Nga chính thức trả lời về cáo buộc xâm chiếm Ukraine

21:11, 28/02/2014
|

(VnMedia) - Hạm đội Biển Đen của Nga hôm nay (28/2) đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thẳng thừng những thông tin cho rằng binh lính của họ vừa xâm chiếm sân bay Belbek của Ukraine. "Không có tiểu đoàn nào của Hạm đội Biển Đen tiến vào khu vực Belbek chứ đừng nói là phong tỏa và chiếm đóng sân bay đó”, phát ngôn viên của Hạm đội Biển Đen Nga khẳng định.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


"Trong bối cảnh tình hình bất ổn xung quanh các căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Crimea và ở những nơi các binh lính của chúng tôi đang trú ngụ cùng với gia đình họ, chúng tôi đã tăng cường an ninh ở những khu vực đó bằng việc triển khai một loạt đơn vị chống khủng bố của Hạm đội”, một quan chức thuộc Hạm đội Biển Đen Nga cho biết:.
 
Một nguồn tin đáng tin cậy vừa mới đây đã tiết lộ với giới phóng viên rằng, theo các thông tin được cập nhật mới nhất, Sân bay Belbek Airport, gần Sevastopol, đã nằm trong quyền kiểm soát của các đơn vị phòng thủ ở Crimea từ lúc 23h tối qua (27/2). Theo nguồn tin trên, các binh lính Nga chẳng có liên quan gì đến những diễn biến xảy ra ở khu vực sân bay. Các đơn vị phòng thủ ở Crimea không có phù hiệu trên quân phục. Họ tuyên bố muốn kiểm soát sân bay để ngăn chặn bất kỳ chiến binh nào tiếp cận vào đây.
 
Trước đó, các nguồn tin từ chính phủ lâm thời thân phương Tây của Ukraine rộ lên tin cho rằng, lính Nga xông vào chiếm đóng Sân bay Belbek gần Sevastopol. Bản thân Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine trực tiếp lên tiếng cáo buộc Nga xâm lược vũ trang khu vực sân bay ở Crimea.
 
Hạm đội Biển Đen Nga đến giờ vẫn tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận quốc tế cơ bản, Cục Thông tin và Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
 
"Liên quan đến những cáo buộc cho rằng Nga vi phạm các thỏa thuận liên quan đến Hạm đội Biển Đen, chúng tôi tuyên bố, trong tình hình khó khăn hiện tại, Hạm đội Biển Đen vẫn đang tuân thủ nghiêm túc mọi thỏa thuận đã ký”, các hãng tin Nga dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
 
Theo nguồn tin trên, “hoạt động di chuyển của các đơn vị thiết giáp của Hạm đội Biển Đen Nga được thực hiện tuân theo những thỏa thuận cơ bản và không cần phải có sự phê chuẩn của một ai đó”.
 
Những phát biểu trên của giới chức Nga là một câu trả lời rõ ràng cho những cáo buộc và tin đồn vô căn cứ về việc binh lính Nga xâm lược vũ trang khu vực tự trị Crimea của Ukraine.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.

Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Ukraine đang bị chia rẽ giữa một bên là lực lượng thân Nga và bên kia là phe thân phương Tây.
 
Sau khi phe đối lập thực hiện một cuộc “đảo chính” lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych, Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng thừa nhận và hậu thuẫn cho chính quyền lâm thời mới ở Ukraine. Trong khi đó, Nga chưa công nhận tính hợp pháp của chính quyền do phe đối lập dựng lên và tuyên bố chỉ làm việc với Ukraine khi một chính phủ mới chính thức được thành lập. Trong bối cảnh này, báo chí Ukraine và phương Tây đã “tung” không ít những thông tin gây bất lợi cho Nga.
 
Ukraine đòi Liên Hợp Quốc họp khẩn
 
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Ukraine, Quốc hội lâm thời của quốc gia Đông Âu vừa mới lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn về “các vấn đề thời sự” ở đất nước họ, hãng tin Interfax-Ukraine đưa tin.
 
Quốc hội Ukraine hôm nay đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi tiến hành một cuộc họp của Liên Hợp Quốc để xem xét tình hình mỗi lúc một căng thẳng ở Ukraine liên quan đến các hoạt động ly khai ở khu vực tự trị nói tiếng Nga - Crimea.
 
Trong nghị quyết này, Quốc hội lâm thời Ukraine cũng đòi Nga phải ngừng ngay cái gọi là “sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” và “không ủng hộ cho chủ nghĩa ly khai”.
 
Nghị quyết trên trích dẫn đến Bản Ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó bảo đảm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo biên bản ghi nhớ này, Mỹ, Nga và Anh là những người bảo đảm cho chủ quyền của Ukraine và 3 nước này có thể can thiệp vào khi xung đột nổ ra ở quốc gia Đông Âu.
 
Quốc hội Ukraine cũng yêu cầu 3 nước trên nhanh chóng tiến hành những cuộc tham vấn với Kiev để tháo gỡ tình hình căng thẳng và khôi phục lại niềm tin chung.
 
Hiện tại, tình hình ở khu tự trị Crimea đang rất căng thẳng và bất ổn, Ngoại trưởng lâm thời Ukraine – ông Andriy Deshchytsya cho biết. Ukraine kêu gọi Nga tổ chức các cuộc đàm phán song phương về tình hình ở Crimea nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Moscow, ông Deshchytsya nói thêm.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc