(VnMedia) - Một đoàn xe gồm hơn 1.000 xe kéo do những người nông dân giận dữ cầm lái đang rầm rập tiến vào thủ đô Bangkok nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải gặp họ để giải quyết vấn đề thanh toán tiền mua gạo theo chương trình trợ cấp giá lương thực.
|
Những người nông dân lái hơn 1.000 chiếc xe kéo hôm nay (21/2) đã dừng lại ở Ayuthaya trên con đường tiến thẳng tới sân bay chính của thủ đô Bangkok và ra tối hậu thư với nữ Thủ tướng Yingluck. Theo đó, lực lượng áo đỏ này yêu cầu Thủ tướng Yingluck phải gặp họ trong thời hạn cuối cùng là buổi trưa ngày hôm nay.
Nếu bà Yingluck không đáp ứng yêu cầu của những người nông dân thì họ tuyên bố sẽ tiếp tục tiến vào Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi. Đây là sân bay từng bị người biểu tình chống chính phủ chiếm giữa suốt nhiều tuần hồi năm 2008.
Giới thủ lĩnh của nhóm những người nông dân nổi giận cảnh báo, các hành khách có thể gặp khó khăn khi tiếp cận sân bay sau khi đoàn xe kéo của họ dự kiến tiến vào nơi này trong buổi chiều ngày hôm nay.
Tuy nhiên, ông Manus Chamnaketkorn – một trong những lãnh đạo của người nông dân đến từ tỉnh phía bắc Uthai Thani, cho biết, lực lượng của họ sẽ không phong toả đường băng trong Sân bay Quốc tế Suvarnabhumi.
“Một số người trong lực lượng của chúng tôi có thể sẽ ở lại trên con đường nối tới sân bay. Chúng tôi không có ý định gây rắc rối cho các hành khách hay phá huỷ hình ảnh của đất nước”, ông Uthai cho biết.
Tối hậu thư về hạn định gặp mặt trong buổi trưa ngày hôm nay là diễn biến mới nhất trong các cuộc biểu tình đang làm tê liệt nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok của Thái Lan kể từ tháng 11 năm ngoái đến giờ.
Một cảnh sát và 4 người biểu tình đã thiệt mạng hồi đầu tuần khi giới chức Thái Lan tiến hành chiến dịch lấy lại các khu vực bị người biểu tình chống chính phủ chiếm đóng.
Những người nông dân còn được gọi là thành phần áo đỏ cho biết, vấn đề liên quan giữa họ với chính phủ lâm thời không mang tính chính trị. Lực lượng này đang tuyệt vọng và mất kiên nhẫn sau khi chính phủ Thái Lan không thực hiện đúng cam kết chi trả tiền mua gạo cho họ từ nhiều tháng nay.
Trong lúc này, chính quyền của Thủ tướng Yingluck đang phải chật vật tìm kiếm các khoản vay để chi trả cho người nông dân. Chương trình trợ cấp giá gạo vốn mang thương hiệu của chính quyền Yingluck và nó đóng góp không nhỏ vào việc đưa bà Yingluck lên chiếc ghế Thủ tướng. Theo chương trình này, chính phủ mua gạo của người nông dân với giá cao gấp 50% giá thị trường. Chương trình này đã làm lợi cho những người nông dân trong một thời gian dài cho đến khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan bùng lên. Cuộc khủng hoảng này đã khiến chính phủ của bà Yingluck gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tiền để chi trả cho nông dân.
Có một thực tế trớ trêu là, trong khi số lượng người biểu tình chống chính phủ đang ngày một suy giảm và không thể khiến chính phủ của bà Yingluck sụp đổ thì giờ đây, chính phủ này đang phải đối diện với mối đe doạ lớn nhất từ chính những người từng là thành trì ủng hộ mạnh nhất cho họ.
Nữ Thủ tướng Yingluck xoay sở trên hai mặt trận
Song song với sức ép từ những người nông dân, Thủ tướng Yingluck tiếp tục phải đối mặt với sự dồn ép quyết liệt và không khoan nhượng của lực lượng biểu tình chống chính phủ do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn dắt.
Những người biểu tình chống chính phủ bắt đầu quay sang dùng Facebook và các trang mạng xã hội khác để tấn công vào các tập đoàn kinh doanh có liên quan đến nữ Thủ tướng Yingluck.
“Chúng tôi sẽ phá hoại các tập đoàn của gia đình Shinawatra. Nếu các bạn yêu đất nước của mình thì hãy ngừng sử dụng các sản phẩm của gia đình Shinawatra và làm tất cả những gì có thể để công việc kinh doanh của họ thất bại”, thủ lĩnh biểu tình Suthep kêu gọi.
Khoảng 500 người biểu tình hôm qua đã tiến tới phong toả lối ra vào ở các văn phòng của Tập đoàn SC Asset Corp ở thủ đô
Cổ phiếu của tập đoàn SC Asset đã giảm 4,3% trong ngày hôm qua sau sự sụt giảm tương tự của ngày hôm trước. Cố phiếu của tập đoàn M-Link Asia Corp – một nhà phân phối điện thoại di động có liên quan đến gia đình Shinawatra, cũng mất gần 10% trong hai ngày qua.
Bà Anusorn Iamsa-ard – phó phát ngôn viên của Đảng Puea Thai của bà Yingluck, cho biết, toà nhà mà người biểu tình nhằm vào không có liên quan gì đến Thủ tướng. "Thủ tướng không có cổ phần trong tập đoàn SC Asset", bà Anusorn cho hay.
"Điều gây lo lắng cho Thủ tướng là ảnh hưởng của cuộc biểu tình ngày hôm nay đối với nền kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, chiến dịch chống lại các tập đoàn kinh doanh của gia đình Shinawatra sẽ không làm suy yếu quyết tâm của nữ Thủ tướng trong việc đưa đất nước Thái Lan vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay”, bà Anusorn nói.
Trong khi đó, trong một bài phát biểu thể hiện sự quyết liệt và cứng rắn nhất trong nhiều tuần trở lại đây, Thủ tướng Yingluck đã lên án gay gắt uỷ ban chống tham nhũng của Thái Lan sau khi uỷ ban này tuyên bố triệu tập bà vào tuần tới để nghe cáo buộc về việc bà lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ cấp giá lương thực cho người nông dân. “Nếu có công lý thực sự ở đây và nếu không có một âm mưu ngầm nào đó thì uỷ ban chống tham nhũng Thái Lan không nên tìm cách hoàn tất vụ việc của tôi theo một cách thức hấp tấp và vội vã như vậy. Điều đó sẽ mở đường để những người đang muốn lật đổ chính phủ lợi dụng tình hình”, bà Yingluck thẳng thắn cho biết.
Ý kiến bạn đọc