Nữ Thủ tướng Thái cầu cứu quân đội?

07:18, 24/01/2014
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng lâm thời Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra hôm qua (23/1) đã chỉ thị quân đội bảo vệ cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đảm bảo các điểm bỏ phiếu phải hoạt động suôn sẻ khi cử tri đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong ngày 2/2 tới.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bà Yingluck cũng là Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Thái Lan mong chờ lực lượng quân đội quyền lực của nước này sẽ đứng ra bảo vệ cuộc bầu cử trong khi vẫn giữ lập trường trung lập về chính trị như trong suốt thời gian qua, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan – Đại tá Thanathip Sawangsaeng cho biết sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng diễn ra ngày hôm qua.

 

Trước khi chủ trì cuộc họp an ninh nói trên tại trụ sở của Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan, nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck cùng với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lâm thời – Tướng Yutthasak Sasiprapa đã có cuộc gặp riêng rẽ với tất cả giới tướng lĩnh cấp cao nhất trong lực lượng vũ trang bao gồm Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha; Chỉ huy Tối cao quân đội – Tướng Tanasak Patimaprakorn; Tư lệnh Không quân Prajin Janthong và Tư lệnh Hải quân – Đô đốc Narong Pipattanasai.

 

Thủ tướng Yingluck đã giải thích rằng chính phủ lâm thời buộc phải áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để chấm dứt chiến dịch đóng cửa thủ đô của lực lượng biểu tình tự xưng là Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) khi chiến dịch này gây cản trở hoạt động của các văn phòng, cơ quan chính phủ trên khắp cả nước.

 

Lực lượng biểu tình chống chính phủ cũng đang đe dọa phá vỡ kế hoạch tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới, trong đó cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (26/1) tới. Phe biểu tình khăng khăng đòi tiến hành cải cách chính trị trên toàn quốc trước khi cho phép cuộc bầu cử diễn ra.

 

Nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi Lực lượng Vũ trang thắt chặt quyền kiểm soát đối với tất cả các kho vũ khí, đạn dược và chất nổ vì lo ngại những vũ khí này có thể bị đánh cắp từ các doanh trại và đem ra sử dụng, làm leo thang bạo lực trong thời điểm đất nước đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, Đại tá Thanathip cho hay.

 

Có tất cả 130.000 sĩ quan cảnh sát được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho cuộc bầu cử sớm vào Chủ nhật tới và cuộc bầu cử chính thức vào ngày 2/2 tới, phó phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát – Thiếu tá Anucha Rommayanun cho hay.

 

Cảnh sát Thái Lan là lực lượng dẫn đầu trong việc thực thi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày mà chính phủ tuyên bố áp dụng bắt đầu từ ngày (22/1). Quân đội sẽ là lực lượng hậu thuẫn ở đằng sau.

 

Chính phủ lâm thời trước đó, hôm 21/1, đã nói rằng, việc áp dụng tình trạng khẩn cấp là cần thiết nhằm khôi phục lại luật pháp và trật tự cũng như bảo vệ nền dân chủ trước các cuộc biểu tình rầm rộ đang diễn ra hiện nay.

 

Bà Yingluck sau đó đã nói với cánh phóng viên rằng, Lực lượng Vũ trang sẽ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Bầu cử để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử theo đúng dự kiến. Quân đội sẵn sàng hợp tác với Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự Thái Lan cũng như Trung tâm Quản lý Hòa bình và Trật tự Thái Lan đúng như yêu cầu của chính phủ lâm thời, bà Yingluck cho hay.

 

Sẽ không tái diễn kịch bản đàn áp đẫm máu người biểu tình như năm 2010

 

Đề cập đến việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, nữ Thủ tướng xinh đẹp hôm qua đã lên tiếng bảo đảm rằng chính phủ sẽ không để tái diễn kịch bản đàn áp dã man và đẫm máu người biểu tình như năm 2010.

 

Năm 2010, dưới thời Thủ tướng Abhisit, quân đội đã thực hiện một cuộc đàn áp mạnh tay người biểu tình áo đỏ, khiến gần 100 người thiệt mạng và khoảng 2.000 bị thương. Cuộc đàn áp này đã làm cho hình ảnh của quân đội quyền lực ở Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây chính là lý do khiến quân đội lần này tỏ ra rất thận trọng và kiên quyết không can thiệp vào chính trường trong suốt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 tháng qua ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày hôm qua, Thủ tướng Yingluck tuyên bố, bất chấp việc áp dụng tình trạng khẩn cấp, cảnh sát và quân đội chắc chắn sẽ không sử dụng bạo lực chống lại bất kỳ người biểu tình nào. "Chúng tôi không muốn chứng kiến lại thảm kịch năm 2010. Vì lý do đó, giới chức cầm quyền đã chỉ đạo các lực lượng phải hành động một cách kiên nhẫn, thận trọng và không bao giờ làm bất kỳ điều gì mà không cần thiết. Họ chắc chắn sẽ tránh các phương tiện bạo lực và tuân thủ nghiêm túc luật pháp cũng nhưu sẵn sàng đối thoại với người biểu tình”, bà Yingluck nhấn mạnh.

 

Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được thực thi chủ yếu là để tạo điều kiện cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình và dù thế nào cũng sẽ không có bất kỳ hành động sử dụng vũ lực hay bạo lực chống lại người biểu tình, Thủ tướng lâm thời Thái Lan khẳng định.

 

Bà Yingluck cũng một lần nữa nhắc lại lập trường, bà sẽ và không thể từ chức như đòi hỏi của lực lượng biểu tình được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và nhiều đồng nghiệp của bà trong Đảng Dân chủ đối lập. Lý do mà bà Yingluck đưa ra là hiến pháp cũng như luật pháp không cho phép bà làm điều đó.

 

Theo Thủ tướng Yingluck, chính phủ của bà có nghĩa vụ về mặt luật pháp để tiến hành một cuộc bầu cử công bằng, hòa bình và bà không thể từ chức cho đến khi một nội các mới được thành lập sau bầu cử.

 

Tuy nhiên, kế hoạch bầu cử của chính phủ Thái Lan đang gặp trở ngại khi Tòa án Hiến pháp đang xem xét khả năng hoãn cuộc bầu cử này lại theo đề nghị của Ủy ban Bầu cử. Phán quyết này được cho là sẽ được đưa ra trong ngày hôm nay (24/1).


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc