Quân đội ra tay “cứu” Thủ tướng Thái?

15:26, 22/01/2014
|

(VnMedia) - Tư lệnh Lục quân Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha hôm nay (22/1) cho biết, quân đội sẽ giám sát chặt chẽ tình hình sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra thông báo thực thi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong thời gian kéo dài 60 ngày ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận.
 

 Ảnh minh họa

 Tư lệnh Lục quân Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha


Những nỗ lực trước đây của chính phủ nhằm áp đặt sắc lệnh tình trạng khẩn cấp đều bị quân đội quyền lực của Thái Lan ngăn cản. Tuy nhiên, sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công bạo lực vào lực lượng người biểu tình trong chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok kéo dài suốt hơn tuần qua, quân đội đã không can thiệp gì khi chính phủ đưa ra quyết định dùng đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong ngày hôm qua (21/1).
 
Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được thực hiện trong vòng 60 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (22/1), Bộ trưởng Bộ Lao động Chalerm Yubamrung chịu trách nhiệm lãnh đạo Trung tâm Gìn giữ Hoà bình cho biết. Trung tâm này có thể trực tiếp chỉ đạo quân đội tăng cường các biện pháp an ninh.
 
Một nguồn tin quân sự cho biết, Lực lượng Vũ trang Thái Lan đã không phản đối gì khi chính phủ nêu vấn đề áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại cuộc họp của Trung tâm Quản lý Hoà bình và Trật tự Thái Lan.
 
Theo nguồn tin giấu tên trên, quân đội hiểu rằng, cảnh sát cần một công cụ để giúp lực lượng này thực thi nghiêm khắc luật pháp. Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp cho phép bắt giữ và giam nhốt những kẻ tình nghi lên tới 30 ngày mà không cần buộc tội. Ngoài ra, sắc lệnh này cũng cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông đang bị lợi dụng để khoét sâu mâu thuẫn.
 
Hơn nữa, giới tình báo quân sự cũng đã phát hiện ra vũ khí và chất nổ đang được tuồn vào thủ đô Bangkok. "Quân đội hiểu rằng, những người biểu tình không tin cảnh sát, vì vậy cảnh sát cần quân đội giúp phối hợp cùng”, nguồn tin quân sự cho hay.
 
Mặc dù Tư lệnh Lục quân Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha và Chỉ huy Tối cao quân đội Thái Lan - ông Tanasak Patimapragorn không tham dự cuộc họp đưa ra quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp trong ngày hôm qua (21/1) của chính phủ nhưng họ đã có những cuộc hội đàm riêng rẽ với nữ Thủ tướng lâm thời Yingluck.
 
Tuy nhiên, nguồn tin quân sự giấu tên cho biết, quân đội nhấn mạnh họ sẽ không đàn áp hay đối đầu với người biểu tình dù ủng hộ chính phủ của bà Yingluck áp đặt tình trạng khẩn cấp. Tư lệnh Lục quân Prayuth còn nói thêm rằng, vẫn chưa biết liệu việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp có giúp thay đổi tình hình Thái Lan hay làm nó thậm chí còn tồi tệ hơn nhưng quân đội có thể can thiệp nếu mọi việc vượt qua tầm kiểm soát.
 
Quân đội vẫn ủng hộ cảnh sát - lực lượng chịu trách nhiệm chính cho việc thực thi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Quân đội không đứng về bên nào nhưng sẽ bảo vệ các quan chức, người biểu tình và dân chúng như nhau, Tướng Prayuth nhấn mạnh.
 
Ông Prayuth cũng nhắc lại yêu cầu tất cả các bên tránh sử dụng bạo lực và nên ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng.
 
Trước khi quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp được đưa ra, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan - Tướng Paradorn Pattanatabut cũng đã ám chỉ đến khả năng này. Giới phân tích và các chuyên gia an ninh tin rằng, bạo lực sẽ leo thang trước thềm cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới.
 
Thủ lĩnh biểu tình thách thức Thủ tướng Thái
 
Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan - ông Suthep Thaugsuban tối qua (21/1) đã thách thức sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck tuyên bố áp dụng ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận bắt đầu từ ngày hôm nay (22/1).
 
Ông Suthep cho biết, những người ủng hộ ông không hề sợ sắc lệnh đó và sẽ tiếp tục chiến dịch của mình.
 
Phát biểu trước đám đông người biểu tình ở khu vực sân khấu Pathumwan đêm ngày hôm qua sau khi chính phủ lâm thời tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp, người đứng đầu Uỷ ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) đã thề sẽ thách thức mọi lệnh được đưa ra trong sắc lệnh tình trạng khẩn cấp.
 
"Chúng tôi sẽ thách thức tất cả. Chúng tôi sẽ diễu hành trên mọi con đường mà họ cấm chúng tôi tụ tập. Chúng tôi sẽ sử dụng hệ thống loa phát thanh thậm chí nếu họ cấm chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi điều mà họ cấm chúng tôi làm”, ông Suthep đã tuyên bố một cách đầy cứng rắn như vậy.
 
Khi thông báo về quyết định thực thi tình trạng khẩn cấp, Phó Thủ tướng lâm thời Thái Lan Surapong Tovichakchaikul khẳng định, chính phủ sẽ tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế cũng như không sử dụng bạo lực để đối phó với các cuộc biểu tình.
 
Tuy nhiên, lực lượng biểu tình cho rằng, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp là bước mở đầu cho một chiến dịch đàn áp họ.
 
"Bởi vì chúng tôi không được trang bị vũ khí nên bạo lực chắc chắn phải đến từ phía chính phủ. Chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc biểu tình để chống lại sắc lệnh tình trạng khẩn cấp", ông Suthep tuyên bố.
 
Ông Suthep đã yêu cầu những người biểu tình ở 7 địa điểm chính thúc đẩy chiến dịch bao vây các văn phòng, toà nhà chính phủ. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình cần phải hiểu rằng, việc áp đặt tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép giới chức chính quyền bắt giữ và giam nhốt những người vi phạm.
 
"Vì thế, nếu bất kỳ ai trong số các bạn sợ bị bắt thì các bạn nên trở về nhà”, ông Suthep nói.
 
Trong khi đó, Lãnh đạo Đảng Dân chủ độc lập - cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho rằng, ông đang tự hỏi liệu chính phủ có sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình. Thay vì áp đặt tình trạng khẩn cấp, chính phủ nên tăng cường lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc