Phe nổi dậy Syria tàn sát lẫn nhau, thi thể chất chồng

19:49, 12/01/2014
|

(VnMedia) - Gần 500 người, trong đó có 85 dân thường, đã thiệt mạng trong một tuần diễn ra cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” trong nội bộ phe nổi dậy Syria, giữa một bên là lực lượng ôn hòa với bên kia là Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant. Thông tin này đã được một nhóm giám sát nhân quyền cho biết hôm 10/1.

 

Ảnh minh họa

Phe nổi dậy Syria


"Chúng tôi đã thống kê được số người thiệt mạng gây ra từ các cuộc giao tranh, tàn sát lẫn nhau trong phe nổi dậy là 482 người, trong đó có 85 dân thường, 240 thành viên của các sư đoàn nổi dậy và 157 thành viên của Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL)", Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh – ông Rami Abdel Rahman cho biết.

 

Trong số các dân thường và chiến binh nổi dậy mất mạng có 42 nạn nhân là con tin bị ISIL hành quyết ở Aleppo .

 

Phe nổi dậy cũng hành quyết 47 chiến binh ISIL, chủ yếu là ở tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, ông Abdel Rahman cho hay. “Số nạn nhân còn lại chết trong các cuộc giao tranh ác liệt. Có thể, còn hàng chục người khác thiệt mạng nhưng hiện giờ người ta chưa thể thống kê chính xác số thương vong”, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria nói thêm.

 

Ông Rahman kêu gọi đưa những “tội ác ở Syria ra xét xử trước tòa án quốc tế”.


Lực lượng chiến binh nổi dậy theo đường lối ôn hòa cùng với các chiến binh Hồi giáo khác đã lao vào một trận chiến ác liệt với Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq Levant từ hôm 3/1. Những cuộc đụng độ trong nội bộ phe nổi dậy bùng lên dữ dội ở các tỉnh Aleppo , Idlib và Raqa. Lực lượng nổi dậy ôn hòa và chính thống đang dồn ép ISIL ở hai mặt trận Aleppo và Idlib – nơi sự hiện diện của ISIL tương đối yếu. Trong khi đó, các chiến binh ISIL có lợi thế ở Raqa.

 

ISIL vốn là một lực lượng mạnh hàng đầu trong nội bộ phe nổi dậy Syria . Ban đầu, nhóm này còn kết hợp với các phe nhóm khác trong nội bộ phe nổi dậy Syria để thực hiện mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, càng về sau này, ISIL càng thể hiện chính sách và đường hướng cực đoan. Nhóm Hồi giáo này gây bất bình và oán thán cả trong dân chúng Syria lẫn những người trong chính nội bộ của phe nổi dậy bởi những vụ tàn sát, hành quyết dã man cũng như ý định muốn thực thi luật Hồi giáo hà khắc ở những nơi họ chiếm đóng.

 

Phe nổi dậy tổn thất, chính quyền Assad thêm lợi thế

 

Trong khi phe nổi dậy đang hứng tổn thất nặng nề từ những cuộc đấu đá nội bộ “huynh đệ tương tàn” thì chính quyền của Tổng thống Assad lại có thêm lợi thế từ chính diễn biến này. Điều đó sẽ giúp ông Assad khẳng định vị thế vững chắc trước thềm hội nghị hòa bình quốc tế ở Geneva vào cuối tháng này. Về phía phe nổi dậy Syria , lực lượng này đang ở thế bất lợi hơn hẳn. Vì lý do đó, phe nổi dậy Syria hoàn toàn không muốn ngồi vào bàn đàm phán trong thời điểm như hiện tại. Nếu phe nổi dậy không chịu tham gia vào hội nghị hòa bình Geneva II thì mọi nỗ lực và hy vọng của các cường quốc về việc tìm kiếm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ “tan thành mây khói”.

 

Trong bối cảnh đáng lo ngại như vậy, Mỹ mới đây đã lên tiếng cho biết, nước này “khá tự tin” về việc có thể thuyết phục phe nổi dậy Syria tham gia vào hội nghị Geneva II.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến hôm nay (12/1) sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp đến từ nhóm “Bạn bè của Syria ” ở Paris với hy vọng sẽ hoàn thành những chi tiết cuối cùng cho hội nghị quan trọng ở Geneva sắp tới.

 

Cuộc gặp mặt ngày hôm nay sẽ có sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Anh, Ai Cập, Pháp, Đức, Italia, Jordan, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Mỹ.

 

Người đứng đầu Liên minh Quốc gia đối lập Syria – ông Ahmad Jarba cũng sẽ có mặt tại cuộc họp ở thủ đô của Pháp và ông này có thể sẽ phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ đòi phe nổi dậy tham gia vào hội nghị Geneva II dự kiến diễn ra vào ngày 22/1 tới.

 

Mục đích của cuộc đàm phán sắp tới do Liên Hợp Quốc chủ trì là đưa chính quyền của Tổng thống Assad và phe nổi dậy lần đầu tiên ngồi lại đàm phán, đối thoại trực tiếp với nhau kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.

 

Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc thiết lập một chính phủ chuyển tiếp như được vạch ra trong một thỏa thuận đạt được tại hội nghị Geneva II hồi tháng 6 năm 2012. Bước đi này sẽ mở màn cho một tiến trình tiến tới bầu chọn một bộ máy lãnh đạo mới ở Syria và kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 130.000 người này.

 

Hội nghị hòa bình sẽ khai màn đầu tiên ở thành phố Montreux trước khi được chuyển đến Geneva để đàm phán ở cấp thấp hơn. Mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến hội nghị Geneva II nhưng phe đối lập Syria đến giờ vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng về việc có tham gia hội nghị sắp tới hay không. Phe nổi dậy cho biết, họ đã đưa ra quyết định của mình vào ngày 17/1, tức là trước 5 ngày diễn ra hội nghị.

 

Trong khi nhiều người lo ngại khả năng hội nghị Geneva II sẽ thất bại trước khi bắt đầu vì sự tẩy chay của phe nổi dậy Syria thì một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói: “Về quan điểm cá nhân, tôi khá tự tin về viễn cảnh chúng tôi sẽ thành công bởi đây là cơ hội đầu tiên để đối mặt trực tiếp với chính quyền Syria. Tôi nghĩ rằng, sau khi phân tích, họ (phe nổi dậy Syria ) sẽ không muốn bỏ qua cơ hội đó, bởi nói thẳng ra, thực chất sẽ chẳng còn cuộc chơi nào khác”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc