Trung Quốc chưa dám "ho he" ở Biển Đông

08:33, 11/12/2013
|

(VnMedia) - Trung Quốc sẽ không dám tuyên bố thành lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông trong thời gian trước mắt bất chấp việc nước này vừa đơn phương thông báo lập vùng phòng không ở khu vực tranh chấp thuộc biển Hoa Đông. Đó là nhận định vừa được các chuyên gia đưa ra ngày hôm qua (10/12). 
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Cả ông Chen I-hsin đến từ Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Tamkang và là một chuyên gia về an ninh khu vực cùng với ông Fan Shih-ping đến từ Viện Nghiên cứu Chính trị thuộc trường Đại học Taiwan Normal đều khẳng định rằng, trước mắt, Trung Quốc còn quá bận rộn nên chưa thể tập trung vào việc thiết lập một vùng phòng không gây tranh cãi thứ hai.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo về sự phát triển của Trung Quốc, ông Chen cho hay, ông tin rằng, việc thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông nằm trong “chính sách đã định sẵn” của quân đội Trung Quốc.
 
"Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông của Trung Quốc được lập ra để thách thức Nhật Bản. Bắc Kinh có thể chưa bao giờ tưởng tượng được động thái đó của họ lại gây phản ứng từ cả Australia và Hàn Quốc”, ông Chen nói.
 
Phản ứng tiêu cực rộng khắp đối với vùng phòng không đầu tiên của Trung Quốc được cho là còn kéo dài đến tận năm sau. Điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh buộc phải hoãn lại kế hoạch thành lập vùng nhận diện phòng không thứ hai mặc dù chuyên gia Chen dự đoán cường quốc số 1 Châu Á chắc chắn sẽ không từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi này.
 
Cùng quan điểm với Chen, nhà phân tích Fan tin rằng, hiện tại, giới chức Trung Quốc đang quá bận rộn với việc giải quyết hàng loạt các vấn đề gây ra từ việc thành lập Vùng Nhận diện Phòng không ở biển Hoa Đông nên sẽ chưa thể và chưa dám tuyên bố thành lập vùng phòng không thứ hai ở Biển Đông. Việc Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông sẽ gây sóng gió nhiều hơn, căng thẳng nhiều hơn bởi đây là nơi chứng kiến nhiều cuộc tranh chấp hơn với nhiều nước hơn là ở biển Hoa Đông.
 
Trước đó, hôm 1/12, Bộ Quốc phòng Vùng lãnh thổ Đài Loan từng đưa ra một bản báo cáo, trong đó nói rằng có nhiều khả năng Trung Quốc sắp lập một vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông để tìm cách xác lập chủ quyền của nước này ở những khu vực đang nằm trong tranh chấp với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Trên thực tế, sau khi Trung Quốc gây sốc bằng việc hôm 23/11 bất ngờ tuyên bố thành lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông, trong đó bao gồm các khu vực đang nằm trong tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc, giới phân tích đã tin rằng, Trung Quốc sẽ có hành động tương tự ở Biển Đông. Tất cả các bước đi này của Bắc Kinh được cho là nằm trong chiến lược xác lập chủ quyền ở những khu vực mà nước này đang tranh chấp với một loạt nước láng giềng.
 
Chính vì hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc nên rất nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia hay Vùng lãnh thổ Đài Loan đều lên tiếng thể hiện sự phản đối quyết liệt.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới đây đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc Trung Quốc lập thêm vùng phòng không ở Biển Đông. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng bày tỏ sự quan ngại về diễn biến này nếu nó xảy ra. Trong khi đó, Lãnh đạo Vùng lãnh thổ Đài Loan – ông Mã Anh Cửu hồi cuối tuần trước cho biết, ông sẽ yêu cầu Trung Quốc không thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không ở Biển Đông.
 
Những nước trên đều đã đồng loạt lên tiếng khẳng định không thừa nhận vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Nhiều nước thậm chí còn đưa máy bay quân sự vào khu vực này để thách thức Trung Quốc.
 
Trong một bước đi mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn, Hàn Quốc mới đây còn tuyên bố mở rộng vùng phòng không của nước này bao gồm cả một số khu vực chồng lần với Trung Quốc.
 
Hiện tại, Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt với Nhật Bản ở biển Hoa Đông cũng như tranh giành chủ quyền với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan ở Biển Đông. Các khu vực biển này đều được cho là chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. 


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc