Nữ Thủ tướng Thái bị kẹp giữa hai gọng kìm?

07:51, 25/01/2014
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra dường như đang bị dồn ép giữa hai gọng kìm khi một bên là quân đội quyền lực tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào tình hình chính trường và bên kia là Tòa án Hiến pháp ra phán quyết mở đường cho khả năng hoãn cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới. Những diễn biến này đang gia tăng sức ép lên bà Yingluck trong bối cảnh bà phải đối mặt với lực lượng biểu tình chống chính phủ tìm mọi cách để lật đổ bà. 
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Tuy nhiên, giữa những khó khăn bao vây quanh mình, nữ Thủ tướng Yingluck vẫn có được sự ủng hộ rộng khắp của những người nông dân, người nghèo chiếm đa số ở Thái Lan. Hơn nữa, một lực lượng thứ ba ẩn mình trên chính trường quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu đứng lên, nói lên tiếng nói của họ. Lực lượng còn được gọi là “áo trắng” này đang kêu gọi tiến hành bầu cử theo đúng mong muốn của chính phủ bà Yingluck.
 
Trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 2 tháng qua, đã có không ít chuyên gia, nhà phân tích và thành phần áo đỏ ủng hộ bà Yingluck lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về khả năng nữ Thủ tướng có thể bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự hoặc pháp lý. Đây là điều đã từng xảy ra với các chính phủ thân cựu Thủ tướng Thaksin trước đây. Người ta sợ rằng, chính phủ của bà Yingluck sẽ khó bước qua được vết xe đổ của các chính quyền được lực lượng áo đỏ ủng hộ trước đó.
 
Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự không đổ máu lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006, chính trường Thái Lan suốt 8 năm qua phải chứng kiến vòng xoáy của các vụ biểu tình, bạo loạn và lật đổ chính quyền gây ra từ “cuộc đấu tranh” quyết liệt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng gồm giới hoàng gia, trung lưu và thành thị với bên kia là lực lượng áo đỏ gồm những người dân nghèo, dân nông thôn. Áo vàng chống đối kịch liệt cựu Thủ tướng Thaksin trong khi áo đỏ coi ông này như “vị thánh”.
 
Nhờ vào chính sách dân túy làm lợi cho dân nghèo, ông Thaksin xây dựng được cho mình một thành trì ủng hộ rộng khắp và vững chắc. Đó là lý do khiến ông cùng với những đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Tuy nhiên, chính phủ của ông Thaksin và của những người ủng hộ ông đều bị gây khó dễ bởi phe áo vàng tuy không chiếm số lượng đông đảo nhưng lại là lực lượng có quyền lực và ảnh hưởng. Cuộc chiến sắc màu này cứ kéo dài dai dẳng trong vòng luẩn quẩn của biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính phủ mà không có lối thoát.
 
Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu bùng lên dữ dội từ hồi cuối năm ngoái sau khi Thủ tướng Yingluck có ý định thông qua lệnh ân xá mà phe đối lập cáo buộc là nhằm xóa sạch tội danh cho anh trai Thaksin và đưa ông này trở về nước. Để tháo ngòi căng thẳng, bà Yingluck đã phải từ bỏ ý định trên đồng thời giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm. Tuy nhiên, phe biểu tình vẫn chưa thỏa mãn với những bước đi trên mà khăng khăng đòi phải triệt tiêu hoàn toàn ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin cùng gia đình Shinawatra đầy quyền lực ở đất nước Thái Lan.
 
Phe biểu tình dưới sự dẫn dắt của cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng là cựu Phó Thủ tướng Suthep hôm 13/1 đã khởi động chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok nhằm dồn bà Yingluck vào đường cùng, buộc bà phải từ chức. Bạo lực đã nổ ra và chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã phải thông qua việc áp dụng sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 60 ngày, bắt đầu từ hôm 22/1 vừa rồi, ở thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận.
 
Khi cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục kéo dài và bạo lực bắt đầu nổ ra liên tiếp thì cũng là lúc chính phủ của bà Yingluck phải đối mặt thêm với nhiều khó khăn.
 
Cú giáng từ Tòa án Hiến pháp Thái Lan
 
Cú giáng mới nhất mà Thủ tướng Yingluck xinh đẹp phải hứng chịu là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan. Theo đó, ngày hôm qua (24/1), tòa án này đã ra phán quyết mở đường cho việc hoãn kế hoạch bầu cử dự kiến vào ngày 2/2 tới.
 
Ủy ban Bầu cử Thái Lan đang tìm kiếm sự phê chuẩn của tòa án để hoãn kế hoạch bầu cử với lập luận rằng đất nước đang quá rối loạn để có thể tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử thành công.
 
Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã kêu gọi chính phủ hoãn bầu cử nhưng lời kêu gọi này đã bị Thủ tướng Yingluck phản bác mạnh mẽ, khẳng định bà và chính phủ không có quyền hủy bỏ kế hoạch đó sau khi nó đã được sự phê chuẩn của Quốc vương Thái Lan.
 
Sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan tìm đến sự can thiệp của Tòa án Hiến pháp, tòa án này ngày hôm qua đã ra phán quyết khẳng định, kế hoạch bầu cử có thể được hoãn lại mà không vi phạm hiến pháp.
 
"Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể được xem là một phần trong sức ép đang được dồn lên nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck. Những gì đang diễn ra hiện nay không khác là mấy so với chuyện đã xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, lần này nguy cơ xảy ra bạo lực và những điều không thể dự đoán trước cao hơn rất nhiều”, ông Thitinan Pongsudhirak – một nhà phân tích chính trị ở trường Đại học Chulalongkorn, thủ đô Bangkok, đã nhận định như vậy. Năm 2008, các tòa án đã từng lật đổ hai chính phủ thân cựu Thủ tướng Thaksin.
 
Quân đội nhăm nhe can thiệp
 
Ngoài cú giáng từ Tòa án Hiến pháp, nữ Thủ tướng Yingluck còn đang đối mặt với nguy cơ từ sự can thiệp của quân đội sau khi Tư lệnh Lục quân – Tướng Prayuth Chan-ocha hôm 22/1 tuyên bố, quân đội sẵn sàng can thiệp vào chính trường. Đây là diễn biến đầy bất thường sau nhiều lần ông Prayuth khẳng định đứng trung lập, không can thiệp vào cuộc đấu đá hiện nay.
 
Quân đội sẵn sàng hành động nếu tình hình chính trị leo thang thành bạo lực. “Bất cứ khi nào các cuộc xung đột leo thang thành bạo lực mà không thể tháo gỡ được thì quân đội sẽ phải can thiệp vào để giải quyết nó. Chúng tôi sẽ làm hết sức để chăm lo cho đất nước và sử dụng những phương tiện đúng đắn”, Tướng Prayuth Chan-ocha đã phát biểu như vậy.
 
Tư lệnh Lục quân Thái Lan còn cảnh báo rằng, một số nhóm đang sử dụng những biện pháp bạo lực, bất hợp pháp để khuấy đảo bất ổn. Tuy nhiên, ông Prayuth tuyên bố, những nhóm đó sẽ không thành công. "Tôi lên án những thành phần đó. Tôi nhận được một số thông tin về việc họ là ai. Tôi nhắc lại lời cảnh báo rằng, họ không được tái diễn hành động sử dụng vũ lực. Chúng tôi đang thu thập bằng chứng để cảnh sát có thể hành động”, ông Prayuth nói thêm.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc