Sức ép khiến Thủ tướng Thái giải tán Quốc hội

10:51, 09/12/2013
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sáng nay (9/12) đã chính thức tuyên bố giải tán Hạ viện trước sức ép quyết liệt đến cùng của phe đối lập và người biểu tình. Quyết định này của bà Yingluck chỉ còn đợi sự phê chuẩn của Quốc vương.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Yingluck


Cuối cùng, sau nhiều tuần đối mặt với làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ, Thủ tướng Yingluck đã buộc phải giải tán Quốc hội để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm ở đất nước Thái Lan.

 

"Tôi không muốn đất nước chúng ta và người dân Thái Lan phải chịu đựng thêm những mất mát. Tôi quyết định giải tán Hạ viện”, bà Yingluck cho biết trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sáng nay.

 

Theo lời Nhà lãnh đạo Thái Lan, họ sẽ ấn định ngày tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong thời gian nhanh nhất có thể. “Tình hình dường như tiếp tục leo thang, vì vậy, chính phủ quyết định trao trả lại quyền lực cho nhân dân và để họ tự quyết định tương lai của mình qua các cuộc bầu cử”, bà Yingluck phát biểu.

 

Nữ Thủ tướng Thái cũng bày tỏ hy vọng tất cả các đảng phái sẽ tham dự vào cuộc bầu cử sắp tới. Trong thời gian trước mắt, khi chưa diễn ra cuộc bầu cử, bà Yingluck vẫn tạm giữ quyền Thủ tướng của đất nước.

 

Bước đi trên của bà Yingluck được đưa ra sau khi từ sáng sớm nay, làn sóng người biểu tình chống chính phủ bắt đầu đổ về Tòa nhà Chính phủ từ nhiều khu vực khác nhau trong một nỗ lực mà họ gọi là "cuộc quyết chiến cuối cùng" nhằm lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck.

 

Bà Yingluck cũng giải tán Hạ viện sau khi Đảng Dân chủ đối lập chính của Thái Lan hôm qua (8/12) tuyên bố rút khỏi Quốc hội. Khoảng 150 thành viên của đảng này đã đồng loạt từ chức khỏi Hạ viện với lý do họ không thể tiếp tục làm việc cho chính phủ của bà Yingluck.

 

"Chính phủ này không còn thích hợp để điều hành đất nước và vì thế Hạ viện cũng không còn thích hợp nữa. Ngày hôm nay, chúng tôi xin từ chức để thể hiện lập trường đó”, Lãnh đạo đảng đối lập cũng là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố.

 

Phe đối lập khăng khăng đòi xóa bỏ "chính quyền Thaksin"

Mặc dù Thủ tướng Yingluck đã có hành động làm dịu tình hình bằng cách tuyên bố giải tán Hạ viện nhưng có vẻ như phe đối lập vẫn chưa hài lòng.

 

Thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ hiện nay – ông Suthep tuyên bố, ông sẽ không chấm dứt các cuộc biểu tình dù Thủ tướng đã giải tán Hạ viện và cam kết tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

 

"Chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu chính của mình. Giải tán Hạ viện không phải là mục đích cuối cùng của chúng tôi”, ông Suthep đã nhấn mạnh như vậy. Theo lời ông này, các cuộc biểu tình của họ sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay.

 

Thay vì chấp nhận với phương án tổ chức bầu cử sớm, những người biểu tình đòi thành lập một hội đồng nhân dân không thông qua bầu cử để lên lãnh đạo đất nước Thái Lan. Điều này là vi hiến theo nhận xét của Thủ tướng Yingluck. Bản thân rất nhiều học giả và các nhà phân tích cũng lên tiếng chỉ trích và phản đối đòi hỏi này của những người biểu tình. Theo họ, cách làm này không hợp lý, không phù hợp với nền dân chủ và điều quan trọng hơn là nó sẽ không giải quyết được triệt để cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều năm qua ở Thái Lan.

 

Đảng Dân chủ đối lập đã không thể giành được bất kỳ chiến thắng nào trong các cuộc bầu cử ở Thái Lan kể từ năm 1992 đến giờ. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao một số thủ lĩnh của đảng này dường như đang tìm cách từ bỏ nền chính trị bầu cử mà họ được cho là không thể chiến thắng.

 

Thủ lĩnh làn sóng biểu tình – ông Suthep vẫn khăng khăng tuyên bố, họ muốn xóa bỏ hoàn toàn chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin – anh trai của bà Yingluck. Phe đối lập luôn cáo buộc rằng, nữ Thủ tướng Yingluck chỉ là “con rối” trong tay ông Thaksin và rằng ông này đang điều hành đất nước Thái Lan từ xa.

 

Mặc dù đã rời xa chính trường Thái Lan trong suốt 8 năm qua nhưng cựu Thủ tướng Thaksin vẫn là nguồn gốc của các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp xảy ra ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông Thaksin được yêu mến, được tôn thờ như một vị Thánh bởi đa số người dân nghèo và người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, ông này lại bị coi là kẻ thù của những người thuộc tầng lớp hoàng gia, trung lưu đầy quyền lực ở các khu vực thành thị. Sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 và phải đi sống lưu vong ở Dubai, chính trường Thái Lan luôn phải chứng kiến những cuộc đối đầu nảy lửa giữa lực lượng chống ông Thaksin (áo vàng) và lực lượng ủng hộ ông này (áo đỏ).

 

Việc bà Yingluck giải tán Hạ viện được giới phân tích tin là lựa chọn khả thi và thích hợp nhất trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, người ta vẫn không biết liệu Thái Lan có tìm được lối thoát để gỡ bỏ mớ bòng bong đầy rối loạn trên chính trường nước này kéo dài đã 8 năm qua. Trước mắt, người ta vẫn thấy sự bế tắc đang tồn tại khi mà phe đối lập không chấp nhận phương án giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Phe đối lập muốn thành lập một hội đồng nhân dân do Hoàng gia bầu lên để lãnh đạo đất nước Thái Lan nhưng chính quyền của bà Yingluck lại muốn một cuộc bầu cử sớm.

 

Nếu theo phương án bầu cử, đương nhiên chính quyền của bà Yingluck tiếp tục thắng thế và sẽ không có cơ hội cho phe đối lập. Ngược lại, nếu theo đề xuất của phe đối lập thì đương nhiên, phe của cựu Thủ tướng Thaksin sẽ buộc phải rút lui, nhường bước cho đối thủ lên cầm quyền. Đây là điều khó có thể chấp nhận được với chính quyền của bà Yingluck khi bà đang nắm trong tay sự tín nhiệm của đa số người dân.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc