Thủ tướng Thái mạnh tay với người biểu tình?

07:09, 22/01/2014
|

(VnMedia) - Sau những cân nhắc kỹ lưỡng, chính phủ Thái Lan hôm nay (21/1) đã chính thức tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày, bắt đầu từ ngày mai (22/1). Lý giải về hành động này, chính phủ Thái Lan cho biết, họ muốn ngăn chặn tình trạng leo thang bạo lực trong chiến dịch biểu tình kéo dài hơn 2 tháng qua nhằm lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng sẽ cho các cơ quan an ninh quyền lớn hơn trong việc áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ những người tình nghi mà không cần buộc tội, cấm các cuộc tụ tập chính trị có phạm vi hơn 5 người trở lên và tuyên bố những hạn chế ở một số khu vực của đất nước.

 

Thủ tướng Yingluck cho biết, chính phủ của bà không có ý định đối đầu với người biểu tình. Đây là điều đã xảy ra trong suốt thời gian qua khi người biểu tình được phép phong tỏa, bao vây một loạt tòa nhà chính phủ, thậm chí là cả văn phòng của Thủ tướng.

 

"Chúng tôi sẽ theo đuổi con đường đàm phán hòa bình với những người biểu tình theo các tiêu chuẩn quốc tế... Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng cảnh sát tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế và kiên nhẫn với người biểu tình”, bà Yingluck đã nói như vậy với giới phóng viên trong ngày hôm nay.

 

Cũng theo bà Yingluck, cảnh sát chứ không phải quân đội sẽ là lực lượng chính chịu trách nhiệm duy trì trật tự và kiểm soát tình hình Thái Lan hiện nay.

 

"Chúng tôi cần điều đó bởi những người biểu tình đã đóng cửa các tòa nhà chính phủ, ngân hàng và làm leo thang tình hình, gây thương vong cho nhiều người. Chính phủ thấy cần phải thông báo áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để giữ cho tình hình trong tầm kiểm soát”, Bộ trưởng Bộ Lao động – ông Chalerm Yoobamrung cho biết tại một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các.

 

Trước khi đưa ra quyết định trên, giới chức Thái Lan đã cân nhắc “một cách rất nghiêm túc” việc áp đặt tình trạng khẩn cấp sau những ngày cuối tuần bạo lực leo thang ở thủ đô Bangkok. Đây là nơi những người biểu tình chống chính phủ đang thực hiện chiến dịch nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia – ông Paradorn Pattantabutr hôm qua (20/1) cho biết.

 

Bạo lực bắt đầu bùng lên trong mấy ngày liên tiếp hồi cuối tuần, đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài kéo dài suốt hơn 2 tháng qua ở đất nước Thái Lan.

 

Với việc quyết định áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck có vẻ như đã sẵn sàng mạnh tay với người biểu tình sau một thời gian dài thể hiện thái độ kiên nhẫn, kiềm chế, tránh xung đột với lực lượng chống đối.

 

Quy mô các cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok đã “hạ nhiệt” đi rất nhiều nhưng theo Trung tâm Quản lý Trật tự và Hoà bình Thái Lan, những cuộc biểu tình nhỏ đã lan ra 18 khu vực khác.

 

"Lực lượng biểu tình không đe doạ đóng cửa các toà nhà chính phủ những họ đang thực thi mọi việc theo lệnh từ giới thủ lĩnh biểu tình ở thủ đô Bangkok . Vì thế, chúng tôi đang phải giám sát họ”, phó phát ngôn viên của Trung tâm Quản lý Trật tự và Hoà bình Thái Lan – ông Anucha Romyanan cho biết.

 

Một người đàn ông đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, một số nạn nhân ở trong tình trạng nghiêm trọng, khi những kẻ giấu mặt ném lựu đạn và các khu vực biểu tình ở thủ đô Bangkok trong hai ngày thứ Sáu (17/1) và Chủ nhật (19/1) vừa qua. Hôm 18/1, một tay súng đã nã súng vào người biểu tình.

 

"Tôi cho rằng, những vụ tấn công nói trên được dàn xếp để kích động phản ứng của quân đội”, ông Paul Chambers – Giám đốc Nghiên cứu Các vấn đề Đông-Nam ở Chiang Mai, cho biết. Ông này dự đoán, bạo lực sẽ gia tăng trong thời gian tới.

 

Bạo lực tiếp tục leo thang?

 

Chiến dịch biểu tình “đóng cửa thủ đô Bangkok ” đã bước sang tuần thứ hai và nhiều nhà phân tích nhận định, sẽ có thêm nhiều vụ bạo lực, đổ máu trong những ngày sắp tới.

 

Giới quan sát tin rằng, các cuộc biểu tình đường phố bắt đầu từ thứ Hai tuần trước (13/1) có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 2/2 – ngày dự kiến diễn ra cuộc tổng tuyển cử theo kế hoạch của Thủ tướng Yingluck.

 

Bà Yingluck đã đưa ra kế hoạch tiến hành cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị đang mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Bà Yingluck được cho là nằm phần chắc thắng trong tay trong khi phe đối lập không có cơ hội giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Vì thế, rất dễ hiểu khi phe đối lập và biểu tình tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử đồng thời thề phá vỡ kế hoạch này. Chiến dịch biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok nằm trong kế hoạch phá hỏng cuộc bầu cử mà Thủ tướng Yingluck đã nỗ lực tìm cách thúc đẩy.

 

Tuy nhiên, bà Yingluck đang gặp khó khi mà Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết, họ sẽ tìm kiếm một phán quyết của Tòa án Hiến pháp trong ngày mai để quyết định xem liệu có thể trì hoãn cuộc bầu cử sắp tới hay không. Theo Ủy ban Bầu cử, những cuộc biểu tình hiện nay đang ngăn cản một số ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có đủ số nghị sĩ cần thiết để Quốc hội có thể làm việc sau cuộc bầu cử.

 

Nếu kế hoạch bầu cử thực sự bị hoãn lại thì đó rõ ràng là một cú giáng mạnh vào chính quyền của nữ Thủ tướng Thái Lan và tình hình khủng hoảng chính trị được cho là sẽ kéo dài dai dẳng không có lối thoát.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc