Thủ tướng Nhật “tung” cảnh báo đáng sợ

09:48, 23/01/2014
|

(VnMedia) - Nhật Bản hôm qua (22/1) đã kêu gọi thế giới đứng lên chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng nếu không sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột khu vực với những hậu quả thảm khốc về kinh tế.

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Abe


Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos ngày hôm qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã có bài phát biểu được xem như một lời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho Nhật Bản trong cuộc tranh chấp có nguy cơ bùng nổ xung đột với nước láng giềng Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

 

"Chúng ta cần phải kiềm chế sự bành trướng quân sự ở Châu Á nếu không nó sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nếu nền hòa bình và sự ổn định ở Châu Á bị lung lay thì hậu quả mà toàn bộ thế giới phải hứng chịu sẽ rất to lớn. Lợi nhuận từ sự tăng trưởng kinh tế ở Châu Á không thể bị ném lãng phí vào sự bành trước quân sự", Thủ tướng Abe đã nói như vậy tại cuộc họp hàng năm giữa các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế trên toàn cầu.

 

Mặc dù ông Abe không công khai đề cập trực tiếp đến cái tên Trung Quốc nhưng bài phát biểu của ông đã được giới quan chức Nhật Bản miêu tả trước đó là một lời kêu gọi đầy lo ngại trước những thính giả có ảnh hưởng của thế giới về cái mà Tokyo xem là sự dọa dẫm, bắt nạt của Bắc Kinh.

 

Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp nhau quyết liệt một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Nhật Bản tin rằng, Trung Quốc đang tìm cách xác lập quyền kiểm soát đối với một loạt tuyến đường biển quan trọng có tính sống còn ở xung quanh đường bờ biển rộng lớn của nước này.

 

Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã “sôi lên” một cách nguy hiểm, nhiều lần tiến sát đến bờ vực của một cuộc xung đột quân sự thảm khốc trong những năm gần đây.

 

Thủ tướng Abe từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2012 đã bắt đầu theo đuổi một chính sách quân sự và an ninh quốc gia chủ động hơn và quyết liệt hơn. Ông này đang có những bước đi tiến dần tới việc thông qua sử dụng vũ lực để giúp các đồng minh bị tấn công đồng thời kêu gọi xem xét, sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến tranh của Nhật Bản.

 

Chính phủ của ông Abe đã chấm dứt nhiều năm giảm chi tiêu quốc phòng và đang bắt đầu tăng dần nguồn ngân sách cho quân sự trong những năm sắp tới. Cùng lúc, Tokyo cũng không ngần ngại công khai chỉ trích mạnh mẽ việc nước láng giềng Trung Quốc liên tiếp tăng chi tiêu quốc phòng ở mức “khủng” lên tới hai con số trong suốt nhiều năm trở lại đây. Nhật Bản còn cáo buộc Trung Quốc thiếu sự công khai, minh bạch trong vấn đề chi tiêu quốc phòng.

 

"Ngân sách quốc phòng cần phải được minh bạch và cần phải được công khai trước công chúng dưới hình thức có thể được xác nhận", Thủ tướng Abe phát biểu. Ông cũng kêu gọi giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua “đối thoại và pháp quyền chứ không phải thông qua vũ lực và sự dọa dẫm". Phát biểu này là cách để Tokyo chỉ trích những hành động của Trung Quốc gần đây, trong đó có việc nước này đột ngột đơn phương tuyên bố thành lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, trong đó bao gồm những vùng tranh chấp với Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Đề cập đến chuyến thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni gây sóng gió trong khu vực trong thời gian vừa qua của mình, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, ông chỉ đến “cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất” và đó là “điều hoàn toàn tự nhiên của bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới”. Ông Abe nhấn mạnh, ông không hề có ý định làm tổn thương đến tình cảm của người dân Hàn Quốc cũng như Trung Quốc.

 

Học giả Trung Quốc “phản pháo”

 

Lập trường trên của Thủ tướng Abe đã vấp phải sự chỉ trích của học giả Trung Quốc Wu Xinbo – người cũng có bài phát biểu tại một hội đồng khác ở Diễn đàn Kinh tế Davos. Ông Wu đã gán cho Thủ tướng Nhật Bản cái danh “người gây rối” đồng thời ví ông Abe với nhà lãnh đạo không thể đoán trước của Triều Tiên.

 

Học giả Wu được xem là người luôn có quan điểm trùng với giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông này nói rằng, niềm tin giữa hai nước Trung-Nhật đang ở mức rất thấp, chủ yếu “do chuyến thăm của ông Abe đến đền thờ chiến tranh Yasukuni gần đây”.

 

Trong khi cả Trung Quốc, Nhật Bản cũng như Mỹ đều không hề muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trong khu vực nhưng mối quan hệ giữa các nước này vẫn đang rất căng thẳng. Ông Wu cho rằng, Bắc Kinh và Tokyo nên phát triển một cơ chế thông tin khủng hoảng.

 

Trong khi đó, theo ông John Chipman – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, triển vọng tốt nhất cho việc tránh một cuộc xung đột leo thang giữa hai cường quốc Châu Á là thiết lập những cuộc thảo luận lặng lẽ giữa quân đội hai nước để tìm kiếm cách thức xây dựng lòng tin.

 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu lao dốc không phanh từ sau khi chính quyền Tokyo quyết định mua lại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm 2012. Kể từ khi đó, tàu thuyền và máy bay Trung, Nhật liên tiếp có những cuộc vờn đuổi, đối đầu nhau đầy nguy hiểm. Cộng đồng thế giới không ít lần nín thở trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh Trung-Nhật gần như sắp ập xuống.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc