(VnMedia) - Thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban hôm qua (19/2) cho biết, có một người đã liên lạc với ông và nói với ông rằng nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẵn sàng từ chức với điều kiện bà được quyền lựa chọn người kế nhiệm.
Lực lượng cảnh sát và người biểu tình đã có cuộc đụng độ đẫm máu trong ngày 18/2. |
Ông Suthep còn cho hay, “tôi đã bảo với người đó rằng, nhân dân Thái Lan sẽ không bao giờ đầu hàng trước bà Yingluck. Chúng tôi chẳng còn gì để mất. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi chỉ còn lại một người duy nhất. Không đàm phán, không thỏa hiệp”.
Không rõ thông tin được thủ lĩnh biểu tình đưa ra ở trên chính xác đến đâu nhưng nếu được xác nhận là đúng thì có vẻ như Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan đã “buông tay” trước sức ép quá lớn từ lực lượng biểu tình.
Từ hồi cuối năm ngoái, những người biểu tình đã phát động chiến dịch nhằm dồn ép, bao vây Thủ tướng Yingluck với mục tiêu buộc chính quyền của bà phải từ chức. Mặc dù đã có nhiều nhượng bộ và đã kiên nhẫn suốt một thời gian dài nhưng bà Yingluck không thể tháo gỡ được cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra hiện nay ở đất nước Thái Lan.
Trong một diễn biến mới nhất, thủ lĩnh Suthep vừa tuyên bố, cuộc chiến chống lại Thủ tướng Yingluck sẽ được đẩy cao lên, bắt đầu từ ngày hôm qua (19/2) sau khi chính phủ phản ứng thái quá trong chiến dịch đàn áp người biểu tình.
4 người biểu tình và 1 cảnh sát đã thiệt mạng cùng với 66 người khác bị thương trong cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát với người biểu tình hôm 18/2 ở Cầu Phan Fah và Đại lộ Ratchadamnoen gần đó.
Thêm khó khăn cho bà Yingluck
Sau khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, một tòa án của Thái Lan hôm qua (19/2) đã ra phán quyết, trong đó nói rằng Thủ tướng Yingluck Shinawatra không thể sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình. Phán quyết này thực sự đã gây bất lợi cho chính phủ Thái Lan trong việc đối phó với làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua.
Tòa án Dân sự Thái Lan còn được yêu cầu xem xét lại sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính phủ của bà Yingluck áp đặt ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận từ ngày 21/1 với thời hạn kéo dài 60 ngày. Sau khi xem xét, tòa án trên đã hủy bỏ một loạt quy định trong sắc lệnh tình trạng khẩn cấp như lệnh cấm tụ tập trên 5 người và lệnh cấm người biểu tình tiếp cận một số khu vực. Theo lý giải của tòa án, họ hủy bỏ những quy định trên bởi chúng vi phạm quyền tụ tập của những người biểu tình theo hiến pháp. Tòa Dân sự xét xử vụ án ở cấp độ sơ thẩm và quyết định của tòa án này có thể được xem xét lại bởi các tòa án ở cấp cao hơn như Tòa án Phúc thẩm hay Tòa án Tối cao.
Tuy nhiên, Tòa án Dân sự cũng bác bỏ yêu cầu của thủ lĩnh biểu tình đòi dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, nói rằng bà Yingluck có quyền áp đặt sắc lệnh đó để đối phó với tình hình nguy cấp. Thủ tướng Yingluck đã buộc phải ban hành sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sau khi những người biểu tình chống chính phủ tiến hành phong tỏa 7 giao lộ chính ở Bangkok và bao vây một loạt văn phòng chính phủ từ hồi tháng trước trong một nỗ lực làm tê liệt hoàn toàn thủ đô.
“Phán quyết của Tòa án Dân sự đã làm chúng tôi cảm thấy tự tin hơn bởi chính phủ sẽ phải thận trọng hơn. Nó giống như việc chính phủ có thể cầm một khẩu súng nhưng không thể dùng nó để bắn vào người biểu tình”, ông Thaworn Senniam – một thủ lĩnh biểu tình đã nói như vậy.
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia – ông Paradorn Pattanatabut cho biết, các qua chức an ninh sẽ chú ý đến lệnh của tòa án. Tuy nhiên, chính phủ có thể kháng cáo nếu nỗ lực lấy lại các khu vực bị người biểu tình chiếm đóng bị cản trở, ông Paradorn cho hay.
Lực lượng biểu tình tuyên bố săn đuổi Thủ tướng Yingluck
Được khích lệ bởi phán quyết của Tòa án Dân sự, những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan hôm qua tuyên bố, họ sẽ “săn đuổi” đến cùng Thủ tướng Yingluck.
Dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Suthep, lực lượng biểu tình đầy thách thức đi trên đoàn xe gồm 200 chiếc hôm qua đã tiến tới bao vây văn phòng tạm thời của bà Yingluck tại trụ sở của Bộ Quốc phòng ở phía bắc thủ đô Bangkok. Đây là nơi bà Yngluck và các thành viên nội các của bà đã làm việc từ tháng 12 năm ngoái sau khi Tòa nhà Chính phủ bị bao vây, chiếm đóng.
Ông Suthep tuyên bố, lực lượng của ông sẽ săn đuổi Thủ tướng Yingluck ở bất kỳ nơi nào bà này đi và sẽ nhằm mục tiêu vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu của gia đình Shinawatra giàu có.
"Bà ấy đi bất kỳ đâu, ngủ bất kỳ đâu, chúng tôi cũng sẽ săn đuổi bà ấy. Chúng tôi phải đẩy mạnh cuộc chiến của chúng tôi và chúng tôi sẽ tấn công các doanh nghiệp của gia đình Shinawatra cũng như các nguồn tài chính của họ”, ông Suthep phát biểu đầy cứng rắn trước người biểu tình.
Những phát biểu thách thức và quyết liệt được thủ lĩnh biểu tình Suthep đưa ra sau khi chính phủ lâm thời Thái Lan triển khai hàng nghìn cảnh sát nhằm giải tán người biểu tình ra khỏi các khu vực mà họ chiếm đóng trong nhiều tháng qua ở thủ đô Bankok.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc