych từ chức “ngay lập tức” sau khi đã để cảnh sát dùng bạo lực đàn áp đẫm máu người biểu tình trong tuần qua.

 

"Theo yêu cầu của nhân dân, chúng ta cần phải thông qua một nghị quyết kêu gọi ông ấy từ chức ngay lập tức. Ngày hôm nay, Quốc hội là cơ quan quyền lực hợp pháp duy nhất còn lại”, nhà lãnh đạo đối lập Klitschko đã phát biểu như vậy tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội sáng ngày hôm nay.

 

Sáng nay, người ta không rõ Tổng thống Yanukovych đang ở đâu. Báo chí địa phương đưa tin, ông này đã rời khỏi thủ đô Kiev và chạy về quê hương bản xứ của mình ở phía đông Ukraine sau khi từ bỏ phần lớn quyền lực và đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào cuối năm nay.

 

Ngoài ông Klitschko, ông Andriy Parubiy – một thủ lĩnh của lực lượng biểu tình ở Quảng trường Độc lập hay còn gọi là Maidan, cũng đã nói với hãng tin Interfax rằng, Tổng thống Yanukovych đã chạy đến Kharkiv – trung tâm công nghiệp của đất nước Ukraine. Đây cũng là thủ đô của Ukraine thời Xô viết từ năm 1919 đến năm 1934.

 

Tuy nhiên, thông tin về việc Tổng thống Ukraine rời thủ đô chạy về quê hương của ông vẫn chưa được xác nhận.

 

Ông Parubiy còn cho biết, những người biểu tình hiện giờ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kiev . Cảnh sát hôm qua (21/2) đã rút ra khỏi các chốt an ninh của họ ở quận thủ phủ của Kiev và đêm qua đã trôi đi một cách yên bình.

 

Một nhóm người biểu tình đội mũ sắt và mang theo tấm khiên đang đứng bảo vệ ở ngay trước văn phòng của Tổng thống trong ngày hôm nay. Người ta không hề thấy bóng dáng của lực lượng cảnh sát.


Bầu cử sớm là không đủ với người biểu tình

Bất chấp sự nhượng bộ rất lớn mà Tổng thống Yanukovych đưa ra ngày hôm qua (21/2), một cuộc bầu cử vào cuối năm nay là không đủ với người biểu tình. Lực lượng biểu tình đổ hoàn toàn lỗi về tình trạng bạo lực đẫm máu trong mấy ngày qua ở nước này cho Tổng thống đồng thời cáo buộc ông này tập trung quá nhiều quyền hành trong tay. Họ muốn ông Yanukokych phải từ chức.

 

Lực lượng biểu tình đã la ó những nhân vật đối lập bước lên sân khấu tối qua để trình bày về thỏa thuận mà họ đạt được với Tổng thống, trong đó có điều khoản cắt giảm quyền lực của Tổng thống Yanukovych.

 

Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về việc bỏ phiếu luận tội ông Yanukovych và nhanh chóng ấn định một ngày để tổ chức cuộc bầu cử sớm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng liên quan đến bản sắc và định hướng tương lai của Ukraine . Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt thành viên trong đảng của ông Yanukovych lũ lượt “đào ngũ”, chạy sang phe đối lập. Điều đó đã giúp cho việc bỏ phiếu thông qua những sửa đối hiến pháp của Ukraine diễn ra suôn sẻ và dễ dàng. Theo hiến pháp được sửa đổi, quyền lực của Tổng thống Ukraine bị hạn chế rất nhiều.

 

Không rõ liệu có phiên bỏ phiếu luận tội Tổng thống hay không và nếu có thì khi nào nó sẽ diễn ra.

 

Trong một diễn biến khác có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Ukraine – ông Volodymir Rybak cũng là đồng minh của Tổng thống Yanukovych đã chính thức đệ đơn xin từ chức với lý do sức khỏe yếu. Đại diện của Tổng thống trong Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo về việc Ukraine bị chia cắt làm hai – một viễn cảnh mà nhiều người đang lo ngại nhưng ngày càng có khả năng xảy ra.

 

Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ nước này hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .

 

Mặc dù ban đầu là do không hài lòng với quyết định “quay lưng” với EU của chính quyền, những người biểu tình sau đó đã lấn tới bằng cách kêu gọi lật đổ Tổng thống và tiến hành một cuộc bầu cử sớm.

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc