Nga tập trận sát nách Ukraine, Mỹ "phát sốt"

08:36, 27/02/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (26/2) đã bất ngờ ra lệnh cho lực lượng không quân và lục quân tập trận rầm rộ ở ngay cửa ngõ Ukraine . Diễn biến này đã khiến Mỹ lo lắng và nhanh chóng đưa ra lời cảnh báo đối với Nga.

 

Ảnh minh họa

 Ngoại trưởng Mỹ Kerry cảnh báo Nga không được đưa quân vào Ukraine


Cuộc tập trận của Nga ở dọc biên giới với Ukraine có sự tham dự của 150.000 binh lính. Nga đã đặt hàng nghìn binh lính của mình ở Quân khu Phía Tây vào tình trạng báo động lúc 2h chiều qua để thực hiện một cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến hết ngày 3/3. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei K. Shoigu cũng thông báo những biện pháp nhằm thắt chặt an ninh ở trụ sở của Hạm đội Biển Đen trên bán đảo Crimea của Ukraine nhưng ông này không cho biết cụ thể đó là những biện pháp gì.

 

Việc Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng không quân và lục quân tiến hành một cuộc tập trận bất ngờ và rầm rộ ở ngay của ngõ Ukraine ngày hôm qua được cho là nhằm để thể hiện sự sẵn sàng của quân đội Nga trong thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng phía tây của Nga.

 

Cuộc tập trận của lực lượng Nga cũng diễn ra trong bối cảnh hàng ngàn người gốc Nga đang tụ tập ở bên ngoài tòa thị chính của thành phố Simferopol, thủ phủ của khu vực tự trị Crimea ở Ukraine, để thể hiện sự ủng hộ đối với Nga và phản đối cuộc chính biến diễn ra hồi cuối tuần, khiến chính quyền của Tổng thống Viktor F. Yanukovych sụp đổ. Crimea là một phần của lãnh thổ Nga cho đến khi Liên Xô trao lại cho Ukraine năm 1954. Những người gốc Nga ở Crimea đang khẩn thiết đề nghị Kremlin can thiệp để bảo vệ khu vực cũng như người dân ở đây trước bộ máy lãnh đạo mới ở Ukraine .

 

Cuộc tập trận quân sự rầm rộ của Nga đã khiến Mỹ và phương Tây lo ngại. Chính phủ các nước phương Tây đã nhanh chóng đưa ra lời cảnh báo nhằm vào Nga.

 

Phát biểu trước một nhóm phóng viên nhỏ ở thủ đô Washington trong ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói rằng, điều quan trọng là người Nga phải “chú ý đến những lời cảnh báo khi họ nghĩ về những sự lựa chọn ở quốc gia có chủ quyền Ukraine và tôi tin chắc rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào xâm phạm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều là một sai lầm to lớn và nghiêm trọng”.

 

Ngoại trưởng Kerry không cho biết cụ thể Mỹ chuẩn bị phản ứng như thế nào nếu Nga can thiệp quân sự vào nước láng giềng phía tây.

 

Đây là lần thứ hai giới chức Mỹ cảnh báo việc Nga đưa quân vào Ukraine sẽ là “sai lầm nghiêm trọng”. Lời cảnh báo sẽ làm gia tăng mối nghi ngờ của Nga về các ý định của phương Tây ở Ukraine .

 

Tuy nhiên, ông Kerry cũng nhấn mạnh, Mỹ không xem Ukraine là một chiến trường Đông-Tây.

 

Bản thân Tổng thống Putin đến giờ vẫn chưa đưa ra bất kỳ phát biểu công khai nào về tình hình Ukraine nhưng giới chức cấp cao của Nga nhiều lần khẳng định, Nga sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng phía Tây. Moscow cũng kêu gọi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) làm như vậy.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow .

 

Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

 

Mỹ và EU đang vừa ngấm ngầm vừa công khai hậu thuẫn cho phe đối lập ở Ukraine . Lực lượng này dù đã ký kết thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Yanukovych dưới sự giám sát của EU và Nga nhưng đã nhanh chóng phá vỡ thỏa thuận, chiếm thủ đô và lật đổ chính quyền của ông Yanukovych. Điều đáng nói là ngay sau vụ “đảo chính” trên, phương Tây đã nhanh chóng thừa nhận và hậu thuẫn cho chính quyền mới ở Ukraine . Trong khi đó, Nga chưa công nhận tính hợp pháp của chính quyền do phe đối lập dựng lên và tuyên bố chỉ làm việc với Ukraine khi một chính phủ mới chính thức được thành lập.

 

Ngoại trưởng Kerry hôm qua vừa thông báo, Mỹ đang cân nhắc gọi viện trợ 1 tỉ USD cho Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở nước này. Trong khi đó, chính phủ lâm thời Ukraine đang cuồng cuồng đẩy nhanh tiến trình thành lập chính phủ mới để có thể tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Ukraine đang đứng trước bờ vực của một cuộc đổ vỡ về tài chính. Chính quyền lâm thời đã chọn ông Arseniy P. Yatsenyuk làm Thủ tướng. Ông Yatsenyuk là một quan chức kỳ cựu của chính quyền, từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Kinh tế và Quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương.

 

Giới lãnh đạo lâm thời ở Ukraine cũng tuyên bố giải tán lực lượng cảnh sát chống bạo động có tên là Berkut. Berkut bị cáo buộc bắn vào người biểu tình ở Quảng trường Độc lập giữa thủ đô Kiev trong các cuộc biểu tình hồi tuần trước.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc