Nhật không ngại đối đầu với Trung Quốc vì Biển Đông

12:51, 13/01/2014
|

(VnMedia) - Sau Mỹ đến lượt Nhật Bản hôm qua (12/1) đã lên tiếng chỉ trích thẳng thừng những quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá mà Trung Quốc mới áp đặt ở Biển Đông từ hôm 1/1. Tokyo cho rằng, động thái này cùng với việc Bắc Kinh tuyên bố lập vùng phòng không hồi cuối năm ngoái đã khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại.
 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


"Việc đơn phương đưa ra những quy định như thể đó là vùng lãnh hải riêng của bạn đồng thời áp đặt những giới hạn đối với các thuyền đánh bắt cá là điều mà cộng đồng quốc tế không thể dung thứ”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera phát biểu trước giới phóng viên.
 
"Tôi e ngại rằng, không chỉ Nhật Bản mà toàn bộ cộng đồng quốc tế đều lo ngại trước việc Trung Quốc đang đơn phương đe doạ trật tự quốc tế hiện nay” bằng việc đưa ra những quy định giới hạn ở Biển Đông và thiết lập một vùng nhận diện phòng không, ông onodera nói thêm.
 
Theo luật mới mà Trung Quốc vừa đưa ra, tất cả các tàu thuyền nước ngoài đi qua nơi được gọi là “khu vực hành chính mới của tỉnh Hải Nam ở Biển Đông” – một khu vực bao trùm đến 2/3 diện tích trong số hơn 2,4 triệu km vuông ở Biển Đông, sẽ phải được sự chấp thuận của giới chức nước này.
 
Luật mới của Trung Quốc quy định, bất kỳ tàu thuyền nào vi phạm luật đánh bắt cá của họ sẽ bị trục xuất ra khỏi khu vực, bị tịch thu những thứ mà họ đánh bắt được và đối diện với mức phạt lên tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị bắt giữ và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật Trung Quốc.
 
Giới phân tích tin rằng, việc đưa ra những quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tiến dần tới việc bác bỏ chủ quyền của các nước khác để mở đường cho tham vọng độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc “tung” ra một hành động pháp lý để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông – nơi nước này đang tranh chấp nhiều khu vực với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Trước Nhật Bản, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Mỹ và Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối những quy định mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington đã gọi những quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc là “khiêu khích và gây nguy hiểm”.
 
Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan thì lên tiếng bác bỏ thẳng thừng các quy định mới mà Trung Quốc vừa đưa ra ở Biển Đông, tuyên bố các ngư dân của họ vẫn tiến hành hoạt động như bình thường ở khu vực biển này mà không thông báo hay xin phép bất kỳ ai.
 
Philippines thì khẳng định, những quy định mới của Trung Quốc sẽ không thể thực thi được ở khu vực bên ngoài vùng lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của quốc gia Châu Á này.
 
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ  ngay những việc làm sai trái ở Biển Đông, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.
 
Trung Quốc khó có thể thực thi quy định mới ở Biển Đông
 
Nhận định về những quy định hạn chế hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam của Trung Quốc thừa nhận, Bắc Kinh sẽ khó có thể thực thi được luật mới nói trên do những khó khăn trong việc thiết lập một lực lượng bảo vệ bờ biển tập trung.
 
Bà Lin Yun, Trưởng phòng pháp lý của Cục Hải dương và Ngư nghiệp Hải Nam, cho biết, hoạt động chuẩn bị cho mục tiêu cải cách lực lượng bảo vệ bờ biển chỉ mới hoàn thành được một nửa.
 
Kế hoạch sáp nhập 4 cơ quan thực thi luật hàng hải cồng kềnh thành một lực lượng bảo vệ bờ biển thống nhất của Trung Quốc đã được thông báo từ hồi tháng 3 năm ngoái. Báo chí nước này đưa tin, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6 vừa rồi.
 
Tuy nhiên, bà Lin cho hay, những nỗ lực để làm cho lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn và phản ứng nhanh hơn đang bị trì hoãn bởi tệ quan liêu. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh lợi ích giữa các bộ máy quan chức chịu trách nhiệm về hoạt động tuần tra hàng hải.
 
Theo bà Lin, Cơ quan Hải giám Trung Quốc và Bộ Chỉ huy Thực thi Luật Ngư nghiệp Trung Quốc vẫn là trụ cột chính trong hạm đội thực thi luật ở Biển Đông bởi hệ thống bảo vệ bờ biển vẫn chưa vươn tới Hải Nam hay bất kỳ tỉnh nào khác. "Việc sáp nhập các cơ quan thi hành luật hàng hải diễn ra không suôn sẻ bởi nó liên quan đến quá nhiều nhân sự và tái cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo cũng như trách nhiệm của họ. Chắc chắn có một vài sự phản đối khi bạn tìm cách sáp nhập các cơ quan khác nhau”, bà Lin cho hay.
 
Bà Lin cũng thừa nhận, có sự thiếu rõ ràng trong việc Bắc Kinh xác định “vùng lãnh hải thuộc thẩm quyền của Hải Nam. Chưa bao giờ có đường biên giới rõ ràng về vùng lãnh hải nằm dưới sự quản lý của tỉnh Hải Nam. Quốc hội chưa bao giờ xác định một đường ranh giới như thế và tỉnh Hải Nam cũng không có quyền làm điều đó”.
 
Khi được hỏi về việc các nhân viên thực thi luật hàng hải làm thế nào có thể biết được các đường biên giới để họ thực hiện các hoạt động tuần tra, bà Lin cho hay, một vài trong số  này có thể áp dụng “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nhằm đòi độc chiếm hầu hết Biển Đông. Đường 9 đoạn của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt vì tính phi lý, thiếu căn cứ và đi ngược lại luật pháp quốc tế của nó.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc