Còn quá sớm để Thủ tướng Thái tuyên bố chiến thắng?

19:16, 03/02/2014
|

(VnMedia) - Chính phủ lâm thời Thái Lan do nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra dẫn đầu đã tuyên bố “chiến thắng” sau khi cuộc bầu cử ở nước này kết thúc ngày hôm qua (2/2) với hoạt động bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ tại gần 90% trong số 375 đơn vị bầu cử.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Bà Yingluck đã cảm ơn các nhân viên an ninh và cử tri vì đã “giúp duy trì nền dân chủ” ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Mặc dù cuộc bầu cử đã diễn ra khá yên bình và không có bạo lực nhưng số lượng cử tri đi bỏ phiếu là rất thấp. Theo ước tính của Ủy ban Bầu cử Thái Lan, trong tổng số 48,7 triệu cử tri hợp pháp, có khoảng 12 triệu người (25%) không đi bỏ phiếu hoặc bị ngăn cản không được bỏ phiếu.

 

Ở một số khu vực, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 20%, thấp hơn nhiều so với các cuộc bầu cử trước đó.

 

Hoạt động kiểm phiếu đã được hoàn tất nhưng Ủy ban Bầu cử Thái Lan quyết định hoãn công bố kết quả vì một số vấn đề, trong đó đáng chú ý là việc một số đơn vị bầu cử chưa thực hiện được hoạt động bỏ phiếu vì sự ngăn cản của lực lượng biểu tình. Vì thế, dự kiến, kết quả bầu cử chỉ có thể được công bố vào cuối tháng này.

 

Mặc dù kết quả chưa được công bố nhưng Đảng Pheu Thai của nữ Thủ tướng Yingluck được cho là sẽ giành chiến thắng tuyệt đối.

 

Bà Yingluck đã không giấu nổi sự hài lòng sau khi cuộc tổng tuyển cử ngày hôm qua diễn ra khá suôn sẻ, yên bình, không có bạo lực, thương vong và phần đông các đơn vị bầu cử đã hoàn thành nhiệm vụ của họ. Có vẻ như nữ Thủ tướng Yingluck đã vượt qua được thách thức đầu tiên.

 

Khó khăn phía trước

Tuy nhiên, giới quan sát chính trị tin rằng, vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng vì khả năng kết quả bầu cử bị hủy bỏ vì các nguyên nhân pháp lý là không thể loại trừ.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan – ông Chalerm Yoobamrung dự đoán, Đảng Pheu Thai của bà Yingluck sẽ giành từ 265 đến 280 ghế trong tổng số 500 ghế trong Hạ viện Thái Lan. Trong khi đó, các đảng phái chính trị nhỏ hơn chỉ giành được một vài hoặc vài chục ghế. Đây là kết quả được dự báo từ trước bởi Đảng Pheu Thai vốn nhận được sự ủng hộ rộng khắp của những người nông thôn, người nghèo chiếm đa số ở đất nước Thái Lan.

 

Tuy nhiên, trở ngại thực sự mà Đảng Pheu Thai phải vượt qua nếu muốn duy trì quyền lực là họ phải làm sao đảm bảo có đủ tối thiểu 95% số ghế trong Quốc hội, tương đương 475/500 ghế. Nếu không đạt con số này, Quốc hội mới của Thái Lan sẽ không thể hoạt động.

 

Bất chấp tiến trình bỏ phiếu đã được hoàn thành ở gần 90% trong số hơn 90.000 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước thì 69 đơn vị bầu cử ở 18 tỉnh vẫn chưa hoàn thành việc bỏ phiếu. Vì thế, ở những nơi này sẽ chưa thể có được một thành viên của Quốc hội. Ở 28 trong số 69 đơn vị bầu cử, ngay cả việc đăng ký tranh cử của các ứng cử viên vẫn còn chưa thực hiện đợi bởi sự chống phá của lực lượng biểu tình.

 

Trong bối cảnh như hiện tại thì chỉ có tối đa 431 nghị sĩ được bầu, còn kém xa so với con số tối thiểu 475 nghị sĩ cần có để Quốc hội có thể hoạt động.

 

Ủy ban Bầu cử Thái Lan đang cân nhắc tiến hành các cuộc bỏ phiếu phụ trong khoảng 12 triệu cử tri chưa thể thực hiện quyền của họ trong cuộc bỏ phiếu sớm ngày 26/1 và cuộc bầu cử chính thức ngày 2/2 vừa qua.

 

Ủy ban Bầu cử Thái Lan trước đó quyết định sẽ tổ chức một cuộc bầu cử phụ vào ngày 23/2. Cơ quan này cũng đang cân nhắc cho các ứng cử viên tái đăng ký tranh cử ở 28 đơn vị bầu cử đang thiếu số lượng ứng cử viên, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thái Lan – ông Supachai Somcharoen cho biết.

 

Tuy nhiên, việc cho 12 triệu cử tri cơ hội thứ hai để thực hiện quyền bỏ phiếu có thể là hành động mạo hiểm bởi Hiến pháp Thái Lan quy định, cuộc tổng tuyển cử không được tổ chức quá một ngày để đảm bảo tính công bằng.

 

Với việc chưa có tiền lệ tổ chức thêm một cuộc bầu cử phụ nào, việc Ủy ban Bầu cử tiến hành thêm các cuộc bỏ phiếu cho 12 triệu cử tri có thể cấu thành lên những cơ sở để phe đối lập tìm cách làm cho kết quả bầu cử trở nên mất hiệu lực, ông Supachai nhận định.

 

Một số nguồn tin cho biết, các thành viên của Đảng Dân chủ đối lập đã đệ đơn kiện đòi tòa án tuyên bố kết quả cuộc bầu cử ngày hôm qua là vô giá trị với lý do cuộc bầu cử này không diễn ra đúng một ngày như hiến pháp quy định.

 

Hơn nữa, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp là một vấn đề khác mà chính phủ của bà Yingluck phải lo ngại. Nhiều tỉnh, trong đó có những tỉnh ít bị hoặc thậm chí là không bị người biểu tình cản trở, đã thông báo về tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp một cách bất thường. Cụ thể, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các tỉnh phía nam – thành trì ủng hộ chính của Đảng Dân chủ đối lập, ước tính chỉ vào khoảng 20 đến 30%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trong các cuộc bầu cử trước. Số lượng phiếu trống cũng khá cao ở nhiều tỉnh.

 

Luật bầu cử Thái Lan quy định rõ rằng, ở những đơn vị bầu cử chỉ có một ứng cử viên, ứng cử viên đó cần phải được sự ủng hộ của ít nhất 20% cử tri thì mới có thể trở thành thành viên của Quốc hội. Nếu không, chiếc ghế này trong Hạ viện sẽ bị bỏ trống. Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, 16 đơn vị bầu cử ở 9 tỉnh là cuộc đua “một mình một ngựa”.

 

Cuộc bầu cử ngày hôm qua đã kết thúc khá suôn sẻ nhưng nó lại không giúp chấm dứt các cuộc biểu tình đường phố kéo dài nhiều tháng qua ở Thái Lan. Thủ lĩnh biểu tình – ông Suthep Thaugsuban đã lên tiếng đe dọa sẽ kiện Thủ tướng Yingluck vì lãng phí khoảng 3,8 tỉ baht (117,7 triệu USD) để tổ chức một cuộc bầu cử mà ông này đánh giá là không thành công.

 

Ông Suthep còn tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch biểu tình để dồn ép, buộc chính phủ của bà Yingluck phải ra đi.

 

Với một loạt vấn đề còn lơ lửng như trên, số phận của cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan ngày hôm qua chưa được phán quyết. Thậm chí, nếu kết quả cuộc bầu cử này được tuyên bố là có giá trị thì bà Yingluck vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc