Tướng Mỹ cảnh báo đối đầu Trung-Nhật

09:41, 24/01/2014
|

(VnMedia) - Chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương hôm qua (23/1) đã lên tiếng cảnh báo, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ leo thang trừ khi hai nước ngày ngồi lại đối thoại với nhau.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Hai cường quốc Châu Á đang đối đầu nhau gay gắt vì tranh chấp một quần đảo ở biển Hoa Đông được Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư và Tokyo gọi là Senkaku. Bắc Kinh gần đây còn nổi giận bởi chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến đền thờ chiến tranh.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo trong ngày hôm qua,  Đô đốc Samuel Locklear – Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, cảnh báo “nguy cơ tính toán sai lầm có thể gia tăng” khi hai cường quốc hàng đầu Châu Á có bất đồng nhưng không thể ngồi lại nói chuyện với nhau và khi không có một giải pháp rõ ràng để tháo gỡ tình hình.
 
Washington có hiệp ước an ninh chung với Tokyo. Điều đó có nghĩa là cường quốc số 1 thế giới có nghĩa vụ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị một lực lượng thứ ba tấn công. Hiệp ước an ninh nói trên bao trùm cả vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Như vậy, Mỹ rất có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vì tranh chấp quần đảo ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
 
Theo Đô đốc Locklear, Mỹ phải tiếp tục khuyến khích sự kiềm chế và chuyên nghiệp của các lực lượng an ninh hàng hải Trung, Nhật trong khi tiến hành các hoạt động xung quanh quần đảo tranh chấp đồng thời hy vọng hai nước này sẽ tìm được một giải pháp ngoại giao.
 
"Trong nhiều trường hợp, lực lượng an ninh hàng hải là những sĩ quan hải quân và thủy thủ trẻ. Họ phải đưa ra các quyết định trong nhiều tình huống khác nhau”, ông Locklear cho biết, ám chỉ đến những tính toàn sai lầm khi quyết định được đưa ra bởi những người trẻ thiếu kinh nghiệm.
 
Những bước đi quyết liệt và có phần hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh giành chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đang gây lo ngại cho các nước láng giềng và làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột trong bối cảnh chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của nước này đang thách thức nhiều thế kỷ thống trị của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Đô đốc Locklear cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc thiết lập các quan hệ quân sự nhưng đồng thời ông này cũng chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong cuộc đối đầu gần đây ở Biển Đông, khiến tàu chiến hai nước suýt đâm nhau.
 
Vụ việc trên xảy ra hôm 5/12 năm ngoái, liên quan đến tàu tên lửa USS Cowpens của Mỹ và tàu hải quân của Trung Quốc. Theo Đô đốc Locklear, đó là một sự việc không cần thiết và nguyên do xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu kinh nghiệm của các thủy thủ Trung Quốc.
 
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cung cấp thông tin chi tiết về vụ đối đầu nguy hiểm giữa tàu của họ với tàu chiến Mỹ - vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra giữa lực lượng hải quân hai nước từ năm 2009 đến giờ. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định, tàu của họ đã thực hiện đúng theo các thủ tục, quy tắc. Báo chí Trung Quốc còn đổ lỗi cho tàu của Mỹ đã tiếp cận quá sát với tàu sân bay mới mang tên Liêu Ninh của họ.
 
"Vụ việc trên chỉ cho cả hai thấy một điều, chúng ta có thể xử lý mọi việc tốt hơn nếu có thể liên lạc, tiếp xúc với nhau theo một cách cho phép hai bên không đưa ra những tính toán sai lầm”, ông Locklear nói. Ông này cũng thừa nhận, ông chưa “nhấc điện thoại lên và nói chuyện trực tiếp với Đô đốc của Hải quân Trung Quốc ở thời điểm xảy ra khủng hoảng”.
 
Cảnh báo về Triều Tiên
 
Trong khi Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương lo ngại về nguy cơ xung đột Trung-Nhật thì Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Thái Bình Dương – Đô đốc Harry B. Harris lại đưa ra cảnh báo về Triều Tiên.
 
Theo ông Harris, Triều Tiên vẫn là “mối quan ngại an ninh số 1” của Washington ở Châu Á bất chấp những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải “đang sôi lên sùng sục” trong khu vực.
 
Đô đốc Mỹ cho hay, việc Mỹ tăng cường triển khai vũ khí ở Châu Á là một phần trong chiến lược “chuyển hướng trọng tâm” vào khu vực được thông báo từ năm 2012 và nhằm để đảm bảo rằng “chúng tôi sẽ có mặt ở nơi nào xảy ra chuyện và đúng thời điểm xảy ra chuyện".
 
"Mối quan ngại về an ninh số 1 của chúng tôi vẫn là Triều Tiên”, ông Harris cho các phóng viên ở Singapore biết trên chiếc tàu khu trục USS Spruance.
 
"Với tư cách là một người chỉ huy, tôi quan ngại về những hành động khiêu khích có thể xuất phát từ Triều Tiên. Tôi không hiểu rõ họ và tôi không hiểu giới lãnh đạo của họ. Tôi cũng không hiểu ý định của họ”, ông Harris nói.
 
Bình Nhưỡng hồi tuần trước vừa lên tiếng cảnh báo về “những thảm họa và tai họa” nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục thực hiện loạt cuộc diễn tập dự kiến khai màn từ tháng tới.
 
Cuộc tập trận tương tự hồi năm ngoài của Mỹ-Hàn diễn ra sau vụ thử hạt nhân thứ ba và cũng là lớn nhất của Triều Tiên. Diễn biến này đã gây ra nhiều tháng trời căng thẳng quân sự leo thang ở bán đảo Triều Tiên với những lời đe dọa chiến tranh hạt nhân được tung ra từ chính quyền Bình Nhưỡng nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.
 
Ngoài vấn đề Triều Tiên, Đô đốc Harris cũng bày tỏ lo ngại về hành động đơn phương lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông của Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc