(VnMedia) - Trong bối cảnh đàm phán hòa bình đổ vỡ, chính phủ Syria tiếp tục mạnh lên và phe nổi dậy ôn hòa đang bị các nhóm có liên quan đến Al-Qaeda đẩy dạt sang một bên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang phải loay hoay tìm kiếm những lựa chọn mới nhằm chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu trong tình thế gần như bế tắc này, Mỹ có định can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria hay không?
Ảnh minh hoạ |
Vượt ra ngoài biên giới Syria, cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này đang ngày càng trở thành mối đe dọa an ninh lớn hơn đối với nước Mỹ. Đây là nhận định được nhiều nhà phân tích chia sẻ. Đối mặt với nguy cơ này, giới chức Mỹ đang phải tìm kiếm cách nhìn mới, cách tiếp cận mới đối với những lựa chọn mà họ đã gạt sang một bên trước đây, trong đó có sự lựa chọn về việc giúp đỡ phe nổi dậy tích cực hơn.
Giới chức Mỹ cũng đang xem xét những sự lựa chọn mới hơn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn, trong đó có các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các thành phần nổi dậy có ý định tấn công vào nước Mỹ mặc dù những cuộc tấn công như vậy được cho là chưa thể thực hiện vào thời điểm này.
Mỹ vẫn bị bó buộc trong những giới hạn đã cản trở khả năng phản ứng của họ trong suốt cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua ở Syria, trong đó có mối quan ngại về việc nếu Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí gây sát thương cho phe nổi dậy Syria thì số vũ khí này có thể rơi vào tay lực lượng cực đoan. Và hơn hết, Tổng thống Barack Obama không hề thích thú với viễn cảnh thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Tổng thống Obama hiện giờ vẫn chưa thông qua bất kỳ sự thay đổi chính sách nào đối với tình hình Syria. Các cố vấn hàng đầu của ông Obama có kế hoạch gặp gỡ tại Nhà Trắng trước cuối tuần này để cân nhắc các lựa chọn. Tiến trình này được cho là sẽ phải mất nhiều tuần. Tuần trước, các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ và nhiều nước khác nhau đã có cuộc gặp ở thủ đô Washington.
Dù sẵn sàng tìm kiếm các lựa chọn cho tình hình ngày một xấu đi ở Syria, Nhà Trắng vẫn phát đi tín hiệu về việc ông Obama không có ý định dùng bất kỳ sự lựa chọn nào liên quan đến một chiến dịch can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông.
Phát biểu một cách đầy thận trọng, phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Jay Carney hôm qua (18/2) cho biết: "Chúng tôi phải cân nhắc những lựa chọn được đề xuất và xem xem liệu chúng có phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia". Ông Carney cũng nói thêm rằng, chính quyền Mỹ còn lo ngại, việc đẩy mạnh sự can thiệp vào tình hình Syria có thể sẽ gây ra “những hậu quả không mong muốn”.
Ông Carney không nói cụ thể nhưng dường như những phát biểu của ông ám chỉ đến việc Tổng thống Obama có mong muốn tránh bị lôi vào một cuộc chiến tranh khác trong thế giới Hồi giáo.
Thiếu biện pháp quân sự, không rõ Washington sẽ làm thế nào để có thể tác động đến tiến trình của cuộc nội chiến Syria.
Ngoại trưởng John Kerry đã tranh luận tại nhiều cuộc họp của Nhà Trắng về việc Mỹ cần phải có một lập trường quyết liệt hơn, mạnh tay hơn với Syria, trong đó có việc trang bị vũ khí cho các phe nhóm đối lập. Tuy vậy, biện pháp cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria cũng đã nhiều lần bị Nhà Trắng bác bỏ.
Với việc các cuộc đàm phán hoà bình đã đổ vỡ và Nga không sẵn sàng gây áp lực với đồng minh Assad, chính sách của Mỹ đối với Syria được cho là đang đứng giữa ngã ba đường.
Mỹ sẽ ra tay với thành phần cực đoan ở Syria?
Song song với việc tìm kiếm các lựa chọn cho tình hình Syria, Mỹ được cho là cũng đang cân nhắc khả năng mạnh tay với những thành phần cực đoan đang lấn lướt trong nội bộ phe nổi dậy.
Trong những tuần gần đây, các cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Obama đã liên tục “tung” ra những cảnh báo sắc lạnh nhằm vào thành phần cực đoan ở Syria cũng như lực lượng chiến binh người Mỹ, phương Tây đang tham gia vào cuộc chiến ở Syria và đang bị cực đoan hoá.
"Syria đã trở thành vấn đề an ninh nội địa” của Mỹ, Bộ trơngr An ninh Nội địa Mỹ - ông Jeh Johnson tháng này cho biết.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ - ông James Clapper ước tính, có khoảng 26.000 chiến binh cực đoan đang hoạt động ở Syria, trong đó có 7.000 chiến binh nước ngoài. Jabhat al-Nusra – một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất trong nội bộ phe nổi dậy, đang có “mong muốn” tấn công vào nước Mỹ, ông Clapper cho biết.
Dù thế nào thì chính sách hiện nay của Mỹ trong việc cung cấp viện trợ quân sự hạn chế cho phe nổi dậy ôn hoà của Syria cùng với việc tổ chức các cuộc đàm phán hoà bình do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian đã không phát huy tác dụng.
Chính quyền Mỹ giờ đây cũng phải thừa nhận, Tổng thống Assad ngày càng nắm chặt quyền lực hơn.
Đối với Tổng thống Obama, Syria không phải là một câu trả lời dễ dàng. Sau hơn một thập kỷ chiến đấu ở Afghanistan và Iraq, ông chủ Nhà Trắng đang tuyệt vọng tìm cách tránh kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến chết người và dai dẳng khác. Từ năm ngoái, ông Obama đã rút lui khỏi những lời đe doạ liên quan đến việc phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc