Hội nghị Geneva: Cãi cọ, khẩu chiến “lên ngôi”

11:53, 23/01/2014
|

(VnMedia) - Hội nghị quốc tế về Syria đã chính thức khai màn ngày hôm qua (22/1). Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên, hội nghị này đã gây thất vọng não nề khi bị bao phủ bởi những cuộc cãi cọ, khẩu chiến, cáo buộc lẫn nhau đầy căng thẳng giữa hai phe đối địch nhau ở Syria cũng như giữa các nước có liên quan.
 

Ảnh minh họa

 Hội nghị Geneva II


Ông Bashar Jaafari – đại diện thường trực của Syria tại Liên Hợp Quốc, cho các phóng viên biết, ông hoàn toàn thất vọng về cách thức tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng đang diễn ra ở Thụy Sỹ. Hầu hết trong số 40 quốc gia tham dự đều là “các phái đoàn chống Syria” và những bài phát biểu của họ đều mang tính “khiêu khích với những tuyên bố lặp đi lặp lại dựa trên sự thù địch đối với chính phủ Syria”, ông Jaafari cho hay.
 
Một danh sách ban đầu được tiết lộ có chưa đầy 30 nước tham dự hội nghị hòa bình Geneva II ngoài các tổ chức. “Họ đã thêm 10 nước nữa nhưng loại trừ Iran”, ông Jaafari nói. Iran là một trong những đồng minh thân thiết nhất của chính quyền Syria.
 
Ông Jaafari cho rằng, hội nghị Geneva thất bại trong việc thúc đẩy, khuyến khích tiến trình đối thoại chính trị quốc gia. Đây là hội nghị “phản tác dụng, không có chút tích cực nào”, ông Jaafari cho biết.
 
Trước đó tại hội nghị, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “ngừng hậu thuẫn cho phe đối lập vũ trang” trong nước, nhấn mạnh rằng một số quốc gia tham dự hội nghị Geneva II “đã dính máu người dân Syria trên tay”.
 
Ông Muallem cũng lên án những vụ thảm sát do lực lượng cực đoan gây ra và cáo buộc những thành phần này đang núp bóng dưới danh nghĩa cuộc cách mạng để khuấy lên căng thẳng trong nước.
 
Sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Muallem, ông Ahmed Jarba – thủ lĩnh Liên minh Quốc gia Syria (phe nổi dậy) đã lên tiếng phản pháo, cáo buộc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang thảm sát người dân. “Thảm sát lan tràn tiếp tục diễn ra ở Syria. Liệu ai có thể chịu được? Việc chúng tôi đứng lên cầm vũ khí không phải là lựa chọn của chúng tôi”, ông Muallem nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, điểm trọng tâm thực sự trong cuộc tranh cãi, khẩu chiến giữa hai phe đối địch nhau của Syria chính là vai trò của Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Muallem trước khi lên đường đến Geneva đã nhấn mạnh rằng, chủ đề liên quan đến vị thế của Tổng thống Assad là “lằn ranh đỏ” và không thể được đụng chạm đến.
 
"Không ai trên thế giới này có quyền hủy bỏ tính hợp pháp của một Tổng thống hay một chính phủ trừ chính người dân Syria”, ông Muallem tuyên bố đầy cứng rắn như vậy.
 
Tuy nhiên, ông Jarba khăng khăng đòi thiết lập một chính phủ chuyển tiếp không có sự tham gia của ông Assad. "Đối với người dân Syria, thời gian bây giờ chính là máu”, thủ lĩnh phe đối lập phát biểu.
 
Lập trường trên của ông Jarba nhanh chóng được ủng hộ bởi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông này tiếp lời cho biết: “Tổng thống Assad đã mất tính hợp pháp. Các bạn không thể cứu được đất nước Syria chừng nào Tổng thống Assad còn đó”.
 
Thất vọng và hy vọng

Những cuộc đấu khẩu, cãi cọ và cáo buộc lẫn nhau đã khiến người ta thêm thất vọng và cũng làm dập tắt những hy vọng về việc hội nghị Geneva II có thể tạo được bước đột phá, tiến tới kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria.
 
Tuy vậy, nhiều đại biểu tham gia hội nghị Geneva II dường như vẫn tỏ dấu hiệu lạc quan bởi đây là lần đầu tiên trong vòng gần 3 năm qua, các phe đối địch ở Syria có thể ngồi lại, đàm phán trực tiếp với nhau.
 
"Không dễ để có thể ngồi lại bàn đàm phán như thế này sau khi máu đã đổ và sự tàn phá xảy ra khắp nơi”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã phát biểu như vậy khi chủ trì hội nghị ở Thụy Sỹ ngày hôm qua.
 
"Hầu hết mọi người có ảnh hưởng đến tình hình ở Syria đều đã ngồi lại chung trong một phòng dưới sự chủ trì, dẫn dắt của Liên Hợp Quốc. Khoảng khắc đó đã mang tính lịch sử”, ông Ban phát biểu.
 
Ngoại trưởng Kerry gọi hội nghị lần này là “sự khởi đầu”. "Đó là một sự khởi đầu của một tiến trình chắc chắn là sẽ phức tạp và khó khăn. Những cuộc đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh và kết thúc một cuộc đấu tranh như thế này luôn luôn là rất khó khăn”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thừa nhận.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi các đại biểu tham gia hội nghị “làm tất cả những gì có thể để giúp chính phủ và phe đối lập Syria tập trung nỗ lực hướng tới mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố”.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trước hội nghị rằng, con đường đàm phán hòa bình giữa các phe phái khác nhau ở Syria chắc chắn sẽ cam go, khúc khuỷu với chỗ lên, chỗ xuống. Vì thế, cần phải có niềm tin, sự kiên nhẫn và kiên trì để tìm ra một cách hài hòa”.
 
Chính phủ Syria cũng thể hiện thiện chí. “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với phe đối lập” mặc dù đó không phải là việc dễ dàng, Bộ trưởng Thông tin Omran al-Zohbi cho biết trong cuộc phỏng vấn tờ Tân Hoa xã gần đây. “Để tìm được một giải pháp và một tiến trình chính trị cần phải có thời gian”, ông Zohbi nói thêm.
 
Bước tiếp theo sẽ được tiến hành vào ngày mai (24/1) khi đại diện của chính quyền Syria có cuộc đối thoại trực tiếp với phe đối lập dưới sự chủ trì của đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về Syria – ông Lakhdar Brahimi. Tiến trình này được dự đoán là sẽ diễn ra khó khăn hơn nhiều.
 
Ông Brahimi tiết lộ, ông sẽ có cuộc gặp riêng rẽ với hai phe đối địch của Syria trong ngày hôm nay (23/1) để tìm hiểu xem liệu họ có thể bàn thảo trực tiếp với nhau hay tiếp tục đàm phán một cách riêng rẽ qua trung gian. “Chúng tôi có một lộ trình trong thông cáo chung”, ông Brahimi cho hay đồng thời bày tỏ mong muốn rằng lịch trình của hội nghị vào ngày mai sẽ không có sự thay đổi nào.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc