(VnMedia) - Ngay trước thềm cuộc bầu cử đầy căng thẳng và có nguy cơ bùng phát bạo lực ở Thái Lan, phe biểu tình chống chính phủ đã phải hứng một đòn giáng bất ngờ. Điều này ít nhiều đem lại lợi thế cho nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong bối cảnh bà đang bị dồn ép, bao vây quyết liệt từ những thành phần chống đối.
![]() |
Nữ Thủ tướng Yingluck quyết liệt theo đuổi kế hoạch tổ chức bầu cử |
Tòa án Thái Lan hôm qua (1/2) đã phát lệnh bắt giữ 3 người biểu tình chống chính phủ Thái Lan, trong đó có một thủ lĩnh của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC), vì tội đã gây rối, cản trở cuộc bỏ phiếu sớm diễn ra ngày 26/1 vừa rồi.
Tòa án Hình sự Thái Lan đã phê chuẩn lệnh bắt giữ một trong những thủ lĩnh của PDRC – ông Issara Somchai, còn được gọi là “Saddam bé”, và một người biểu tình khác bị chụp ảnh khi đang bóp cổ một người đàn ông muốn bỏ lá phiếu của mình vào ngày 26/1.
Tòa án Hình sự Thái Lan vào giữa tuần tới sẽ tiếp tục đưa ra quyết định chính thức về việc có bắt giữ 19 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ khác, trong đó có ông Suthep Thaugsuban – lãnh đạo hàng đầu của PDRC, tờ Bangkok Post hôm qua đưa tin.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ đang ra sức đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ngăn cản cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (2/2) bằng cách chặn không cho các cơ quan chức năng phát phiếu bầu đến các điểm bầu cử ở một loạt khu vực như Nakhon Si Thammarat, Chumphon, Surat Thani, Krabi, Trang, Songkhla, Phuket, Phatthalung và thủ đô Bangkok.
Trong một diễn biến mới nhất, 7 người đã bị thương trong cuộc đụng độ giữa phe biểu tình chống chính phủ do PDRC dẫn dắt và lực lượng áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck ở ngay bên ngoài văn phòng quận Lak Si ở thủ đô
Ủy ban Bầu cử Thái Lan sau đó đã quyết định hoãn bỏ phiếu ở tất cả 158 điểm bỏ phiếu trong quận Lak Si sau khi những người biểu tình bao vây, chặn không cho những thùng phiếu được chuyển vào các điểm bỏ phiếu. Một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức sau đó cho quận này.
Thủ tướng Thái được bảo vệ nghiêm ngặt
Theo báo chí địa phương hôm nay (2/2) đưa tin, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và một số thành viên chủ chốt trong nội các sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt khi họ đi bỏ phiếu.
Động thái trên được đưa ra nhằm bảo vệ các nhân vật chính trị quan trọng trước những người biểu tình chống chính phủ đang tìm cách ngăn cản và phá hoại tiến trình bầu cử.
Trước đó, Thủ tướng Yingluck đã thông báo, bà sẽ thực thi quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu của mình đồng thời kêu gọi những người biểu tình đừng tìm cách biến đất nước Thái Lan thành một quốc gia phi dân chủ bằng cách phá hoại tiến trình bầu cử.
Trong khi đó, Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập – cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hôm qua tuyên bố, ông này sẽ không đi bỏ phiếu, gọi cuộc bầu cử hiện nay là “không hợp hiến”. Tuy vậy, các thành viên của Đảng Dân chủ được tự do quyết định có đi bỏ lá phiếu của họ hay không dù đảng này đã tuyên bố tẩy chay cuộc tổng tuyển cử, cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ Atthawit Suwanphakdi cho biết.
Không rõ có thành viên Đảng Dân chủ nào tham gia bỏ phiếu trong ngày hôm nay hay không nhưng theo luật của Thái Lan, chính khách nào không thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong cuộc bầu cử lần này sẽ không được tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Trước đó, một tờ báo có lượng phát hành hàng đầu của Thái Lan đã gọi những thành viên Đảng Dân chủ có ý định đi bỏ phiếu là những “kẻ đạo đức giả” khi một mặt ủng hộ lực lượng biểu tình quấy phá, cản trở tiến trình bầu cử nhưng mặt khác lại sẵn sàng tham gia vào cuộc bầu cử đó.
Cuộc bầu cử ở Thái Lan ngày hôm nay được dự báo sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng và có nguy cơ bùng phát bạo lực. Để đối phó với tình hình này, hơn 200.000 cảnh sát đã được huy động triển khai khắp toàn quốc trong ngày bầu cử để duy trì luật pháp và trật tự, ông Amnart An-atngam – một quan chức cảnh sát cho biết.
Ngoài ra, thêm 7.000 binh lính sẽ đóng vai trò hỗ trợ lực lượng cảnh sát ở những khu vực đang được áp đặt lệnh giới nghiêm từ hôm 22/1.
Cuộc bầu cử ngày hôm nay sẽ bắt đầu từ 8h sáng và kéo dài đến 3h chiều với tổng số 93.305 điểm bỏ phiếu được dựng lên trên khắp cả nước để 48,77 triệu cử tri hợp lệ đến từ 375 đơn vị bầu cử có thể đi thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, không phải tất cả kết quả của cuộc bỏ phiếu đều được công bố vào cuối ngày hôm nay. Nếu những người biểu tình khiến một số điểm bỏ phiếu phải đóng cửa trước 3h chiều thì những lá phiếu ở đó sẽ chưa được kiểm.
Ngoài ra, một cuộc bầu cử mới sẽ được tiến hành vào ngày 23/2 cho hàng loạt đơn vị bầu cử chưa tiến hành được cuộc bỏ phiếu do bị cản trở bởi những người biểu tình. Như vậy, một số đơn vị bầu cử sẽ phải mất nhiều thời gian để kiểm phiếu.
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở đất nước Thái Lan bắt đầu bùng lên từ tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, đây không phải là một cuộc khủng hoảng mới mà nó là tiếp nối của cuộc đấu tranh giành quyền lực kéo dài suốt 8 năm qua. Kể từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của Thủ tướng lâm thời Yingluck bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006, chính trường Thái Lan đã trở thành nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa một bên là lực lượng ủng hộ ông Thaksin (còn gọi là áo đỏ) và bên kia là những thành phần chống lại ông này (áo vàng).
Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng đang mỗi lúc một nghiêm trọng hiện nay, Thủ tướng Yingluck đã giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, phe biểu tình không chấp nhận bước đi này, đòi phải dựng lên một hội đồng nhân dân không do dân bầu lên để thay thế chính quyền của bà Yingluck. Hội đồng này sẽ giám sát các cải cách chính trị trước khi tiến hành bất kỳ cuộc bầu cử nào. Tuy nhiên, đòi hỏi của phe biểu tình không được chấp nhận.
Ý kiến bạn đọc