Trung Quốc đe dọa máy bay nước ngoài

09:59, 25/01/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (24/1) thông báo, nước này đã bắt đầu phát đi những cảnh báo đối với máy bay quân sự nước ngoài bay vào vùng nhận diện phòng không mà họ đơn phương tuyên bố thành lập ở biển Hoa Đông. Bước đi trên được Bắc Kinh thực hiện trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Báo chí nhà nước Trung Quốc dẫn lời phát ngôn viên Lực lượng Không quân nước này – ông Shen Jinke cho biết, gần đây, Trung Quốc tung ra nhiều loại máy bay khác nhau để thực hiện các hoạt động tuần tra ở vùng phòng không rộng lớn mà họ đơn phương tuyên bố thành lập hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Shen cho hay, máy bay của Không quân Trung Quốc đã nhận dạng được nhiều máy bay quân sự nước ngoài bay bên cạnh họ trong vùng phòng không và đã phát đi cảnh báo. Phát ngôn viên Shen không nói rõ cụ thể những máy bay mà họ phát hiện là của nước nào và những lần phát hiện đó diễn ra vào thời điểm này.
 
Vùng phòng không “chỉ là một biện pháp phòng vệ đơn thuần tuân theo các quy định và tiêu chuẩn quốc tế”, phát ngôn viên Shen nói.
 
Tuy nhiên, hành động lập vùng phòng không của Trung Quốc hồi cuối năm ngoái đã gây ra một “cơn sóng gió dữ dội” trong quan hệ giữa các nước trong khu vực.
 
Mỹ, Nhật Bản cùng các nước khác đã lên án kịch liệt và thẳng thừng bác bỏ vùng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông sau khi nó được tuyên bố thành lập. Các nước coi hành động thiết lập vùng nhận diện phòng không của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông là một sự khiêu khích bởi nó bao trùm lên cả các khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Trong một động thái thể hiện sự thách thức quyết liệt trước Trung Quốc, các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa máy bay vào vùng phòng không vừa được tuyên bố thành lập ở biển Hoa Đông mà không tuân theo bất kỳ yêu cầu nào của Trung Quốc. Bắc Kinh đòi các máy bay quân sự nước ngoài đi vào vùng phòng không phải thông báo, nhận diện trước giới chức nước họ và phải chịu sự chỉ đạo của họ. Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp an ninh khẩn cấp đối với những máy bay nước ngoài không thực hiện theo quy định của họ. Tuy nhiên, Trung Quốc không nói rõ đó là những biện pháp gì.
 
Trong một bài phát biểu về chính sách ở Tokyo ngày hôm qua (24/1), Thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại lập trường của Nhật Bản, nói rằng nước này sẽ “không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi thế nguyên trạng bằng cách sử dụng vũ lực”. Ông Abe tuyên bố, chính quyền Tokyo sẽ tăng cường năng lực phòng thủ “để bảo vệ an ninh cho khu vực tây nam cũng như vùng biển và không phận rộng lớn xung quanh Nhật Bản".
 
Vùng phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thành lập ở biển Hoa Đông hồi tháng 11 vừa rồi được cho là nhằm chủ yếu vào các máy bay quân sự của Mỹ và Nhật Bản hoạt động trong khu vực này. Bắc Kinh “tung” ra bước đi trên sau hơn một năm hai nước Trung Quốc và Nhật Bản lao vào một cuộc đối đầu hết sức căng thẳng để tranh chấp nhau quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa  Đông.
 
Vùng phòng không của Trung Quốc bao gồm dãy dảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản và đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc. Căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang leo thang dữ dội bởi cuộc khẩu chiến quanh chuyến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni của Thủ tướng Abe gần đây. Mới đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Nhà lãnh đạo Abe kêu gọi cộng đồng thế giới đứng lên chống lại một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.
 
Phản ứng trước diễn biến trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những phát biểu kiểu thời chiến tranh thế giới thứ I của ông Abe và chuyến thăm của ông này đến đền thờ chiến tranh là những dấu hiệu cho thấy “sự gây hấn” của Nhật Bản. "Nhà lãnh đạo Nhật Bản trong khi miệng nói chính sách hòa bình tích cực nhưng thực tế là đang theo đuổi một chính sách bành trướng quân sự và chuẩn bị cho chiến tranh”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Qin Gang hôm qua đã cáo buộc như vậy.
 
Phản ứng của Nhật Bản

Tuy nhiên, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản – ông Yoshide Suga phản bác lại, nói rằng việc ông Abe so sánh cuộc đối đầu Trung-Nhật hiện nay giống cuộc chiến tranh Anh-Đức thời thế chiến I thực chất là một lời cảnh báo, nhắc nhở hai cường quốc hàng đầu Châu Á đừng để tái diễn kịch bản tương tự của hai nước Châu Âu trước đây. Thủ tướng Abe muốn nhắn nhủ rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đừng mắc lại sai lầm tương tự như Anh, Đức để bị lôi vào một cuộc chiến tranh thảm khốc bất chấp việc họ có mối quan hệ thương mại rất lớn.
 
Tổng thư ký nội các Suga cũng nói với phòng viên rằng, ông biết thông tin về việc Trung Quốc phát đi cảnh báo với máy bay nước ngoài nhưng từ chối xác nhận điều này. “Tôi không hiểu Trung Quốc có ý gì khi đưa ra cảnh báo", ông Suga cho hay. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản không đưa tin về “bất kỳ chuyến bay bất thường nào” của máy bay quân sự Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không, ông Suga nói thêm.
 
Thông báo của Trung Quốc về việc nước này phát đi cảnh báo đối với máy bay quân sự nước ngoài chứng tỏ Bắc Kinh đang rất nghiêm túc trong việc thực thi các quy định về vùng phòng không mà họ đưa ra và điều đó có thể gây leo thang căng thẳng trong khu vực, ông Huang Jing – một chuyên gia Trung Quốc ở trường Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. Trung Quốc liên tục gây lo ngại cho các nước láng giềng kể từ khi đơn phương thiết lập vùng phòng ở biển Hoa Đông mà không thông báo trước cũng chẳng có lời giải thích đầy đủ nào về chuyện này.
                                                             
Bắc Kinh bác bỏ mọi lời chỉ trích và một học giả ủng hộ chính phủ Trung Quốc tin rằng, Bắc Kinh chưa đi đủ xa để thách thức Tokyo và Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc