Mỹ-Ấn cứu vãn quan hệ sau vụ "bắt cởi đồ"

12:14, 12/01/2014
|

(VnMedia) - Quan hệ giữa hai cường quốc đồng minh Mỹ và Ấn Độ đã rơi vào một phen chao đảo vì cuộc khủng hoảng liên quan đến việc nữ nhân viên ngoại giao Ấn Độ bị cảnh sát Mỹ bắt cởi đồ để lục soát rồi sau đó còng tay bắt giữ ở giữa thành phố New York . Tuy nhiên, sau những màn “ăn miếng trả miếng”, “cuộc chiến” này đã kết thúc bởi bản thân Washington New Delhi đều không muốn quan hệ thân thiết của họ bị ảnh hưởng.

 

Ảnh minh họa

Nữ nhân viên ngoại giao Ấn Độ là trung tâm của cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Ấn gần đây


Ấn Độ trả đũa Mỹ

 

Ấn Độ đã trục xuất một nhà ngoại giao Mỹ ra khỏi nước này trong một động thái nhằm trả đũa cho hành động tương tự từ Washington .

 

Các nguồn tin báo chí hôm 10/1 đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Mỹ rút một quan chức của nước này ra khỏi Đại sứ quán ở thủ đô New Delhi .

 

Quyết định trên được đưa ra sau khi Devyani Khobragade – nhà nữ ngoại giao bị cảnh sát Mỹ bắt cởi đồ kiểm tra và bị bắt giữ ở New York hồi tháng 12, trở về quê hương Ấn Độ.

 

"Chúng tôi đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ rút một nhân viên ngoại giao có cấp bậc tương tự như của Khobragade”, một quan chức giấu tên của Ấn Độ cho hay.

 

Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là đồng minh của nhau – Mỹ, Ấn Độ bắt đầu rơi vào căng thẳng sau khi bà Devyani Khobragade - Phó Tổng lãnh sự Ấn Độ tại New York, hồi tháng 12 bị cảnh sát Mỹ bắt giữ, bị còng tay sau đó còn bị bắt cởi đồ để lục soát toàn thân vì cáo buộc gian lận visa và trả lương thấp cho người giúp việc.

 

Vụ việc trên đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của phía giới chức Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Singh từng phát biểu: Đó là “một vụ việc đáng lên án”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid tuyên bố, nước này sẽ “trả đũa” Mỹ thay cho nữ nhân viên ngoại giao và sẽ giúp phục hồi lại danh dự cho bà. Các nghị sĩ của cả đảng cầm quyền và đảng đối lập ở Ấn Độ đều sôi sục tức giận trước vụ bắt giữ bà Khobragade, cáo buộc rằng đó là hành vi vi phạm công ước Vienna .

 

Cơn nổi giận ở Ấn Độ tiếp tục tăng lên sau khi nữ nhân viên ngoại giao Khobragade gửi một bức thư email trong đó nói rằng, bà liên tục bị giới chức Mỹ còng tay, bị bắt cởi đồ, bị lục soát khắp người và bị giam nhốt cùng với những tên tội phạm, nghiện hút khác.

 

Ấn Độ coi vụ việc trên không còn là vấn đề của một cá nhân mà là chủ quyền của một quốc gia. Vì thế, quốc gia Châu Á có phản ứng rất mạnh. Ngay sau vụ việc, Ấn Độ đã có hành động trả đũa bằng cách giảm bớt các ưu tiên ngoại giao cho các nhà ngoại giao Mỹ, yêu cầu họ trả lại thẻ căn cước đồng thời rút bớt các biện pháp đảm bảo an ninh bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô New Delhi . Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Sushil Kumar Shinde và Phó Chủ tịch Đảng Quốc đại cầm quyền Ấn Độ Rahul Gandhi đã từ chối gặp phái đoàn của Quốc hội Mỹ đến thăm New Delhi để bày tỏ sự phản đối với cách đối xử của Mỹ với nhà ngoại giao của họ.

 

Tuy nhiên, sự trở về của bà Khobragade được cho là có thể làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ-Ấn.

 

“Không có đối đầu Mỹ-Ấn”

 

Chính phủ Ấn Độ hôm qua (11/1) đã lên tiếng khẳng định, không có cuộc đối đầu giữa họ với Mỹ vì vụ bắt giữ nhà nữ ngoại giao Khobragade. Điều đó cho thấy, cả Washington New Delhi đều dường như mong muốn tháo gỡ cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài cả tháng qua giữa hai nước.

 

Sau cuộc gặp gỡ với nhà nữ ngoại giao Khobragade vừa trở về New Delhi, Ngoại trưởng Ấn Độ Khurshid đã tìm cách nói giảm, nói tránh về căng thẳng ngoại giao với Mỹ, nói rằng hai nước đã giải quyết xong vấn đề này.

 

Việc Mỹ để cho bà Khobragade trở về Ấn Độ mà không xét xử các cáo buộc mà họ đưa ra trước đó đã thể hiện một sự nhượng bộ trước New Delhi .

 

"Không có lý do gì để chúng ta lúc này còn cảm thấy lo ngại về hậu quả tiêu cực hay những rắc rối gây ra từ vụ việc trên”, ông Khurshid hôm qua đã nói như vậy với giới phóng viên.

 

Sau khi Mỹ yêu cầu bà Khobragade rời khỏi nước này thì Ấn Độ cũng yêu cầu Washington rút một nhà ngoại giao của họ ra khỏi Đại sứ quán ở thủ đô New Delhi . Mỹ cho biết, họ sẽ thực hiện yêu cầu này dù “rất lấy làm tiếc”.

 

"Chúng tôi mong chờ và hy vọng, vụ việc sẽ kết thúc ở đây và phía Ấn Độ sẽ có những bước đi có ý nghĩa với chúng tôi để cải thiện quan hệ song phương, đưa nó trở lại vị trí mang tính xây dựng hơn”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki phát biểu tại thủ đô Washington.

 

Khi được hỏi về việc khôi phục những ưu tiên cho các nhà ngoại giao Mỹ ở thủ đô New Delhi, Ngoại trưởng Khurshid khẳng định, các nhà ngoại giao Mỹ sẽ được đối xử tương tự như những nhà ngoại giao đến từ các nước khác.

 

"Tôi không nghĩ rằng, chúng tôi nên ưu tiên nhiều hơn hay ít hơn cho những nhà ngoại giao khác”, ông Khurshid cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNN-IBN. Ông này bác bỏ những chỉ trích được đưa ra trước đó cho rằng các nhà ngoại giao Mỹ ở New Delhi được hưởng những ưu tiên lớn hơn các nhà ngoại giao của các nước khác.

 

Cũng theo lời Ngoại trưởng Khurshid, chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz sẽ sớm được lên kế hoạch lại sau khi nó bị trì hoãn bởi Washington trong lúc cuộc khủng hoảng ngoại giao vì vụ việc liên quan đến bà Khobragade đang diễn ra căng thẳng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc