(VnMedia) - Báo chí đã quay lại được hình ảnh Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh và đầy lạ lùng với giới lãnh đạo đối lập của Ukraine rằng, nếu họ không ủng hộ một thỏa thuận với chính phủ nước này thì tất cả họ sẽ chết.
|
Ông Radoslaw Sikorski là một trong 3 vị Ngoại trưởng của Châu Âu tham gia vào tiến trình làm trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm một thỏa thuận kết thúc cuộc đổ máu đáng sợ trong mấy ngày qua giữa chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych với phe đối lập.
Hãng tin ITV đã quay lại được hình ảnh Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski nói với các nhà lãnh đạo của phe đối lập Ukraine rằng, nếu không ký vào thỏa thuận với chính phủ của Tổng thống Yanukovych, lực lượng biểu tình sẽ phải đối mặt với thiết quân luật và chính quyền Ukraine sẽ phái quân đội đến xử lý.
“Nếu các bạn không ủng hộ thỏa thuận đó, các bạn sẽ đối mặt với thiết quân luật, với quân đội. Và tất cả các bạn sẽ chết”, ông Sikorski đã đưa ra lời cảnh báo đáng sợ như vậy.
Khi được hỏi, liệu có phải ông đang tìm cách thuyết phục phe đối lập Ukraine hay không, Ngoại trưởng Ba Lan tỏ vẻ mệt mỏi và chán nản trả lời: “Tôi không biết”.
Sau giờ nghỉ giải lao giữa các cuộc đàm phán, các ngoại trưởng trở lại bàn đàm phán và ngay sau đó thông báo được phát đi rằng, phe đối lập Ukraine đã chấp nhận ký vào bản thỏa thuận với chính phủ.
Khi được đề nghị xác nhận về lời cảnh báo sắc lạnh mà Ngoại trưởng Ba Lan đưa ra cho giới lãnh đạo phe đối lập Ukraine, ông này đã khẳng định với hãng tin ITV rằng, lời đe dọa về thiết quân luật là có thực. "Theo tôi biết, Bộ Nội vụ Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng”, ông Sikorski cho biết.
Lời cảnh báo đầy lạ lùng trên của Ngoại trưởng Ba Lan đối với phe đối lập Ukraine chắc chắn sẽ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại dù các nước đang gây sức ép mạnh mẽ để Ukraine tìm kiếm một thỏa thuận nhằm kết thúc tình trạng bạo lực đẫm máu bùng lên từ hôm 18/2 và cướp đi sinh mạng của gần 100 người.
Hy vọng và lo ngại
Trong khi người ta hy vọng thỏa thuận vừa được ký kết giữa chính phủ Ukraine và phe đối lập sẽ ngăn không cho quốc gia Đông Âu rơi vào một cuộc nội chiến thì thông tin về việc phe đối lập đã bị đe dọa sẽ rất khó để chấp nhận.
Thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập Ukraine đạt được sau gần 24 giờ đồng hồ diễn ra các hoạt động ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ của Ngoại trưởng 3 nước Châu Âu và một phái đoàn của chính phủ Nga do cựu thanh tra nhà nước Vladimir Lukin dẫn đầu. Theo thỏa thuận này, chính phủ Ukraine đã chấp nhận tiến hành bầu cử sớm, trở lại hiến pháp của năm 2004 và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Được biết, Tổng thống Yanukovych đã ký thỏa thuận với 3 lãnh đạo đảng đối lập gồm ông Arseny Yatsenyuk, Vitalty Klitchko và Oleh Tyahnybok vào lúc 4h chiều qua (21/1).
Thỏa thuận mà hai bên đạt được đã đáp ứng một số những yêu cầu then chốt mà lực lượng biểu tình đưa ra. Cụ thể, việc trở lại hiến pháp năm 2004 sẽ tước đi nhiều quyền điều hành của Tổng thống Yanukovych.
Theo các nguồn tin, ban đầu, 3 lãnh đạo đối lập Yatsenyuk, Klitchko và Tyahnybok đã từ chối ký ngay vào thỏa thuận mà muốn tham khảo ý kiến của những người biểu tình. Dấu hiệu này cho thấy, các nhà lãnh đạo đối lập lo ngại sẽ không thuyết phục được đám đông biểu tình ngày một cứng rắn và kiên quyết đòi Tổng thống Yanukovich từ chức.
Hiện vẫn chưa rõ tất cả những người biểu tình trong liên minh đối lập gồm nhiều thành phần này có thực hiện nghiêm túc thỏa thuận nói trên hay không những tiết lộ về lời cảnh báo lạ lùng của Ngoại trưởng Ba Lan có thể sẽ là cái cớ để các nhóm cực đoan tiếp tục chiến dịch của họ.
Trong số những người biểu tình ở Maidan, thái độ của họ với đề nghị tổ chức bầu cử sớm của Tổng thống Yanukovych và quay trở lại hiến pháp 2004 được miêu tả rõ nhất trong từ “thờ ơ”.
"Không còn thỏa thuận nào có ý nghĩa với chúng tôi. Đã có cơ hội để thỏa hiệp nhưng ông Yanukovych đã bỏ qua. Ông ấy có hai sự lựa chọn – đi sống lưu vong hoặc vào tù", một người biểu tình đã nói như vậy.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa chính phủ Ukraine và phe đối lập.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon hôm qua cho biết, ông cảm thấy “được khích lệ” trước tin về việc Tổng thống Viktor Yanukovych và giới lãnh đạo phe đối lập đã tìm được tiếng nói chung về tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Ban nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng thực thi thỏa thuận để “làm dịu căng thẳng trong tình hình ở đất nước” Đông Âu.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng ca ngợi thỏa thuận giữa chính phủ Ukraine và phe đối lập mà theo đó sẽ mở ra con đường cho một cuộc bầu cử sớm trong năm nay. "Thỏa thuận đó là một sự nhượng bộ cần thiết để khởi động một cuộc đối thoại chính trị không thể thiếu được bởi đây là cách hòa bình và dân chủ duy nhất để đưa Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng đã gây ra quá nhiều nỗi thống khổ và đổ máu cho tất cả các bên”, ông Herman Van Rompuy – Chủ tịch Hội đồng Châu Âu đã phát biểu như vậy. Theo ông này, “bây giờ là trách nhiệm của tất cả các bên để thể hiện sự dũng cảm và biến lời nói thành hành động vì tương lai của đất nước Ukraine.
Về phía Mỹ, chính quyền Obama mặc dù khen ngợi thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập Ukraine nhưng cũng không quên cảnh báo đây là thỏa thuận mong manh và rất khó để có thể thuyết phục những người biểu tình cực đoan hạ vũ khí. Vì thế, Mỹ kêu gọi Ukraine nhanh chóng thực hiện thỏa thuận này.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc