Nín thở hai phe đối địch Syria mặt đối mặt

09:01, 22/01/2014
|

(VnMedia) - Chính quyền Syria và lực lượng đối địch (phe nổi dậy) hôm nay (22/1) sẽ lần đầu tiên có cuộc gặp trực diện mặt đối mặt trong một hội nghị hòa bình được cho là sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng và kéo dài. Các cường quốc thế giới đã nỗ lực gạt những bất đồng và mâu thuẫn sang một bên để thúc đẩy tiến trình tìm kiếm một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài đã gần 3 năm qua ở đất nước Syria cũng như tình hình bất ổn đang lan rộng khắp khu vực Trung Đông. Lúc này, cả thế giới dường như đang đổ dồn mọi con mắt về cuộc gặp ở Thụy Sỹ.
 

Ảnh minh họa

Liệu hội nghị Geneva II có giúp chấm dứt được cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria?


Ngày đầu tiên của hội nghị hòa bình Geneva II sẽ bắt đầu bằng các bài phát biểu chính thức dưới sự chủ trì của Liên Hợp Quốc tại Khách sạn Palace ở Montreux. Sự kiện này không đem lại hy vọng lớn gì, đặc biệt là khi mà các chiến binh nổi dậy Hồi giáo trên chiến trường Syria gán cho giới lãnh đạo phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn là những kẻ phản bội khi đồng ý có mặt chung một phòng họp với phái đoàn của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Việc Liên Hợp Quốc vào phút cuối rút lời mời Iran – đồng minh của Tổng thống Assad, đến dự hội nghị Geneva II dưới sức ép của phe nổi dậy và Mỹ đang một lần nữa phơi bày cuộc đối đầu căng thẳng giữa phương Tây và Nga trong vấn đề Syria cũng như sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc ở Trung Đông giữa những người Ả-rập theo dòng Sunni ủng hộ phe nổi dậy và giới lãnh đạo theo dòng Shiite ở Tehran.
 
Ngoài ra, sự kiện công bố hàng ngàn bức ảnh cho thấy các tù nhân bị tra tấn, bị giết hại bởi chính quyền Tổng thống Asssad ngay trước thềm hội nghị đã khiến phe đối lập Syria có thêm lý do để đòi ông này từ chức và đối diện với một phiên tòa xử các tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống Assad nhấn mạnh, ông có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm nay và chỉ muốn đối thoại về cuộc chiến chống “chủ nghĩa khủng bố”.
 
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem bác bỏ bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của Tổng thống Assad. "Chủ đề về Tổng thống và chính quyền là một lằn ranh đỏ đối với chúng tôi và người dân cũng như nguyện vọng của Syria sẽ không được bàn thảo tại đây”, ông Moualem – người dẫn đầu phái đoàn Damascus đến Geneva, đã nhấn mạnh như vậy.
 
Tổng thống Assad được bảo vệ bởi đồng minh Nga. Trong khi đó, phương Tây do Mỹ dẫn đầu lại ra sức hậu thuẫn cho phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, cả Washington và Moscow đều chia sẻ quan ngại về tình trạng lan tràn bạo lực ở Syria, khiến hơn 130.000 người thiệt mạng trong gần 3 năm qua. Gạt bỏ những bất đồng sang một bên, Nga và Mỹ hồi năm ngoái bắt đầu khởi động tiến trình sắp xếp và tổ chức hội nghị hòa bình nhằm hướng tới một mục tiêu chung cấp bách hiện nay là chấm dứt ngay tình trạng đổ máu ở Syria.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã có một cuộc điện đàm thiết thực về vấn đề Syria ngày hôm qua (21/1). Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry có cuộc gặp ở Montreux – nơi hội nghị Geneva II khai màn.
 
"Rất khó để đặt ra kỳ vọng gì trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Moscow và Washington thực sự muốn chấm dứt cuộc xung đột chính trị ở Syria. Họ đang rất chân thành và cuộc họp lần này không phải là để phô diễn”, một nguồn tin có mặt tại hội nghị Geneva II với tư cách cố vấn cho phe nổi dậy Syria đã cho biết như vậy.
 
Chương trình nghị sự của Geneva II
 
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria – ông Lakhdar Brahimi đã bày tỏ hy vọng, ngày đầu tiên của hội nghị hòa bình ở Khách sạn Palace ở Montreux, Thụy Sỹ (22/1) sẽ dẫn tới những cuộc thảo luận chi tiết hơn ở Geneva từ ngày 24/1 tới. Các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc tin rằng, vòng đàm phán lần này ban đầu có thể đem đến ít nhất một số sự trợ giúp cho nhân dân Syria bằng cách tăng cường nguồn viện trợ cũng như thực hiện các cuộc trao đổi tù nhân.
 
Phái đoàn của chính quyền Tổng thống Assad có thể nhấn mạnh đến mối đe dọa đối với phương Tây và các đồng minh Ả-rập từ Al-Qaeda và lực lượng chiến binh cực đoan khác đang chiến đấu chống lại quân đội Syria. Tuy nhiên, giới lãnh đạo phương Tây cho biết, họ ủng hộ hoàn toàn phe đối lập trong việc yêu cầu ông Assad từ chức – điều mà họ tuyên bố là kết luận của hội nghị Liên Hợp Quốc ở Geneva cách đây 18 tháng.
 
Nga đã phê chuẩn thông báo chung tại hội nghị Geneva I hồi năm 2012 nhưng không nhất trí với phương Tây về việc loại bỏ vai trò của Tổng thống Assad trong chính phủ chuyển tiếp ở Syria.
 
Khi các chính phủ phương Tây có thể thuyết phục Liên minh Quốc gia Syria đến tham dự hội nghị Geneva II thì Nga có thể cũng phải tìm cách gây áp lực buộc Tổng thống Assad đưa ra một số nhượng bộ. Tuy nhiên, cố vấn của phe đối lập thận trọng cho biết: “Tổng thống Assad sẽ không có hành động kiểu tự tử nào chỉ bởi vì Moscow yêu cầu ông ta làm thế”.
 
Chẳng bên nào trong hai phe phái đối địch nhau ở Syria có thể giành chiến thắng tuyệt đối. Mặc dù mâu thuẫn nội bộ sâu sắc nhưng phe nổi dậy lại đoàn kết, nhất trí trong mục tiêu lật đổ Tổng thống Assad. Vì thế, việc đạt được một thỏa thuận làm hài lòng cả hai phe ở Syria lúc này là một viễn cảnh khá xa vời.
 
Một quan chức Nga hôm qua cho biết, vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa chính quyền Syria và phe đối lập ở Geneva sẽ kéo dài từ 7 đến 10 ngày và sau đó sẽ còn diễn ra vòng tiếp theo. Điều này đủ thấy là hội nghị Geneva sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng và kéo dài.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc