Phe biểu tình Thái bị giáng đòn bất ngờ

08:08, 23/01/2014
|

(VnMedia) - Tức giận bởi những cuộc biểu tình của phe đối lập nhằm tìm cách phá vỡ kế hoạch tổng tuyển cử sắp tới, một phong trào ủng hộ bầu cử bắt đầu bùng lên với những lời kêu gọi mọi người hãy tôn trọng lá phiếu của nhân dân. Đây là đòn giáng bất ngờ vào phe đối lập trong khi Thủ tướng Thái có thêm một lợi thế trong cuộc đối đầu với lực lượng chống đối.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Tìm kiếm một lập trường đứng ở giữa trong cuộc khủng hoảng chính trị đầy chia rẽ ở đất nước Thái Lan, một nhóm các nhà hoạt động đường phố mới nhất đã hình thành và trỗi dậy với mục đích nhằm thách thức lực lượng biểu tình chống chính phủ đang muốn thiết lập một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

 

“Chúng tôi muốn bỏ phiếu. Chúng tôi muốn bầu cử! – 2/2, hãy đi bầu cử”, hàng trăm nhà hoạt động đã hô vang khẩu hiệu đó trong lễ thắp nến cầu nguyện ở một công viên giữa thủ đô Bangkok .

 

“Lúc này, người Thái không lắng nghe lẫn nhau, vì thế, chúng tôi thay vào đó muốn họ nhìn thấy ánh sáng”, một trong những nhà tổ chức phong trào giấu tên cho biết. “Mục tiêu của chúng tôi là yêu cầu những người biểu tình hãy dừng lại, bởi chúng tôi đã chịu đựng quá đủ rồi”, nhà hoạt động trên nói thêm. Ông này đã giúp tổ chức buổi lễ đốt nến thông qua các phương tiện truyền thông xã hội sau khi chứng kiến các sĩ quan cảnh sát bị thương trong làn sóng biểu tình rầm rộ đang gây ảnh hưởng lớn đến thủ đô Bangkok.

 

Phe đối lập chống Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã phát động chiến dịch biểu tình đường phố kéo dài dai dẳng suốt hơn 2 tháng qua nhằm tìm cách buộc chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của bà phải ra đi, thay vào đó là một hội đồng nhân dân do họ lựa chọn để lên nắm quyền điều hành đất nước và giám sát cải cách chính trị. Mục tiêu cao nhất được phe biểu tình tuyên bố là loại bỏ ảnh hưởng chính trị rộng khắp của gia đình Shinawatra, đặc biệt là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – người mà họ cáo buộc là đang điều hành đất nước Thái Lan từ xa thông qua em gái là Thủ tướng lâm thời Yingluck.

 

Rất nhiều trang Facebook đã thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 2/2 tới của chính phủ Thái Lan. Nhiều người mong muốn tìm kiếm được một giải pháp hòa bình sau những vụ bạo lực đẫm máu xảy ra liên tiếp trên đường phố Bangkok gần đây, khiến 8 người chết và hàng trăm người bị thương. Người dân Thái đã cho đăng tải những bức ảnh của chính họ trên mạng, trên tay cầm tấm biển hiệu ghi dòng chữ: “Hãy tôn trọng lá phiếu của tôi!”.

 

Những người ủng hộ bầu cử hầu hết đều đến từ thủ đô Bangkok và họ bao gồm rất nhiều thành phần rộng khắp, từ các giáo sư đến sinh viện đại học, những nhà hoạt động và cả những nhân vật nổi tiếng. Lực lượng này đang tiến hành các hoạt động mang tính biểu tượng như thả những quả bóng bay trắng và mặc áo sơ mi trắng để thể hiện sự trung lập trong cuộc xung đột chính trị mang sắc màu rõ ràng ở đất nước Thái Lan. Đó là cuộc chiến không khoan nhượng giữa phe áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck và phe áo vàng (chính là những người biểu tình chống chính phủ hiện nay).

 

“Lực lượng biểu tình chống chính phủ hiện nay từ cho rằng tất cả người dân Bangkok ủng hộ họ, đứng về phía họ. Tuy nhiên, chúng tôi là những người đang bị làm cho tức giận, bị gây sức ép trong suốt một thời gian dài. Các cuộc biểu tình đã đi quá giới hạn kiên nhẫn của chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Chỉ thế là đủ”, ông Patcharee Angkoontassaneeyarat – người quản lý một trong những trang Facebook ủng hộ bầu cử cho biết. Status này của ông đã nhận được hơn 40.000 lượt “like”.

 

Thái Lan đã bị cuốn vào vòng xoáy biểu tình, bạo loạn và bất ổn chính trị trong suốt 8 năm qua kể từ sau khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006. Chính trường của quốc gia Đông Nam Á trong từng ấy năm là nơi diễn ra “cuộc đấu” không khoan nhượng của lực lượng áo vàng gồm các tầng lớp hoàng gia, trung lưu, thành thị với bên kia là áo đỏ gồm những người nông dân, người nghèo chiếm đa số. Áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và gia đình Shinawatra trong khi áo vàng chống đối kịch liệt ông này.

 

Những người biểu tình hiện nay cáo buộc nữ Thủ tướng Yingluck là “con rối” trong tay anh trai của bà dù ông Thaksin đã rời xa đất nước Thái Lan nhiều năm nay.

 

Phong trào biểu tình của lực lượng áo vàng từng 3 lần lật đổ chính quyền của ông Thaksin và các đồng minh của ông này. Tuy nhiên, với sự ủng hộ rộng khắp của phe áo đỏ chiếm đa số ở Thái Lan, bà Yingluck đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011 sau một cuộc đàn áp người biểu tình ủng hộ ông Thaksin của lực lượng quân đội.

 

Phe biểu tình xuất hiện trên đường phố Bangkok hiện nay bao gồm những người áo vàng, các thành phần hoàng gia, người miền nam, tầng lớp trung lưu thành thị và các đối thủ của ông Thaksin.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “một tiếng nói thứ ba” đang cất lên mạnh mẽ và đầy ảnh hưởng, chủ yếu thông qua mạng xã hội bởi nhiều người cảm thấy quá chán nản với tình trạng biểu tình hiện nay.

 

“Họ là những người không chỉ sống ở thủ đô Bangkok mà ở các thành phố trong các tỉnh khác. Họ đã kiên nhẫn tới tận ngày hôm nay nhưng đã đến lúc họ không thể chịu đựng thêm một chút nào nữa”, ông Puangthong Pawakapan – Giáo sư khoa học chính trị ở trường Đại học Chulalongkorn, cho hay. Một vài trong số những người dám cất lên tiếng nói phản đối lực lượng biểu tình chống chính phủ đã vấp phải phản ứng thù địch của những người bạn có quan điểm khác họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc