Thủ tướng Thái bắt đầu mạnh tay với đối thủ?

07:45, 17/01/2014
|

(VnMedia) - Cảnh sát Thái Lan đã quyết định thực hiện lệnh bắt giữ cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban – thủ lĩnh của phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay khi chiến dịch “đóng cửa thủ đô Bangkok” của lực lượng này bước sang ngày thứ tư. Phải chăng, đây là dấu hiệu chứng tỏ chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck đã bắt đầu ra tay quyết liệt và cứng rắn với người biểu tình sau nhiều tuần kiên nhẫn và nhún nhường?

 

Ảnh minh họa

Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep (bên trái) và Lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit


Theo thông báo được Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul đưa ra ngày hôm qua (16/1), cảnh sát sẽ áp dụng một phương pháp tiếp cận cực kỳ thận trọng và cẩn thận để bắt giữ thủ lĩnh biểu tình Suthep. Ông Suthep bị cáo buộc tội danh nổi loạn và đã bị phát lệnh truy nã từ cách đây nhiều tuần. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, cảnh sát chưa thực hiện lệnh bắt giữ này vì không muốn kích động sự nổi giận của lực lượng biểu tình.

 

Ông Suthep được cho là đang sống trong một khách sạn gần khu vực ngã tư Rajprasong. Đây là một trong những khu vực đang bị người biểu tình chiếm đóng và phong tỏa giao thông kể từ hôm thứ Hai đầu tuần (13/1) trong kế hoạch đóng cửa làm tê liệt thủ đô của phe biểu tình nhằm dồn ép nữ Thủ tướng Yingluck phải ra đi.

 

Cảnh sát Thái Lan cho hay, khoảng 40 vệ sĩ được cho là đang bảo vệ cho thủ lĩnh Suthep 24/24. Những người này đều được trang bị súng ngắn.

 

Phó Thủ tướng Surapong cho biết, cảnh sát sẽ bắt giữ thủ lĩnh phong trào biểu tình Suthep mà không sử dụng đến vũ khí. Tuy nhiên, ông Surapong từ chối không bình luận về việc liệu có khả năng xảy ra những vụ đọ súng giữa lực lượng cảnh sát và vệ sĩ của ông Suthep.

 

Trước đó, ông Suthep từng lên tiếng đe dọa sẽ bắt giữ Thủ tướng lâm thời Yingluck và các thành viên khác trong nội các để gây sức ép buộc chính quyền Thái Lan phải từ chức, rút lui, nhường chỗ cho một hội đồng nhân dân do họ bầu chọn lên cầm quyền.

 

Trong một diễn biến khác có liên quan, 3 lính hải quân đã bị cảnh sát bắt giữ tại một chốt chặn an ninh gần Tòa nhà Chính phủ đêm 15/1. 3 lính hải quân này gồm một trung úy và hai sĩ quan không chính thức Những binh lính này bị phát hiện đang bảo vệ cho một nhóm người biểu tình chống chính phủ tham gia vào chiến dịch lật đổ bà Yingluck.

 

Theo lời cảnh sát, họ đã tìm thấy 3 khẩu súng ngắn cỡ 9 mm cùng với một biển đăng ký xe giả ở bên trong chiếc xe tải nhỏ của 3 người lính hải quân bị bắt giữ.

 

"Vẫn chưa rõ là có bao nhiêu binh lính có thể đang được thuê để bảo vệ cho những người biểu tình. Cảnh sát đang tập hợp thông tin và sẽ báo cáo tình hình cho Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự Thái Lan. Các đơn vị chỉ huy của những binh lính đó cũng sẽ phải báo cáo mọi việc lên trung tâm này", Phó Thủ tướng Surapong trực tiếp điều hành Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự Thái Lan cho hay.

 

Ông Surapong cũng kêu gọi những người biểu tình hãy ngừng ngay việc phong tỏa Văn phòng Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Thái Lan. Đây là nơi ước tính có đến 4.000 người đến xin hộ chiếu để đi nước ngoài mỗi ngày.

 

Như một phần của kế hoạch “đóng cửa thủ đô Bangkok”, lực lượng biểu tình chống chính phủ đang bao vây hàng chục tòa nhà, văn phòng chính phủ ở trung tâm thủ đô cũng như ở các khu vực ngoại ô phía bắc, buộc nhân viên chính phủ phải nghỉ làm việc. Người biểu tình thậm chí cũng ngăn cản không cho người dân tiếp cận vào những nơi này.

 

Phe biểu tình còn làm tê liệt hoạt động giao thông đi lại ở các quận kinh doanh ở Bangkok như Sukhumvit, Patumwan và Silom từ hồi đầu tuần.

 

Phong trào biểu tình đang dần mất nhiệt

 

Mặc dù chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok của người biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra và đã bước sang ngày thứ tư trong ngày hôm qua (16/1) nhưng số lượng người biểu tình đã giảm đi rất nhiều so với ngày khai màn chiến dịch này hôm 13/1.

 

Những người biểu tình tuyên bố sẽ phá vỡ kế hoạch bầu cử dự kiến diễn ra đầu tháng tới trong khi chính phủ kiên quyết thúc đẩy kế hoạch này. Trong hai tháng diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan, số lượng người biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu giảm đi rất nhiều và nhiều khu vực của thủ đô Bangkok không bị ảnh hưởng gì bởi phong trào này.

 

Tuy vậy, Thái Lan dường như vẫn chưa thể tiến gần hơn tới việc tháo gỡ cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt hiện nay. Lực lượng biểu tình khẳng định họ sẽ không từ bỏ cho đến khi Thủ tướng Yingluck và các bộ trưởng trong nội các từ chức.

 

Bà Yingluck mới đây đã chủ trì một diễn đàn chính trị nhằm mục đích tìm kiếm một thỏa thuận với phe đối lập trong vấn đề tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy môi trường chính trị chia rẽ sâu sắc, Đảng Dân chủ đối lập và Ủy ban Bầu cử Thái Lan đều không đến tham gia diễn đàn này.

 

Thủ tướng Yingluck phát biểu, việc Ủy ban Bầu cử Thái Lan “từ chối không xuất hiện” tại diễn đàn chính trị do bà chủ trì là “một điều đáng tiếc” mặc dù Tổng thư ký của Ủy ban này vẫn đến tham dự với tư cách là quan sát viên. Đảng Pheu Thai cầm quyền cáo buộc Ủy ban Bầu cử Thái Lan thiếu sự độc lập và đang bị chính trị hóa quá mức.

 

Tại diễn đàn nói trên, Thủ tướng Yingluck cho biết, bà cùng đại diện của hàng chục đảng phái chính trị trong nước đều nhất trí tiếp tục thúc đẩy tiến hành bầu cử như kế hoạch đã định vào ngày 2/2 tới, bác bỏ lời kêu gọi hoãn bầu cử của Ủy ban Bầu cử Thái Lan.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc