Cảnh cáo quân đội, Mỹ “cứu” Thủ tướng Thái?

08:37, 04/02/2014
|

(VnMedia) - Mỹ vừa lên tiếng cảnh cáo quân đội Thái Lan không được có bất kỳ động thái nào nhằm phát động một cuộc đảo chính quân sự mới đồng thời bày tỏ sự quan ngại về việc những căng thẳng chính trị hiện nay đang thách thức nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Chúng tôi chắc chắn không muốn chứng kiến thêm một cuộc đảo chính hay tình trạng bạo lực nổ ra trong bất kỳ tiến trình nào. Chúng tôi đang nói trực tiếp với tất cả các tầng lớp, thành phần trong xã hội Thái Lan để họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện dân chủ và hợp hiến nhằm giải quyết bất đồng chính trị”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki hôm 3/2 đã phát biểu như vậy sau khi cuộc bầu cử Thái Lan diễn ra dưới sự cản trở của lực lượng biểu tình.

 

Trong khi những cuộc bỏ phiếu diễn ra “hòa bình và có trật tự” ở hầu hết các khu vực trong ngày 2/2 thì cũng có “những vụ bạo lực, gây rối xảy ra trước thềm cuộc bầu cử” cũng như nỗ lực ngăn cản cử tri đi thực hiện quyền của họ, bà Psaki chỉ trích.

 

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc tình hình căng thẳng chính trị ở Thái Lan đang đặt ra những thách thức cho các thể chế và tiến trình dân chủ ở đất nước này”.

 

"Như các bạn đã biết, chúng tôi chắc chắn không đứng về bên nào trong các cuộc đấu tranh chính trị ở Thái Lan nhưng chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên hãy cam kết tham gia vào những cuộc đối thoại chân thành nhằm giải quyết mâu thuẫn chính trị một cách hòa bình và dân chủ", bà Psaki nhấn mạnh.

 

Hàng triệu cử tri Thái Lan đã bị ngăn cản không được đi thực hiện quyền bỏ phiếu lựa chọn bộ máy lãnh đạo đất nước của họ trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm Chủ nhật (2/2). Những cử tri này bị ngăn cản bởi lực lượng biểu tình đang tìm cách lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Phe biểu tình dù tuyên bố không ngăn cản những người dân Thái Lan muốn đi bỏ phiếu nhưng lực lượng này đã khiến 10% các điểm bỏ phiếu phải đóng cửa vì hành động bao vây, chống phá của họ.

 

Giới chuyên gia và các nhà phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài dai dẳng suốt nhiều tuần nay ở đất nước Thái Lan đã đẩy chính phủ của bà Yingluck vào tình thế dễ bị tổn thương trước sự can thiệp của tòa án hoặc thậm chí là một cuộc đảo chính quân sự mới.

 

Đề cập đến nhận định trên, phát ngôn viên Psaki khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ giải pháp dân chủ đối với cuộc khủng hoảng chính trị căng thẳng đang diễn ra ở Thái Lan. Vì thế, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ mọi diễn biến ở nước này và tất nhiên chúng tôi tin rằng, cần phải có thêm nhiều bước nữa được thực hiện trong tiến trình đó”.

 

Lời cảnh cáo của siêu cường Mỹ nhằm thẳng vào quân đội Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh tin đồn dấy lên về việc vụ tấn công vào người biểu tình ủng hộ chính phủ của bà Yingluck xảy ra hồi cuối tuần vừa rồi có bàn tay của lực lượng vũ trang Thái Lan.


Hôm thứ Bảy (1/2) mới đây, một cuộc đọ súng kéo dài 2 giờ đồng hồ đã nổ ra giữa lực lượng biểu tình chống chính phủ và những người ủng hộ Thủ tướng Yingluck. 8 người đã bị thương trong vụ việc này. Sự phối hợp nhuần nhuẫn, chuyên nghiệp của một số nhóm được trang bị súng trường và súng tự động trong cuộc tấn công kiểu quân đội nhằm vào những người ủng hộ chính phủ Thái Lan đã khiến người ta tin rằng, chiến dịch này có sự hậu thuẫn ngầm từ quân đội quyền lực ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Ông Sunai Phasuk đến từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền đã chứng kiến tận mắt cuộc đọ súng nói trên. Ông này cho biết, cách thức, thiết bị và chiến thuật của những tay súng tấn công vào phe ủng hộ Thủ tướng Thái cho thấy, họ dường như là các binh lính được đào tạo giấu mình trong trang phục thường dân chứ không phải là các nhà hoạt động dân sự đơn thuần.

 

Quân đội Thái Lan vốn nổi tiếng là đầy quyền lực và bị chính trị hóa. Lực lượng này từng thực hiện tới 18 cuộc đảo chính quân sự, trong đó gần đây nhất là cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của Thủ tướng lâm thời Yingluck năm 2006.

 

Mặc dù trong suốt thời gian qua, quân đội luôn khẳng định đứng trung lập, không can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan nhưng không ít những dự báo, tin đồn xuất hiện về khả năng quân đội thực hiện một cuộc đảo chính mới. Quân đội Thái Lan trước đây vẫn luôn đứng về phe chống cựu Thủ tướng Thaksin. Năm 2010, lực lượng này từng tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu người biểu tình áo đỏ ủng hộ ông Thaksin.

 

Việc Mỹ lên tiếng cảnh báo quân đội Thái Lan không được phát động thêm một cuộc đảo chính quân sự mới cho thấy cường quốc số 1 thế giới có phần nghiêng về nữ Thủ tướng Yingluck. Phe biểu tình Thái Lan đã có những đòi hỏi và hành động khiến cộng đồng quốc tế lo ngại và không đồng tình. Thứ nhất, lực lượng này đòi thành lập một hội đồng nhân dân không do dân bầu lên thay thế chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck. Thứ hai, những người biểu tình có hành động chống phá cuộc bầu cử, xâm phạm quyền bỏ phiếu của hàng triệu cử tri. Đó là những hành động bị giới học giả chỉ trích là phi dân chủ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc